Già trẻ đều bị và quá thời gian vàng điều trị
Ghi nhận tại Khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện đa khoa Hùng Vương trong những ngày gần đây, tỉ lệ bệnh nhân tai biến mạch máu não tăng mạnh, đa phần đều nhập viện trong tình trạng chuyển biến nặng.
02 bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng đột quỵ não rất nặng. Nguyên nhân do thay đổi thời tiết dẫn đến huyết áp không được kiểm soát, do thay đổi tư thế bất ngờ, do dị dạng mạch,...
Nam bệnh nhân 61 tuổi nhập viện trong tình trạng hôn mê, kết quả CT: Hình ảnh xuất huyết não bán cầu trái, trung não, cầu não, tràn máu hệ thống não thất.
Người nhà bệnh nhân cho biết cách vào viện khoảng 30 phút người nhà phát hiện bệnh nhân trong tư thế nằm gục đầu trong nhà tắm, gọi hỏi không trả lời. Hiện tại bệnh nhân đang được an thần thở máy điều trị tại khoa hồi sức cấp cứu bệnh viện.
Nhiều người đột quỵ nhập viện |
Nam bệnh nhân 32 tuổi vào viện cấp cứu trong tình trạng đau đầu, Kết quả chụp CT sọ não: hình ảnh các ổ tụ máu nhu mô não thùy trái, thái dương phải. Ít máu não thất bên phải. Tụ máu dọc liềm đại não, lều tiểu não.
Các chuyên gia cho biết, Đột quỵ xảy ra khi mạch máu nuôi não bị tắc nghẽn hoặc bị vỡ làm cho não không nhận đủ oxy. Đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao và để lại một số di chứng vĩnh viễn cho bệnh nhân.
Trong tai biến mạch máu não có 2 thể bao gồm: Nhồi máu não hay còn gọi là tắc mạch, và xuất huyết não với biểu hiện chảy máu, vỡ mạch. Tùy thuộc vào thể và mức độ sẽ có những phác đồ điều trị phù hợp.
Đối với bệnh nhân vỡ mạch, các bác sĩ sẽ tiến hành cầm máu, kiểm soát huyết áp, dinh dưỡng cho não, thuốc bổ trợ và can thiệp khi cần.
Riêng đối với trường hợp tắc mạch máu lớn về lâu dài sẽ để lại di chứng nhiều hơn.
Điều đáng nói là đa phần bệnh nhân đều nhập viện trong tình trạng nặng và đã quá "thời gian vàng" trong điều trị đột quỵ.
Thông thường, 3 đến 4 giờ đầu tiên khi bệnh nhân đột quỵ được xem là “thời gian vàng" do lúc này các dấu hiệu của bệnh vừa mới xuất hiện. Sau 3 đến 4 giờ, nơi vùng não xảy ra tai biến và mô não cận kề vùng tai biến sẽ bị hư hại, khó phục hồi.
Quy tắc F.A.S.T để phục hồi
“3 đến 4 giờ đầu sau đột quỵ, nếu người bệnh được đưa đến bệnh viện chữa trị kịp thời thì cơ hội sống sót và phục hồi cao. Vì vậy bệnh nhân đột quỵ cần được sớm đưa vào bệnh viện để các bác sĩ cứu chữa trong thời gian vàng này”, các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu BVĐK Hùng Vương khuyến cáo
Vì vậy, trong cấp cứu đột quỵ, quy tắc F.A.S.T (nhanh) nhận biết và cấp cứu nhanh người bị đột quỵ như sau:
Face (Khuôn mặt): Mặt méo mó, cảm giác tê, cứng. Cười lên thì méo mó sẽ rõ hơn.
Arm (Tay, chân): Tê mỏi một bên tay, vụng về trong những thao tác. Chân đi dễ bị vấp té, bước đi khó khăn.
Speech (ngôn ngữ/lời nói): Một số người đột quỵ khó nói, nói đơ, môi lưỡi cứng lại, nếu yêu cầu nói một câu đơn giản ngắn gọn thì dễ phát hiện.
Time (Thời gian): Đột quỵ là bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt “thời gian vàng” cấp cứu trong 3 tiếng đầu sau tai biến mạch máu não.
Chụp cộng hưởng từ - MRI - công cụ “vàng” tầm soát đột quỵ não. MRI được sử dụng để kiểm tra tình trạng hầu hết các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt có giá trị trong chụp ảnh chi tiết não hoặc thần kinh cột sống. Do có độ phân giải và tương phản tốt nên hình ảnh MRI cho phép phát hiện ra các điểm bất thường, trong chẩn đoán các bệnh lý não, tim mạch, đột quỵ,..
Chụp cộng hưởng từ - MRI - công cụ “vàng” tầm soát đột quỵ não |
Khi thời tiết thay đổi, nắng nóng người dân hết sức thận trọng, đặc biệt là ở những người mắc các bệnh lý về huyết áp, tim mạch, tiểu đường.
Tuân thủ điều trị của bác sĩ, tuyệt đối không bỏ thuốc huyết áp, nên thay đổi tư thế một cách từ từ, vận động trước khi thay đổi và giữ ấm cơ thể khi ra ngoài.
Đặc biệt trong thời tiết nắng nóng, làm việc ngoài trời tránh thay đổi đột ngột nhiệt độ như vào phòng điều hoà lạnh, uống nước lạnh, tắm ngay sau khi làm việc ngoài thời tiết nắng nóng.