Cả thế giới trong chuỗi tăng nhiệt
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, năm 2020 có thể ghi nhận các đợt nắng nóng chưa từng thấy và kéo dài chuỗi năm có nền nhiệt tăng trên thế giới. Trong quý I/2020, nền nhiệt ở khu vực Đông Âu và châu Á cao hơn 3,1 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Nhiều nơi ở Mỹ cũng ghi nhận mức nhiệt cao chưa từng có. Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WWO), đây là thời kỳ nóng nhất ở bán cầu bắc trong kỷ lục khí hậu suốt 140 năm qua. Theo dự báo, năm 2020, nhiệt độ trên thế giới có thể cao hơn mức nhiệt trung bình khoảng 1 độ C. Năm 2020 được cho là sẽ phá vỡ mọi kỷ lục nhiệt độ, kéo dài chuỗi hiện tượng thời tiết thất thường những năm qua. Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) và Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh (Met Office) đều cho rằng khả năng 2020 sẽ là một trong những năm có nhiệt độ cao nhất. NOAA nhận định khả năng năm 2020 nóng nhất lịch sử khí tượng lên đến 75%, nếu không, 99,9% sẽ nằm trong top 5 các năm nóng nhất.
Tại Việt Nam, cơ quan khí tượng cho hay, nhiệt độ trung bình trên phạm vi toàn quốc từ đầu năm đến nay đều cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) từ 1.0 - 2.5 độ C, có nơi cao hơn đến 3 độ C. Dự báo nhiệt độ trung bình từ tháng 5 - 10/2020 trên phạm vi toàn quốc phổ biến cao hơn TBNN cùng thời kỳ khoảng 0,5 - 1,0 độ C. Nắng nóng trên thế giới có xu hướng ngày càng gay gắt hơn, khốc liệt hơn do nhiều yếu tố tác động từ biến đổi khí hậu. Ở Việt Nam, dự báo các đợt nắng nóng có khả năng tập trung từ tháng 5 - 6 ở Bắc Bộ, từ tháng 5 - 8 tại khu vực Bắc và Trung Trung Bộ.
Năm 2019 từng được cho là năm nóng nhất trong lịch sử quan trắc, liệu năm 2020 có thiết lập kỷ lục mới? Theo đánh giá của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, xu thế tăng nhiệt là xu thế chung của thế giới, thời tiết cũng trở nên bất thường và khốc liệt hơn. Tuy nhiên, theo nhận định thì mùa hè năm 2020 ở Việt Nam không phải là mùa hè nóng nhất trong lịch sử như nhiều người lầm tưởng. Theo các số liệu quan trắc đến nay có thể đưa ra nhận định, các đợt nắng nóng năm nay vẫn có khả năng xảy ra có cường độ gay gắt nhưng khả năng không gay gắt như các đợt nắng nóng trong năm 2019.
Cuối tháng 5 còn 2 đợt không khí lạnh yếu
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ nay đến cuối tháng 5/2020, các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng chịu ảnh hưởng khoảng 3 đợt không khí lạnh (KKL) cường độ trung bình yếu. Các đợt KKL ảnh hưởng nén rãnh áp thấp và gây ra những đợt mưa rào và giông cho các tỉnh miền Bắc; đề phòng nguy cơ xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như tố, lốc xoáy, mưa đá và gió giật mạnh.
Khoảng ngày 15 - 17/5, gió Tây Nam bắt đầu hoạt động, tác động gây mưa rào và dông ở khu vực Tây Nguyên - Nam Bộ, vào tuần cuối tháng 5 gió Tây Nam có biểu hiện tăng hơn về cường độ, mùa mưa có khả năng bắt đầu vào thời kỳ tuần cuối tháng 5. Thời kỳ tới có khoảng 01 - 02 xoáy thuận nhiệt đới (XTNĐ) hoạt động trên khu vực phía Đông Philippines, trong đó có 01 XTNĐ có khả năng đi vào khu vực phía Đông của Biển Đông.
Cũng trong thời kỳ từ nay đến cuối tháng 5/2020, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn từ 1,0 - 1,5 độ C so với TBNN, riêng Tây Nguyên - Nam Bộ ở mức xấp xỉ trên. Bắc Bộ và Trung Bộ trong thời kỳ dự báo có khoảng 1 - 2 đợt nắng nóng. Nắng nóng ở Tây Nguyên và Nam Bộ có xu hướng suy giảm từ nửa cuối tháng 5. Trong cả thời kỳ dự báo, toàn bộ khu vực trên phạm vi cả nước có xu thế thiếu hụt mưa từ 10 - 30% so với TBNN, trong đó Tây Bắc và Trung Bộ thiếu hụt mưa từ 30 - 50%. Từ tuần cuối tháng 5, tình trạng khô hạn ở các tỉnh thành thuộc phần phía nam của Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ và xâm nhập mặn ở các tỉnh ven biển Nam Bộ có xu hướng giảm dần.