Mưa thu đến sớm

Sau khi mưa ngâu kết thúc, mưa thu sẽ bắt đầu, đợt mưa vừa qua là xen kẽ giữa mưa ngâu và mưa thu. Theo các chuyên gia dự báo, năm nay mưa thu đến sớm, lạnh cũng đến sớm hơn so với mọi năm.

Theo dự báo, năm nay mưa thu đến sớm và nhiều.

Sớm nhưng không dài

Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho biết, đợt mưa 3 ngày bắt đầu từ 28 – 30/8 ở toàn Bắc Bộ và Thanh-Nghệ-Tĩnh mang dáng dấp của cả mưa ngâu (do dải hội tụ nhiệt đới) và mưa thu (do không khí lạnh yếu từ phía Bắc).

Vì vậy, tổng lượng mưa khá lớn (100-200mm/3 ngày), một số tỉnh như Thanh Hoá, Hoà Bình, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái.. lên đến 200- 300mm…

Vẫn theo ông Lê Thanh Hải, thông thường, phải sang tháng 9, tháng bắt đầu của mùa thu, mưa thu mới xuất hiện. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy, cuối tháng 8 mưa thu đã xuất hiện, như vậy năm nay mưa thu đến sớm và có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm.

Khác với mưa ngâu (là kiểu mưa từng cơn, từng trận, chỗ mạnh, chỗ yếu, chỗ cấp tập, chỗ khoan thai…) và các loại mưa mùa hè như mưa rào, mưa dông, mưa bão…, mưa thu có đặc trưng rất riêng là mưa khá lớn nhưng không kèm theo dông, mưa kéo dài thành từng cơn, suốt đêm hoặc cả ngày cả đêm.

Trước và sau mưa thu, trời thường đẹp; trước khá nóng, sau sẽ là ngày “ngây ngất nắng”, đêm “run run heo may”. Ngoài ra, một đặc điểm nữa là mưa thu thường không kéo dài, mưa chỉ trong 1 – 2 ngày sau đó sẽ tạnh và nắng lại hửng lên.

Tuy nhiên, chính việc mưa xong nắng lại hửng lên nhanh chóng khiến thời tiết liên tục chuyển đổi giữa mưa và nắng (trước mỗi đợt mưa, trời nắng, thậm chí oi nóng, sau đó mưa xuống liên tiếp 1 – 2 ngày rồi lại nắng).

Thời tiết nắng, mưa đột ngột khiến những người mẫn cảm với thời tiết hoặc có bệnh về đường hô hấp rất dễ bị khó chịu, mệt mỏi, ốm. Ngoài ra, do mưa nhiều, bọ gậy, loăng quăng sẽ phát triển tạo điều kiện cho muỗi hoạt động nhiều. Vì vậy vào thời điểm mưa này cần đề phòng các bệnh mùa thu như sốt xuất huyết…

Ngoài ra, theo ông Lê Thanh Hải, trời hanh khô làm gia tăng các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Vì vậy, người dân, nhất là ở trẻ nhỏ và người già cần uống nhiều nước, ra đường nhớ đeo khẩu trang, mặc áo chống nắng để phòng tránh tia cực tím và bụi do trời hanh khô. Một lưu ý nữa là đừng quên mang áo mưa trong túi, cốp xe để phòng tránh mưa thu.

Lạnh đến sớm

Ông Lê Thanh Hải cho biết thêm, nếu phân chia thời tiết thành hai mảng nóng –lạnh thì các dữ liệu đang cho thấy, mùa lạnh năm nay đang có dấu hiệu đến sớm. Thực tế cho thấy, thời gian vừa qua ở nước Áo, tuyết đã rơi trong tháng 8 (một số vùng ở Áo xuất hiện tuyết rơi gần 40cm, nhiệt độ giảm mạnh…).

Điều này là vô cùng bất thường báo hiệu một mùa đông có thể sẽ đến sớm. Mùa đông đến sớm sẽ kéo theo cái lạnh se se của mùa thu cũng đến sớm và nhiều hơn so với trung bình nhiều năm. Chính vì thế, người dân sẽ thấy kiểu trời se se lạnh đặc trưng của mùa thu sẽ xuất hiện sớm và thậm chí có khả năng nhiều hơn so với trung bình nhiều năm.

Tuy nhiên, người dân cần phải nhớ rằng, se se lạnh sẽ không kéo dài suốt cả mùa thu (gồm ba tháng là 9, 10 và 11) mà xen kẽ với mưa và se se lạnh sẽ là nắng hanh, một loại nắng cũng rất đặc trưng của mùa thu.

Nắng hanh có đặc điểm là nắng không gắt, thời gian xuất hiện trong ngày ngắn (chỉ nắng vào trưa và đầu giờ chiều) nhưng độ ẩm không khí thấp rất dễ gây cảm giác mệt mỏi, khó chịu. Ngoài ra, một điểm cần lưu ý nữa là nắng hanh rất nguy hiểm vì tia cực tím nhiều, có thể gây ung thư da.

Huy Khánh

Theo Đời sống
back to top