Trời lạnh, người già rất hay cảm thấy mệt mỏi, “khó ở”. Tuy nhiên, đừng vì thế mà vội uống thuốc, dù chỉ là thuốc bổ.
“Ươn” người, khó ở
Mùa lạnh đến, thường là lúc người già cảm thấy khó ở trong người. Trong cái giá rét, người già cảm thấy thiếu sức sống, cơ thể mệt mỏi, tinh thần rệu rã, mất tập trung, lúc nào cũng cảm thấy bứt dứt trong người, ăn uống kém ngon, thậm chí là mất ngủ về đêm, người đau nhức… Khi gặp những triệu chứng này, hầu hết người già rất lo lắng, căng thẳng. Điều đáng nói, khi cảm thấy cơ thể “xuống dốc”, người già liền tích cực uống thuốc, nhất là các loại thuốc bổ với mục đích tăng cường sức đề kháng.
BS Nguyễn Văn Hùng, nguyên bác sỹ bệnh viện 105 cho biết, không phải đến mùa lạnh, người già mới thích uống thuốc, mà uống thuốc, nhất là thuốc bổ là một “sở thích” của người già. Điều đáng ngại là ở chỗ các cụ thường uống thuốc theo kiểu mách nhau. Nghĩa là không đến bệnh viện thăm khám rồi uống theo đơn bác sỹ kê mà uống theo sự mách bảo của bạn bè, hàng xóm.
Thông thường, người già hay tham gia các câu lạc bộ, hội, nhóm người cao tuổi. Ở đây, các cụ hay kể, thậm chí là “khoe” uống thuốc này thuốc kia, tốt lắm, bổ lắm. Thấy thế, những cụ khác liền rủ nhau mua uống, thậm chí là xin về uống thử “xem hiệu quả đến đâu rồi mua”. Vào thời gian này, khi cái lạnh bắt đầu xâm nhập, người già thường cảm thấy “yếu” hơn nên càng “tích cực” uống thuốc hơn.
Đừng vội uống thuốc
BS Nguyễn Văn Hùng, tâm lý sính thuốc của người già rất nguy hiểm, nhất là uống thuốc bổ. Đành rằng, người già nhiều bệnh, sức khỏe kém, cơ thể dễ suy kiệt. Tuy nhiên, việc uống thuốc thế nào, ngay cả với thuốc bổ cũng cần phải theo chỉ định của bác sỹ, chứ không phải kiểu, tự ý mua thuốc uống.
Tốt nhất khi thấy cơ thể có vấn đề người già cần đến các cơ sở bác sỹ để khám bệnh và uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sỹ. Ngay cả đối với thuốc bổ, người già cũng cần có sự tham khảo của bác sỹ. Việc lạm dụng thuốc bổ có thể gây tác dụng ngược.
Ví dụ những người cao tuổi mà bị mắc bệnh đái tháo đường mà lựa chọn loại thuốc bổ có nhiều thành phần đường hoặc những viên bao bọc đường, hay các loại dung dịch, siro chứa nhiều đường thì chắc chắn sẽ làm cho tình trạng đường huyết tăng cao.
Tương tự, vitamin A giúp người già có da dẻ tốt, đỡ nhiễm khuẩn, chậm lão hóa… song nếu bổ sung mỗi ngày 5.000IU thì lại gây hại xương. Vitamin D, canxi giúp kiến tạo xương song nếu bổ sung quá thừa sẽ làm tăng canxi-máu, có hại cho tim mạch… Vì vậy, ngay cả với thuốc bổ, dù là thuốc đông y, nam dược khi sử dụng cần phải thận trọng, uống theo đơn, theo chỉ định của bác sỹ.
Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã có các cảnh báo về việc dùng thuốc bổ cũng cần phải có sự thăm khám và chỉ định của bác sỹ chứ không được tự tiện uống.
Liên quan đến thời điểm này, khi khí lạnh bắt đầu ập xuống, người già cảm thấy mệt mỏi, khó ở, cũng đừng quá căng thẳng. Bởi những biểu hiện mệt mỏi, khó chịu, ăn uống kém… không phải do cơ thể mắc bệnh mà là do rối loạn cảm xúc theo mùa. Rối loạn cảm xúc theo mùa thường xảy ra khi trời thiếu nắng.
Việc thiếu ánh sáng khiến người già dễ cảm thấy mệt mỏi, chán nản, ngại vận động khiến cơ thể đau nhức mình mẩy. Khi thấy những biểu hiện này, người già hãy làm cho không gian sống của mình có nhiều ánh sáng, ví dụ mở các cửa để đón ánh nắng tự nhiên tràn vào phòng, thậm chí có thể mở đèn điện để tăng ánh sáng trong phòng.
Ngoài ra, hãy mở cửa và ra khỏi nhà, đón ánh nắng mặt trời, giao lưu với cộng đồng là việc hết sức quan trọng. Cùng với đó, người già cần duy trì luyện tập, ăn uống khoa học và đầy đủ chất, có thể ăn làm nhiều bữa trong ngày, ăn thêm các bữa phụ bên cạnh các bữa chính; uống đủ nước dù không cảm thấy khát…
Ngoài ra, khi thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường như viêm khớp, viêm đường hô hấp thì đến ngay các cơ sở ý tế để khám và dùng thuốc đúng bệnh.
Huy Khánh