Bệnh thường gặp ở người hư nhược vệ khí yếu, dễ ra mồ hôi, người có tiền sử bệnh ngoại cảm, tim mạch, huyết áp, tiểu đường… Dưới đây là một số món ăn giúp phòng say nắng.
Canh giá đậu: Giá đậu 200g, cà chua 1 quả, đậu phụ 30g, thịt heo 20g, hành hoa 10g, gia vị, mắm, muối vừa đủ, nấu canh ăn. Cách nấu: Cho thịt, cà chua vào xào chín thơm, đổ nước vào đun sôi, đậu phụ, giá đỗ cho sau, thêm gia vị đun sôi trở lại là được. Tác dụng: Bổ âm, dưỡng huyết, thanh nhiệt, sinh tân, chỉ khát, giải nắng nóng.
Trong giá đỗ có chứa nhiều chất oxy hóa, vitamin E, vitamin C. Những chất này có tác dụng hấp thu tia tử ngoại, giảm nóng. Món ăn này được kết hợp với đậu phụ sẽ cho công năng hữu ích. Ăn đậu phụ thường xuyên còn có tác dụng bồi bổ cơ thể, ích khí, thanh nhiệt, giải khát, làm sạch ruột và dạ dày, có lợi cho người thể chất nhiệt nóng, miệng hôi, hay khát hoặc người vừa mắc các chứng bệnh do nhiệt nóng.
Ảnh minh họa
Nước dừa: Vị ngọt, tính bình, không độc. Dùng nước dừa tươi cho ít muối, chanh uống. Chữa nắng nhiều mồ hôi, mất nước, huyết áp tăng, chứng đau đỉnh đầu, nóng bứt dứt khó ngủ.
Bí đỏ nấu đậu phụ: Thành phần gồm 90% nước, 8% gluxit, 1% protein, 19mg photpho, 430mg kali, 23mg canxi, 0,5mg sắt, 8mg vitamin C (15% nhu cầu hằng ngày), 22mcg folacin (11%), 1mg beta-caroten. Quả bí có tác dụng chống oxy hóa, tăng cường hệ miễn dịch. Đậu phụ mỗi ngày ăn 2 miếng đậu phụ có thể thỏa mãn nhu cầu canxi của cả ngày của 1 người.
Cháo đậu xanh: Trong các món ăn giải nhiệt, sinh tân không thể thiếu món cháo đậu xanh này. Bạn chỉ cần ngâm 100g đậu xanh khoảng 30 phút bằng nước ấm, gạo nếp, gạo tẻ vừa đủ, nấu nhừ, cho chút muối, ăn ấm. Theo Đông y, đậu xanh tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trừ phiền nhiệt, ích khí lực, điều hòa ngũ tạng, thích hợp những người uống nhiều, khát nhiều, giảm nhiệt, lợi tiểu.
Lương y Chu Văn Tiến
(Hội Đông y Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc)