Môi nhợt nhạt thiếu chất gì?

Sắc tố môi được quyết định bởi nhiều yếu tố, trong đó có dinh dưỡng. Khi gặp phải tình trạng môi thâm, có thể bạn đang thiếu một số chất dinh dưỡng thiết yếu của cơ thể.

Môi là vùng da rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương nhất bởi những tác động từ môi trường cũng như các yếu tố từ trong cơ thể. Vùng da môi được phân ra làm 2 phần đó là vùng môi khô và vùng môi ướt. Phần môi khô có chứa melanin do tế bào melanocytes sản sinh ra, khi tế bào này bị tổn thương sẽ tiết ra quá mức melanin khiến vùng môi không còn mềm mại, căng bóng hồng hào mà trở nên thâm, tối màu.

Môi nhợt nhạt thiếu chất gì? ảnh 1

Môi nhợt nhạt thiếu chất gì?

Vùng môi khô được xem là vùng bán niêm mạc, do đó, da vùng môi khô sẽ có thể gặp phải những tình trạng tương tự với da của chúng ta như thâm sạm, khô, thiếu ẩm.

Môi nhợt nhạt có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, thiếu hụt một số chất dưỡng chất quan trọng đóng vai trò lớn gây thâm môi.

Dưới đây là một số chất dưỡng chất quan trọng và tầm quan trọng của chúng đối với sức khỏe của môi:

Thiếu hụt vitamin C

Vitamin C hay ascorbic axit là một chất có vai trò quan trọng đối với hệ miễn dịch, ngăn ngừa lão hóa cho cơ thể, tăng cường sức khỏe. Ngoài ra vitamin C còn hỗ trợ, tăng cường hoạt động của vitamin E, thúc đẩy sự phục hồi tổn thương da, các mảng bầm, thâm sậm màu trên da.

Cơ chế hoạt động của vitamin C là sẽ trực tiếp đi vào vị trí vùng da bị thâm, tác động vào dãy tế bào melanocytes ở lớp thượng bì đang bị kích thích hoạt động quá mức và ức chế chúng, qua đó sẽ ức chế hình thành melanin - nguyên nhân chính gây mờ thâm. Thiếu vitamin C rất có thể là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng thâm da vùng môi của bạn, vì nên bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, nguồn thực phẩm chứa nhiều vitamin C để bờ môi lúc nào cũng hồng hào, căng bóng

Thiếu máu

Khi cơ thể thiếu máu sẽ suy nhược, thiếu sức sống và da sẽ trở nên nhợt nhạt. Điều này cũng ảnh hưởng đến đôi môi của bạn, làm cho chúng trở nên nhạt màu và thâm đen. Nghiên cứu cho thấy, chỉ số HGB (hemoglobin) là phân tử protein trong hồng cầu chuyên chở oxy và tạo màu đỏ cho hồng cầu nên thường quyết định màu sắc môi. Khi HGB quá thấp (khoảng 6-8 g/dl), cơ thể bị thiếu máu dẫn đến các vùng da niêm mạc, bao gồm cả môi trở nên nhạt màu và thâm hơn.

Nguyên nhân thiếu máu có thể do nhiều yếu tố, như thiếu sắt, thiếu Acid folic (vitamin B9) và cobalamin (vitamin B12). Nếu cơ thể thiếu sắt hoặc các vitamin này, sự hình thành và cung cấp hemoglobin cho máu sẽ bị ảnh hưởng, gây ra tình trạng thiếu máu và thâm môi. Ngoài ra, những người bị các bệnh lý thiếu máu tán huyết (Thalassemia) hay còn gọi là tan máu bẩm sinh, thiếu men G6PD (enzyme glucose-6 phosphate dehydrogenase),… cũng có thể gây ra thâm môi.

Thiếu nước

Ai cũng biết nước đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe của cơ thể, và điều này cũng áp dụng cho môi thâm. Khi cơ thể không được cung cấp đủ nước, môi có thể trở nên khô và thâm. Nước giúp duy trì quá trình chuyển hóa và loại bỏ các chất độc hại khỏi cơ thể và kết quả là da trở nên sáng mịn và đôi môi có màu hồng hào và mọng mềm.

Nếu bạn thường xuyên bị khô môi, nứt nẻ, thâm sạm thì đó là dấu hiệu rõ nhất cho thấy môi và cơ thể bạn đang rất thiếu nước. Lâu dần, môi sẽ mất đi nét tươi sáng, trở nên khô ráp, căng nứt và chảy máu. Không những thế, thói quen thở bằng miệng cũng góp phần vào nguyên nhân gây thâm môi do lớp dầu tự nhiên bảo vệ bề mặt môi bị mất đi.

Bí quyết cải thiện đôi môi thâm

Bảo vệ đôi môi khỏi ánh nắng mặt trời: Nên sử dụng kem chống nắng bất cứ khi nào ra ngoài khi trời nắng, vì ánh nắng mặt trời có thể làm tăng lượng sắc tố trong môi của bạn.

Tránh các sản phẩm có thể khiến đôi môi thâm, sạm: Thuốc lá, cà phê, và chè không chỉ làm xấu hàm răng của bạn mà nó còn là thủ phạm gây thâm môi. Hãy bỏ hết những sản phẩm này nếu bạn không muốn môi của mình ngày càng sậm màu hơn.

Dưỡng ẩm: Nên chọn những loại kem dưỡng ẩm hoặc son dưỡng môi với các thành phần tinh dầu tự nhiên như lô hội, mật ong, dầu hạnh nhân, sáp ong, vaselin, bơ đậu mỡ, tinh dầu ôliu, vitamin C, vitamin A.

Từ bỏ thói quen liếm môi: Liếm môi chính là thủ phạm khiến đôi môi của bạn nứt nẻ nhiều hơn. Liếm môi làm mất lớp dầu tự nhiên bảo vệ môi, làm môi khô, nứt nẻ và từ đó khiến môi bị sạm dần đi. Mặc dù khá khó chịu nhưng hãy cố gắng từ bỏ thói quen này.

Điều chỉnh chế độ ăn uống: Đôi môi thâm là một dấu hiệu cho thấy chế độ ăn uống của bạn ít vitamin B. Việc cung cấp đủ vitamin B sẽ tránh cho đôi môi bạn bị khô nẻ và cho bạn một đôi môi hồng hào. – Nước uống rất quan trọng: Uống nước sẽ tốt hơn cho cơ thể của bạn, làm cho làn da và môi của bạn đẹp hơn – hãy uống khoảng 8 ly nước mỗi ngày là lý tưởng.

Thận trọng khi lựa chọn son môi: Nên thận trọng khi lựa chọn một thương hiệu nào đó phù hợp với mình. Khi bạn nhận thấy màu môi tự nhiên của mình có sự thay đổi, hãy lập tức dừng ngay việc thoa những loại son môi này. Bạn có thể thử thoa kem che khuyết điểm lên môi của bạn trước khi thoa son.

Theo Đời sống
back to top