Miễn thuế linh kiện, giá ô tô giảm bao nhiêu?

Nếu việc bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt cho nhóm linh kiện phụ tùng nội địa hóa sớm được triển khai, chắc chắn giá ô tô sẽ giảm.
 

Miễn thuế linh kiện, giá ô tô giảm bao nhiêu? 1

Lắp ráp linh kiện lên khung gầm ô tô trong Nhà máy Thaco Mazda tại Khu kinh tế Chu Lai, tỉnh Quảng Nam.

Hiện, giá xe lắp ráp tại Việt Nam chịu chi phí lớn nhất là thuế nhập khẩu, thuế nhập khẩu linh kiện, thuế tiêu thụ đặc biệt. Nếu việc bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt cho nhóm linh kiện phụ tùng nội địa hóa sớm được triển khai, chắc chắn giá ô tô sẽ giảm.

Khuyến khích mở rộng sản xuất

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu cần điều chỉnh chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) theo hướng không tính giá trị linh kiện sản xuất trong nước vào giá trị tính thuế đối với ô tô. Việc điều chỉnh chính sách thuế sẽ là động lực lớn để khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.

Tại Hội nghị toàn quốc về công nghiệp cơ khí chế tạo, các nhà sản xuất ô tô cũng từng kiến nghị điều chỉnh thuế TTĐB cho phần giá trị nội địa hóa ô tô để hưởng ưu đãi theo hàm lượng giá trị tạo ra trong nước và giá trị linh kiện nội địa hóa.

Mục đích là tạo động lực cho nhà sản xuất trong nước tập trung nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, trong dài hạn có thể tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam có tỷ lệ nội địa hóa cao, phục vụ xuất khẩu.

Hiện nay, thuế suất thuế TTĐB với dòng xe chở người dưới 9 chỗ là 35% (với xe có dung tích xilanh dưới 1.5L); Mức 40% với xe từ 1.5L - 2.0L; Mức 50% với xe từ trên 2.0L - 3.0L. Thậm chí, xe dung tích xilanh từ trên 3.0L - 6.0L bị áp thuế TTĐB từ 90 - 130% giá công bố của hãng. Riêng xe dung tích xilanh từ 6.0L trở lên có thuế suất thuế TTĐB là 150%.

Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, thuế cao là rào cản lớn nhất đối với cả nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng. Với người tiêu dùng, thuế cao thì khó tiếp cận xe hơi, không dám đổi xe mới.

Với nhà sản xuất, họ sẽ bán được ít, khó mở rộng sản xuất lẫn thị trường; nhà phân phối (gồm cả xe nhập và xe lắp ráp) sẽ khó khăn khi phải bỏ vốn lớn vào ngành này, tối thiểu 2 triệu USD, nhưng tỷ suất lợi nhuận thấp, cạnh tranh gay gắt trên một tệp khách hàng hạn hẹp.

Vào tháng 11/2019, lần đầu tiên một hãng xe là VinFast công bố cơ cấu giá niêm yết một chiếc ô tô sản xuất lắp ráp tại Việt Nam, khiến nhiều người bất ngờ.

Lấy ví dụ cụ thể là một chiếc xe VinFast Lux A2.0 bản tiêu chuẩn có giá thành sản xuất là 980,6 triệu đồng, được coi như là mức “giá gốc”, chưa tính khấu hao tài sản và lãi vay.

Từ mức “giá gốc” này, theo tính toán, một chiếc VinFast Lux A2.0 phải chịu thêm hơn 412 triệu tiền thuế, bao gồm 40% thuế TTĐB (285,5 triệu đồng) và 10% thuế VAT (126,6 triệu đồng). Mức thuế này chiếm tới gần một nửa so với “giá gốc” của một chiếc xe sản xuất tại Việt Nam.

“Với tư cách là nhà sản xuất các linh kiện nhựa cho ô tô, tôi nhận thấy các ngành sản xuất phụ trợ chỉ có thể tạo lợi nhuận khi sản xuất ngày càng nhiều. Chi phí sản xuất hoàn thiện một chiếc ô tô tại Việt Nam cao hơn các nước Đông Nam Á 15 - 20%, trong khi sản lượng của các nước đó lại gấp 10 lần Việt Nam. Nếu cho chúng tôi sản lượng gấp 10 lần thì chúng tôi sẵn sàng hạ giá xuống 20%. Nút thắt ở đây chính là sản lượng, là chính sách thuế phải có khả năng kích cầu để tăng tiêu dùng xe ô tô, từ đó mới thu hút các nhà sản xuất nội địa tham gia chuỗi cung ứng”.

Ông Bùi Minh Hải C(hủ tịch HĐQT Công ty CP Nhựa Hà Nội)

“Giá ô tô sẽ giảm 10%”

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng tiểu ban chính sách Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết: “Lấy ví dụ một chiếc nắp bình xăng ô tô nếu nhập về từ Thái Lan là 1,5USD, khi lắp vào xe dung tích 2.0L và bán ra thị trường, chiếc nắp bình xăng đó được tính vào giá thành và chịu thuế TTĐB là 0,6USD, như vậy giá cuối cùng đến tay người tiêu dùng của linh kiện đó sẽ là 2,1USD. Giả sử chiếc nắp bình xăng đó được sản xuất trong nước với giá 1,8USD, lại được miễn thuế TTĐB thì giá linh kiện đó cũng rẻ hơn nhập khẩu 0,3USD, tức rẻ hơn khoảng 15%. Bởi vậy, câu chuyện thuế TTĐB sẽ có ý nghĩa lớn với các hãng có tỷ lệ nội địa hóa cao, càng cao càng có lợi”.

Theo một thống kê vào đầu tháng 11/2020 của VAMA, trong cơ cấu sản xuất một mẫu xe nội địa (CKD), các hãng thành viên VAMA hiện chỉ sử dụng khoảng 15% linh kiện (tính theo giá trị) sản xuất trong nước, là nhóm linh kiện có hàm lượng công nghệ thấp như ghế, bộ dây điện... 85% giá trị linh kiện còn lại được nhập khẩu. Trong khi Thái Lan, Indonesia chỉ nhập khẩu khoảng 10% linh kiện ô tô.

Bởi thế, nếu việc bãi bỏ thuế TTĐB cho nhóm linh kiện phụ tùng nội địa hóa sớm được triển khai, khoảng 15% mức “giá vốn” của một chiếc xe được miễn thuế TTĐB sẽ giúp cho giá xe giảm so với hiện nay từ 5 - 10%.

Theo xe.baogiaothong.vn
KIA sẽ sản xuất bán tải Tasman chạy điện?

KIA sẽ sản xuất bán tải Tasman chạy điện?

Kia Tasman là mẫu xe bán tải với thiết kế độc đáo từng được ra mắt cách đây hơn 1 tháng với thiết kế độc đáo và dự đoán, mẫu bán tải điện Tasman cũng sẽ sớm trình làng.
back to top