Linh kiện nhập khẩu để lắp ráp ô tô trong nước hưởng thuế suất 0% kể từ ngày 10/7/2020. Về lý thuyết, việc miễn thuế nhập khẩu linh kiện có thể khiến giá xe sản xuất trong nước rẻ đi. Tuy nhiên, thực tế việc giảm giá bán hay không sẽ phụ thuộc vào doanh nghiệp.
Xóa bỏ nghịch lý giữa xe nội và nhập khẩu
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định số 57 sửa đổi, bổ sung các Nghị định 122 và Nghị định 125 về biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi. Nghị định 57 đã bổ sung quy định áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành ô tô trong nước giai đoạn 2020 - 2024. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.
Theo Nghị định này, tiêu chí về sản lượng chung và sản lượng riêng tối thiểu cần đạt để được hưởng ưu đãi miễn thuế nhập khẩu linh kiện lần lượt là 6.500 và 2.600 xe mỗi 6 tháng trong năm 2020, giảm 35% so với trước (10.000 và 4.000 xe) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Đối với các năm tiếp theo, doanh nghiệp có thể lựa chọn đăng ký theo tiêu chí sản lượng chung hoặc riêng cho mẫu xe và tiêu chí sản lượng quay về mức cũ.
Ngoài ra, Nghị định mới cũng bổ sung một số loại linh kiện vào diện được miễn thuế. Trao đổi với Báo Giao thông, một cán bộ Tổng cục Hải quan cho biết: “Trước đây, trong nghị định 125 đã quy định cụ thể các linh kiện, phụ tùng ô tô được áp dụng thuế nhập khẩu ưu đãi 0%. Trong giai đoạn góp ý kiến vào dự thảo Nghị định, một doanh nghiệp lớn sản xuất ô tô nội địa có đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm 27 mã hàng để lắp ráp cho ô tô chạy xăng và 30 mã hàng để lắp ráp cho ô tô chạy điện vào nhóm được miễn thuế do trong nước chưa sản xuất được”.
Cụ thể, 27 mã hàng linh kiện để lắp ráp xe ô tô chạy bằng xăng được bổ sung gồm các loại ống, ống dẫn và ống vòi bằng nhựa lắp cho xe ô tô thuộc Chương 39, phụ kiện lắp vào đồ nội thất, trên thân xe, quạt gió, bộ phận của máy điều hòa không khí, thiết bị đóng ngắt mạch, bảng chuyển mạch, bảng điều khiển, camera truyền hình, công tắc điện tử, anten FM, AM, GPS, 4G, mico, loa đơn, động cơ điện, màn hình tinh thể lỏng LCD, LED...
Nghị định 57 cũng đề cập thêm một điểm mới về đối tượng được hưởng thuế ưu đãi 0%. Theo đó linh kiện nhập khẩu phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước không chỉ áp dụng với các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước mà còn cho các công ty sản xuất linh kiện, phụ tùng. Đây là yếu tố quan trọng để khuyến khích phát triển ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Tiểu ban Chính sách, Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) nhận định: “Nghị định 57 có thể được coi là một bản cập nhật nới rộng, giảm nhẹ yêu cầu đặt ra ở nghị định cũ, miễn thuế cho gần 60 loại linh kiện, đồng thời điều chỉnh tiêu chí sản lượng chung tối thiểu của các nhóm xe”.
Theo một số doanh nghiệp, việc áp thuế linh kiện nhập khẩu về 0% này trên thực tế chỉ mới là hành động xóa bỏ nghịch lý phát triển ngành công nghiệp ô tô trong hơn 2 năm qua. Bởi lẽ, ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ thị trường các nước ASEAN đã được hưởng thuế suất 0% kể từ đầu năm 2018 thì trong thời gian qua việc ràng buộc về sản lượng để được áp thuế linh kiện nhập khẩu 0% chẳng khác nào khuyến khích doanh nghiệp ô tô nhập xe nguyên chiếc về bán.
Do đó, giới phân tích cho rằng, việc áp dụng mức thuế nhập khẩu 0% cho các linh kiện mới sắp tới chỉ mới tạo ra sự cân bằng về thuế nhập khẩu giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu, chứ chưa phải là ưu đãi cho sản xuất trong nước.
Như vậy, ngoài những doanh nghiệp đã được hưởng lợi từ quy định này thời gian qua do đã đạt được chỉ tiêu sản lượng như Toyota Việt Nam, Trường Hải, TC Motor... thì theo quy định mới, sẽ có thêm các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô có sản lượng sản xuất thấp hơn cũng được hưởng ưu đãi thuế 0% khi nhập khẩu linh kiện.
Giá ô tô có giảm?
Trao đổi với phóng viên Báo Giao thông, chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng cho rằng, không giống như xe hơi nguyên chiếc chịu đến 3 sắc thuế (thuế TTĐB, thuế nhập khẩu, thuế GTGT) và 3 loại lệ phí (phí trước bạ, phí cấp biển, phí đăng kiểm), linh kiện phụ tùng là loại hàng hóa chỉ chịu 2 sắc thuế, là thuế nhập khẩu và thuế GTGT, nên khi được miễn thuế nhập khẩu, đơn giá phụ tùng linh kiện sẽ giảm khi tính toán giá thành chiếc xe.
“Tuy nhiên, đặt vấn đề ước tính cụ thể mức giảm giá thành là bao nhiêu phần trăm là không đơn giản, bởi có đến hàng trăm linh kiện được miễn thuế, nhưng cả trăm linh kiện đó chỉ đóng góp khoảng 15 - 20% vào giá thành xe. Phần đắt nhất trong xe là bộ tổng thành (cụm động cơ và hộp số) chiếm khoảng 30% giá thành xe hơi, đang được các nhà sản xuất lắp ráp nhập khẩu cả cụm, chưa được miễn thuế”, ông Nguyễn Minh Đồng phân tích.
Qua thực tiễn từ Tiểu ban Chính sách thuộc VAMA, ông Nguyễn Trung Hiếu cho biết: “Giữa chi phí và giá bán là cả một câu chuyện, liên quan đến cung cầu và sức mua có tính thời điểm. Cá nhân tôi nhận định tác động của việc miễn thuế này là không nhiều, bởi vì thuế linh kiện chiếm tỷ trọng không lớn, chỉ vài phần trăm theo một nghiên cứu đã thực hiện cách đây vài năm ở Toyota”.
Theo ông Hiếu, việc miễn thuế có ý nghĩa hay không còn liên quan đến nguồn gốc linh kiện. Nếu như nhập từ ASEAN thì thuế linh kiện bằng 0%, nhập từ Trung Quốc cũng áp dụng thuế suất 0% theo Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc.
“Về lý thuyết, việc giảm, thậm chí bỏ thuế nhập khẩu linh kiện có thể khiến giá xe sản xuất trong nước rẻ đi. Tuy nhiên, thực tế việc giảm giá bán hay không sẽ phụ thuộc vào doanh nghiệp bởi bài toán lợi ích doanh nghiệp chỉ có được nếu quy mô sản xuất lắp ráp lớn, đồng thời doanh số bán ra đạt mức cao. Nếu doanh số bán thấp, do giá cao hoặc khó cạnh tranh, dù cho doanh nghiệp có sản xuất đúng, đủ sản lượng cũng khó có thể giảm giá như kỳ vọng được”, ông Hiếu nhận định.