Cứ vào mùa mưa là một số tuyến phố Hà Nội lại ngập trong biển nước. Khi xe ô tô bị ngập nước, sẽ có nhiều bộ phận hư hỏng nặng. Cách xử lý thế nào khi gặp tình trạng trên và làm thế nào để lái xe an toàn qua các điểm úng ngập?
Hậu quả khi xe đi qua vùng nước ngập
Đầu tiên, nỗi lo lắng lớn nhất của hầu hết tài xế sau khi di chuyển qua những vùng ngập nước là hiện tượng thủy kích. Đây là trường hợp hỏng hóc nặng và phải mất nhiều thời gian, tiền bạc để khắc phục.
Thuỷ kích là hiện tượng xe ô tô chết máy do nước qua đường hút gió tràn vào buồng đốt của xi-lanh khi động cơ đang hoạt động khiến cho piston bị chặn lại và nhiên liệu không thể cháy trong buồng đốt, dẫn đến chết máy. Nếu lúc này, lái xe cố khởi động lại động cơ, hệ thống hút gió sẽ tiếp tục hoạt động, các piston được trục khuỷu đẩy lên rất nhanh để nén khí gặp lực chặn của nước lọt vào buồng đốt, sẽ làm ép tay biên (tay dên) biến dạng.
Theo các kỹ sư ô tô, xe bị thuỷ kích sẽ gây ra hậu quả rất nặng nề, nhẹ thì tay biên bị cong, thành xi-lanh bị trầy xước; nặng thì tay biên bị gãy, dẫn đến chọc thủng thành xi-lanh, phá huỷ động cơ, thậm chí thủng vỡ lốc máy. Chi phí để thay thế phục hồi động cơ xe hơi bị thủy kích rất đắt, dao động từ vài chục đến cả trăm triệu đồng. Ngoài ra, thuỷ kích còn khiến nhiều bộ phận khác trên xe bị ảnh hưởng về sau. So với động cơ xăng, động cơ diesel dễ bị thủy kích và hư hỏng nặng hơn do động cơ diesel có tỉ số nén cao hơn, các bộ phận của động cơ dễ bị phá huỷ nặng nề hơn. Các dòng xe sedan hay hatchback cỡ nhỏ do thiết kế họng hút giá thấp nên dễ bị tràn nước vào dẫn đến thuỷ kích hơn các dòng xe SUV hay bán tải.
Tiếp đến là hư hỏng hệ thống điện, hệ thống dễ bị hư hỏng nhất khi xe ô tô ngập nước. Khi nước ngập và ảnh hưởng đến hệ thống điện có thể dẫn đến nguy cơ chập điện, rất nguy hiểm. Hệ thống điện gặp vấn đề sẽ khiến đèn pha, đèn xi-nhan, đèn nội thất, hệ thống điều hòa, hệ thống âm thanh giải trí,… tê liệt, thậm chí hỏng hóc toàn bộ. Ngay cả khi chiếc xe hết ngập, hệ thống dây điện và các đầu cắm chạy quanh thân xe và khu vực điều khiển trung tâm vẫn có thể còn đọng nước bên trong dẫn đến chập cháy.
Hư hỏng hệ thống cung cấp nhiên liệu cũng là điều đáng lo ngại đối với các tài xế. Kể cả khi được nắp chặt, nước từ bên ngoài rất có thể sẽ lọt vào hệ thống cung cấp nhiên liệu khi chiếc xe bị ngập sâu trong nhiều giờ. Xe bị nước lọt vào bình nhiên liệu sẽ khiến ô tô xuất hiện hiện tượng như máy rung giật, mất công suất, có tiếng kêu lớn từ động cơ, xe đang chạy bị tắt máy,…
Cuối cùng, nếu xe bị ngập sâu đến mức nước tràn vào bên trong, nội thất sẽ nhanh xuống cấp. Cùng với các hệ thống máy, điện và hệ thống cung cấp nhiên liệu, nội thất của chiếc xe cũng bị ảnh hưởng nặng nề, như kim loại, da, nỉ, đệm mút,... có thể không hư hỏng ngay mà xuống cấp sau một thời gian xe bị ngập nước. Nước còn khiến nội thất xe rất dễ bị ẩm mốc sau một thời gian sử dụng. Nước “xâm nhập” vào bên trong xe còn làm cho các bộ phận mạ kim loại hay ốc vít tại các cánh cửa và sàn xe hoen gỉ. Khi chiếc xe bị ngập sâu, tất cả các bộ phận nội thất như ghế ngồi, thảm, trải sàn, các vị trí bắt vít,… sẽ bị ảnh hưởng.
Kinh nghiệm lái xe an toàn qua đường ngập nước
Anh Hồng Quân, chủ gara sửa chữa ô tô tại Yên Bái, chia sẻ khi không may gặp phải tình huống trên, tài xế cần bình tĩnh và thực hiện theo những hướng dẫn cụ thể. Đầu tiên, lái xe cần phán đoán độ sâu của nước, bạn phải nắm rõ xe mình có gầm cao hay thấp. Nếu là chiếc sedan thông thường, độ cao gầm sẽ khoảng 16-18 cm, còn xe 2 cầu có gầm cao hơn, từ 20-25cm và đương nhiên cũng lội nước tốt hơn. Chiếc xe có thể lội an toàn ở mực nước ngang với tâm bánh xe, với điều kiện đường sá tốt, không bị xe đi ngược chiều hất nước vào.
Anh Quân lưu ý, tài xế nên quan sát những chiếc xe đi trước, thân cây, vỉa hè... để đoán xem liệu xe của mình có thể lội qua được không. Hãy để ý và dự đoán vị trí bánh xe của mình sẽ lăn qua, liệu đã phải là chỗ nông nhất chưa. Đường ở Việt Nam thường cao ở giữa và độ dốc khá lớn sang 2 bên. Cần quan sát kỹ những xe đã đi trước, để tránh những ổ trâu ổ gà, những chỗ gồ ghề. Đặc biệt, hãy để ý hố ga, bởi nếu xe bạn sa bánh xuống thì chỉ còn cách gọi cứu hộ.
“Điều quan trọng nhất là phải bình tĩnh, tự tin và lái đúng kỹ thuật. Sau khi đã dự tính chiếc xe có thể lội qua vùng nước ngập, hãy lấy lại tự tin và bình tĩnh để lái qua. Hãy nhớ đi đúng đường đã dự kiến và quan sát xem liệu có chướng ngại vật gì khiến bạn phải dừng lại khi đang lội nước không, như đèn đỏ, người đi xe máy, xe đạp, người lội nước, xe khác chết máy... Tắt hết hệ thống điện trong xe, như điều hòa, radio, đầu VCD... để động cơ có được sức mạnh tối đa. Cùng với khả năng phán đoán và dự đoán trước đường đi, hãy lái xe từ từ qua vùng nước ngập. Nhớ đừng thốc mạnh ga, mỗi lần thốc ga của bạn sẽ khiến gió hút vào mạnh hơn, và hút cả nước vào động cơ. Hãy đi ở tốc độ vừa phải, số thấp, ga đều và không quá chậm, vòng tua máy từ 1500 tới 2000 vòng/phút là được. Nếu là xe số sàn, bạn nên chạy số 1 hoặc 2. Nếu là xe số tự động, hãy cài chế độ số thấp để lội nước”, anh Quân nói thêm.
Xử lý thế nào khi xe bị chết máy?
Nhận định từ góc độ chuyên môn, anh Quốc Việt (Kỹ thuật viên, gara ô tô ở Hà Nội) cho biết, nếu xe không may bị chết máy giữa vùng nước ngập và lái xe chưa thể nghĩ ra cách phải xử lý như thế nào, tuyệt đối không được khởi động lại động cơ. Việc khởi động lại có thể dẫn nước vào bên trong nhiều hơn khiến động cơ hư hỏng nặng, khó có thể khắc phục.
Theo anh Việt, người lái nên chuyển cần số về vị trí N để có thể thuận tiện hơn khi đẩy xe, cẩu xe. Rút chìa khóa xe, thực hiện mở nắp capo và tháo cọc của bình ắc quy để tránh bị rò rỉ điện gây nguy hiểm. Sau đó là kiểm tra dầu nhớt động cơ xe, nếu dầu nhớt có màu cà phê sữa thì nước đã lọt vào động cơ.
“Hãy nhờ người hỗ trợ đẩy xe lên vị trí cao nếu có thể, để tránh xe bị ngâm quá lâu trong nước khiến công tác sửa chữa về sau sẽ phức tạp hơn. Hoặc cách xử lý tốt nhất chính là liên hệ với cứu hộ để đưa về xưởng sửa chữa. Tại xưởng sửa chữa, xe ôtô sẽ được kiểm tra và đánh giá thiệt hại sau ngập nước, sau đó đưa ra phương án giải quyết phù hợp nhất”, anh Việt nói./.