Hỏi: Vì sao khi quan sát Mặt Trăng ở phía chân trời lại luôn to hơn khi trăng lên cao?
Đặng Quỳnh Anh (Hà Nội)
Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam: Điều này do ảo giác khoảng cách mang lại. Mặt Trăng cách chúng ta khoảng cách trung bình là 384.000km. Mặc dù con số này có dao động do quỹ đạo của Mặt Trăng quanh Trái Đất có dạng elip chứ không phải tròn, nhưng dao động đó khá nhỏ nên thực tế bằng mắt gần như không phân biệt được. Tuy nhiên, Mặt Trăng khác với một ngôi nhà, một thân cây hay thậm chí một dãy núi ở chỗ nó lớn hơn và xa hơn rất nhiều, nên khi quan sát mắt của chúng ta không thể ước đoán được khoảng cách của nó. Khi Mặt Trăng mới mọc hay sắp lặn, bạn thấy nó ở gần chân trời, thậm chí có thể đã khuất một chút phía sau những núi đồi và nhà cửa, nên mắt bạn có phản xạ tương tự. Ngược lại, khi Mặt Trăng lên cao, bạn không có phản xạ điều tiết mắt như vậy ngay cả khi bạn đã biết chắc là nó cách bạn tới gần 400.000km. Đó là loại ảo giác gây ra sự lớn hơn của Mặt Trăng khi ở gần chân trời.