Masan và bài toán xây dựng “giá trị Việt”

(khoahocdoisong.vn) - Từ VinCommerce, VinEco tới bột giặt NET, Masan đang dần từng bước hoàn thiện nỗ lực xây dựng chuỗi thương hiệu giá trị Việt của mình.

Thông tin về việc muốn mua lại Bột giặt NET (NETCO), Masan cho biết đây là một bước đi mới trong chiến lược mở rộng danh mục sản phẩm và mang đến lợi ích tốt nhất cho 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam. “Mục tiêu cao nhất của chúng tôi là phụng sự người tiêu dùng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người tiêu dùng Việt Nam mỗi ngày” - thông cáo của doanh nghiệp này cho biết.

Tại sao là NETCO

Thông cáo báo chí của Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan Consumer (Masan) cho biết, để thực hiện thương vụ này, Masan đã thành lập một pháp nhân mới – Masan HPC. Theo thông tin từ cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia, Masan HPC được thành lập từ ngày 20/12, vốn điều lệ là 605 tỷ đồng.

Thông qua Masan HPC, Masan chào mua công khai 60% cổ phần của Công ty Cổ phần Bột giặt NET (NETCO) với giá 48.000đ/cp (cao hơn mức giao dịch 42.000đ/cp hiện nay của NETCO). Với gần 22,4 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Masan định giá NETCO ở mức 46 triệu USD. Số tiền Masan chi cho thương vụ này khoảng 645 tỷ đồng (27,8 triệu USD).

NETCO hiện là thành viên của Tập đoàn hóa chất Việt Nam – VINACHEM. Năm 2018, doanh thu thuần của NETCO đạt 1.117 tỷ đồng, lợi nhuận thuần sau thuế là 57 tỷ đồng.

Mảng sản xuất kinh doanh chính của NETCO được Masan đề cập là sản xuất bột giặt. Hiện NETCO có 2 nhà máy sản xuất, công suất sản xuất 180.000 tấn bột giặt và 90.000 tấn tẩy rửa lỏng mỗi năm. Tuy nhiên, về thị trường trong nước, hiện NETCO chỉ nắm giữ 1,5% phân khúc chất tẩy rửa. Trong khi đó, Unilever nắm giữ tới 54,9% thị phần, Procter & Gamble (P&G) 16,0%, Đại Việt Hương 11,6%, LIX 2,7% và Vico 2,4%.

Thông tin từ Masan không hề đề cập đến mảng gia công hóa chất của NETCO. Thực tế, theo giới thiệu của NETCO, từ 1998, doanh nghiệp này đã gia công các sản phẩm chất tẩy rửa như Bột giặt OMO, Surf, Nước rửa chén Sunlight, Nước lau sàn nhà VIM… cho Unilever. Hiện NETCO vẫn là đối tác chiến lược của Unilever, tuy nhiên tỷ trọng gia công trong doanh thu của NETCO hiện chiếm thấp, không tác động nhiều tới sản xuất của doanh nghiệp này.

Được biết, NETCO đã mua lại nhà máy của Unilever tại Hà Nội, đồng thời tăng dần lượng sản phẩm mang thương hiệu riêng và giảm tỷ lệ gia công từ mức 70% năm 2000, xuống còn 34% vào những năm gần đây. Trong bối cảnh Unilever hay P&G đã không còn chú trọng vào sản xuất mà chú trọng vào xây dựng thương hiệu, việc NETCO cung cấp 34% sản phẩm cho Unilever, cũng có nghĩa là cung cấp từng ấy sản phẩm qua thị trường.

Trên thực tế, NETCO hiện đang là một trong số vài doanh nghiệp nội ngành chất tẩy rửa nắm giữ được thị phần riêng, dù nhỏ, và có năng lực sản xuất sản phẩm số lượng lớn đạt tiêu chuẩn thế giới.

Thông điệp từ Masan cho thấy, nếu mua lại được NETCO, doanh nghiệp này có thể giúp đa dạng danh mục hàng hóa của Masan trong phân khúc các sản phẩm chăm sóc cá nhân, gia đình. Thực tế, nếu trở thành công ty con của Masan, NETCO sẽ là thành viên duy nhất sản xuất các sản phẩm chất tẩy rửa trong hệ thống các doanh nghiệp cung cấp hàng tiêu dùng thiết yếu trực thuộc Masan.

Tất nhiên là doanh nghiệp "thuần Việt" chưa về "đội hình" Masan, sản phẩm của NETCO đã cạnh tranh với các sản phẩm của doanh nghiệp ngoại trên thị trường. Việc làm thành viên của Masan chắc chắn sẽ giúp năng lực cạnh tranh của NETCO tốt lên.

Bước tiếp là gì?

Thông báo mua lại NETCO được công bố không lâu sau khi Masan thông báo sáp nhập chuỗi cửa hàng bán lẻ VinMart, VinMart+ và Công ty nông nghiệp VinEco. Masan HPC được thành lập theo nghị quyết thông qua cách đây hai tuần, tức không lâu sau khi Masan nhận chuyển giao mảng bán lẻ và nông nghiệp từ Tập đoàn Vingroup. Tuy nhiên, về mặt thời gian, việc ra các quyết định bước sang mảng bán lẻ và sản xuất chất tẩy rửa của Masan có thể coi là cùng thời điểm.

Với việc sáp nhập chuỗi của hàng từ VinGroup, Masan đang dần chuyển từ một doanh nghiệp sản xuất đơn thuần, sang mang sản xuất – bán lẻ. Thông qua chuỗi cửa hàng của VinGroup, Masan có thể dễ dàng đưa các mặt hàng sản xuất của doanh nghiệp này, với khẩu hiệu Hàng Việt chất lượng cao, tới tận tay người tiêu dùng.

Không khó để nhận ra những tương đồng về cơ cấu các mặt hàng mà VinMart, VinMart+ bán với các mặt hàng Masan sản xuất. Đó là gia vị (nước mắt, dầu hào, tương ớt…) là mì ăn liền, thịt mát và cả rau củ quả - từ VinEco. Ngoài ra còn có các mặt hàng là… bột giặt, nước rửa chén, chất tẩy rửa – những mặt hàng mà NET cung cấp.

Chiến lược của Masan được thể hiện rất rõ, hướng tới “các sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình”. Cụ thể là các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, được chia thành hai mảng rõ rệt, là chất tẩy rửa và chăm sóc da và thực phẩm, gia vị, đồ uống, vệ sinh răng miệng...

Đây đều là những mặt hàng thiết yếu, sử dụng hàng ngày trong các gia đình. Do đó, đây cũng là các mặt hàng đảm bảo khả năng kinh doanh ổn định cho hệ thống của Masan. Khi nhận chuyển giao chuỗi bán lẻ Vinmart, Vinmart + thành công, Masan đang tiếp tục đẩy nhanh chiến lược kết nối những lĩnh vực kinh doanh thành hệ sinh thái đáp ứng nhu cầu hàng ngày của người tiêu dùng.

Hệ sinh thái ấy, được định hình sẽ xây dựng trên các mặt hàng Việt Nam chất lượng cao, từ thịt, thực phẩm đến chăm sóc sức khoẻ, để thu hút và thay đổi thói quen tiêu dùng của người Việt.

Do đó, có thể nhìn thấy tính thống nhất về lựa chọn của Masan trong việc cùng lúc thâu tóm bán lẻ và đặt chân vào địa hạt chất tẩy rửa.

Tất nhiên, việc mở rộng quy mô quá nhanh cũng sẽ gây áp lực lên hệ thống quản trị của Masan. Riêng việc sáp nhập VinCommerce, quy mô của Masan đã tăng gấp 3 về nhân sự và gấp đôi về doanh thu. Đó là chưa kể việc quản trị của bán lẻ và tiêu dùng khác nhau.

Hai thương vụ M&A liên tiếp trong vòng 1 tháng, cũng đặt ra câu hỏi về đòn bẩy tài chính của Masan. Lưu ý, VinCommerce được định giá tới 3 tỷ USD.

Với NETCO, Masan còn phải chi tài chính để hãng có thể cạnh tranh với thương hiệu ngoại – điều mà các nhà sản xuất đi trước đã thất bại, nên có thể đây là nguy cơ tiềm tàng sụt giảm doanh thu.

Theo Đời sống
Có nên mua sạc dự phòng 47.000 đồng?

Có nên mua sạc dự phòng 47.000 đồng?

Sạc dự phòng là phụ kiện cần thiết, giúp “giải cứu” smartphone hết pin bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, mua loại nào chất lượng tốt là việc nên tìm hiểu kỹ.
Sá sùng giá rẻ bất ngờ?

Sá sùng giá rẻ bất ngờ?

Sá sùng có giá bán lên tới 5 triệu đồng/kg. Tuy nhiên thị trường hiện nay, loại hải sản quý hiếm này được rao bán tràn lan với giá rẻ bất ngờ.
Bưởi da xanh giảm giá

Bưởi da xanh giảm giá

Từ sau Tết Nguyên đán 2024, giá bưởi da xanh tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL liên tục giảm. Hiện giá nông sản này ở mức rất thấp.
back to top