Sau 4 ngày bị sốt xuất huyết, chị N.T.H, 32 tuổi (Hà Nội) hết sốt, cơ thể dễ chịu nên tưởng khỏi bệnh, nào ngờ cả người mẩn đỏ và ngứa rất nhiều khiến chị mất ăn, mất ngủ. Chị H. cố chịu đựng vì nghe nói đó là triệu chứng sắp khỏi bệnh, nhưng sau đó triệu chứng nặng hơn khiến chị phải nhập viện và được chẩn đoán suy gan cấp…
Thăm khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện E |
Nhiều ca biến chứng nặng
Dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp trên cả nước, đặc biệt tại Hà Nội số ca mắc gia tăng nhanh chóng, nhiều người bị biến chứng nặng nề do chủ quan hoặc mắc phải sai lầm khiến sốt xuất huyết trở nặng.
Thống kê của Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến ngày 25/8 cả nước ghi nhận 66.386 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 14 bệnh nhân tử vong. Số ca mắc sốt xuất huyết trong 8 tháng đầu năm 2023 tại khu vực miền Bắc tăng 125,2%, đặc biệt tại Hà Nội tăng 5,3 lần. Hà Nội là 1 trong 10 địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao nhất.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội, nếu như đầu tháng 8/2023, số mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội vào khoảng 500-600 ca/tuần thì hiện tại đã vượt mốc 1.000 ca/tuần. Từ 25 – 31/8, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 1.129 ca mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã (tăng 73 ca so với tuần trước đó). Từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội ghi nhận 6.693 ca mắc sốt xuất huyết. Bệnh nhân ghi nhận trên 30/30 quận, huyện, thị xã; 541/579 xã, phường, thị trấn. 2 bệnh nhân đã tử vong.
Trao đổi với PV Khoa học & Đời sống, ThS.BS Nguyễn Hồng Hà, Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện nhiệt đới TW cho biết, sốt xuất huyết thường xuất hiện với những dấu hiệu điển hình ở cả thể nặng và thể nhẹ, bao gồm đau đầu, chóng mặt, buồn nôn và nôn, tiêu chảy, phát ban da, nổi mẩn ngứa dày đặc trên khắp cơ thể.
“Nhiều ý kiến cho rằng sốt xuất huyết nổi mẩn đỏ là tình trạng báo hiệu cho việc bệnh nhân đang phục hồi và sắp khỏi bệnh, không cần quá lo lắng và chăm sóc nhiều. Tuy nhiên, nhiều trường hợp có thể lại là biến chứng suy gan cấp, rối loạn đông máu ... nguy hiểm tính mạng, cần điều trị kịp thời”, ThS.BS Hà nhấn mạnh.
ThS.BS Ngô Thị Kim Phượng, Quản lý Y khoa KV Miền Trung Tây Nguyên, Hệ thống tiêm chủng VNVC phân tích, mẩn đỏ ngứa là một trong những triệu chứng điển hình và thường gặp khi mắc sốt xuất huyết. Nó thường xuất hiện vào thời điểm triệu chứng sốt bắt đầu có dấu hiệu thuyên giảm, từ ngày thứ 3 đến 4 sau khi triệu chứng sốt khởi phát và tình trạng này thường kéo dài trong từ 2 đến 5 ngày.
Nguyên nhân chính của sự mẩn đỏ và ngứa xuất phát từ việc cơ thể tái hấp thu dịch ngoại bào vào tuần hoàn máu và mô da đang trong quá trình phục hồi các vết thương do phát ban, khiến cho cảm giác ngứa trở nên rõ ràng.
Hơn nữa, khi sốt xuất huyết, cơ thể tự đề kháng và chống lại virus, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ kích hoạt các phản ứng viêm, dẫn đến sự xuất hiện của các triệu chứng như mẩn đỏ và sốt cao.
Một số hormone trong cơ thể như Histamin có thể được tăng sinh sau khi nhiễm virus Dengue, dẫn đến sự phát triển của mẩn đỏ và ngứa.
Hoặc có thể xuất phát từ hậu quả của viêm gan cấp do virus Dengue gây ra hoặc suy gan cấp do lạm dụng thuốc trong quá trình điều trị như dùng paracetamol để hạ sốt quá liều, dẫn đến tình trạng gan to hoặc nhỏ, tăng men gan SGOT, SGPT và mức Bilirubin tăng cao, từ đó gây hiện tượng vàng da niêm mạc. Nếu không sử dụng thuốc đúng cách, bệnh nhân có thể bị ngứa do tăng sắc tố mật hoặc suy gan cấp và cũng có thể gặp phải các triệu chứng như ngứa ngáy và rối loạn yếu tố đông máu.
Nếu tình trạng mẩn đỏ gây ngứa này đi kèm với các triệu chứng khác như sốt cao trên 39 độ C, mưng mủ, chảy dịch,… người bệnh cần được nhanh chóng điều trị tại các cơ sở y tế uy tín gần nhất. Nếu không được theo dõi sát sao, chú ý chăm sóc kỹ lưỡng, bệnh có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động của tim, thận và các bộ phận khác trong cơ thể.
Hướng dẫn phòng sốt xuất huyết cho người dân |
Cách xử lý đúng khi bị nổi mẩn đỏ hoặc ngứa
Các chuyên gia cho biết, nhìn chung, nếu như số lượng tiểu cầu tăng dần lên ổn định và bệnh nhân không còn biểu hiện sốt thì không có gì đáng lo ngại. Cách điều trị sốt xuất huyết Dengue bị ngứa, mẩn đỏ cũng không có gì đặc biệt.
Bệnh nhân có thể uống Vitamin C để giúp tăng cường sức đề kháng, kết hợp với chế độ dinh dưỡng đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lý.
Người bệnh nên có chế độ ăn nhẹ nhàng, không nên ăn đồ ăn nhiều dầu mỡ và tránh các thực phẩm dễ gây dị ứng nặng như: Đồ hải sản, thịt bò, thịt rừng hoặc những loại thức ăn mà cơ địa người bệnh vốn đã dị ứng từ trước.
Vệ sinh cơ thể hàng ngày sạch sẽ. Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, thấm hút mồ hôi để tránh sự ma sát giữa quần áo và da, gây ra sự viêm da và ngứa ngáy. Tránh gãi vùng da có mẩn đỏ để tránh làm tổn thương da và nhiễm trùng.
Massage nhẹ nhàng vùng da có mẩn đỏ với các sản phẩm chăm sóc da như kem dưỡng ẩm, nước hoa hồng hoặc tinh dầu có chứa các chất có tác dụng chống viêm, ngăn ngừa kích ứng da.
Dùng thuốc chống dị ứng theo chỉ định của bác sĩ để giảm các triệu chứng ngứa và sưng.
Nghỉ ngơi đủ giúp cơ thể hồi phục nhanh chóng và tăng cường hệ miễn dịch.
Uống đủ nước: Giữ cơ thể được đủ nước, uống nhiều nước lọc, nước ép hoa quả, nước dừa giúp tăng cường hệ miễn dịch và giảm các triệu chứng sốt xuất huyết. Đặc biệt, luôn ưu tiên tìm kiếm sự tư vấn của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế để có hướng điều trị phù hợp nhất cho tình trạng của mình.
Hiện không có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu cho sốt xuất huyết. Khi bị sốt người dân cần đi khám, nghỉ ngơi và uống thật nhiều nước. Có thể uống paracetamol để giảm sốt và làm dịu cơn đau khớp. Không nên uống aspirin vì hai thuốc này có thể tăng nguy cơ xuất huyết.
Đặc biệt, dù có sốt cao cũng tuyệt đối không được tự ý tăng liều, tăng số lần thuốc giảm sốt vì quá liều dễ gây tổn hại gan, ngộ độc.
Tuyệt đối không tự ý truyền dịch vì đã có nhiều trường hợp truyền dịch không đúng làm bệnh nặng kéo dài, phù nề, suy tim khi chuyển đến bệnh viện thì đã quá trễ không thể cứu được.