Mách bạn 7 bài tập đơn giản giúp cải thiện tình trạng hạ canxi

Hạ canxi máu không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe xương khớp mà còn gây ra nhiều vấn đề khác cho cơ thể.

Hạ canxi máu là tình trạng mức canxi trong máu thấp hơn mức trung bình, canxi huyết thanh toàn phần dưới 8,4 mg/dL (2,1 mmoL/L) trong điều kiện protein huyết thanh bình thường, hoặc canxi ion hóa dưới 4,2 mg/dL (1,05 mmoL/L).

Bên cạnh việc bổ sung canxi qua chế độ ăn uống, người bệnh có thể thực hiện các bài tập hàng ngày để cải thiện sức khỏe tổng thể. Những bài tập nhẹ nhàng như tập thở, xoa bóp và yoga không chỉ giúp cơ thể thư giãn mà còn hỗ trợ cơ bắp vận động linh hoạt, ngăn ngừa các biến chứng do thiếu hụt canxi.

Tập thở

Tư thế: Nằm ngửa thẳng, kê một gối ở mông cao thấp tùy sức khoảng 5-8 cm, tay trái để trên bụng, tay phải để trên ngực. Việc kê gối ở mông làm cho trọng lượng của các cơ quan đè vào cơ hoành, do đó khi hít vào cơ hoành thở sẽ phải gắng sức hơn vì có trở ngại; đó là cách luyện cơ hoành.

Cách thực hiện:

Thời 1: Hít vào đều, sâu, tối đa, ngực nở, bụng phình và căng cứng. Thời gian 4-6 giây (hít ngực bụng nở).

Thời 2: Giữ hơi, mở thanh quản bằng cách liên tục hít thêm, đồng thời giơ một chân dao động qua lại, cuối thời hai hạ chân xuống. Thời gian 4-6 giây (Giữ hơi hít thêm). Giơ luân phiên từng chân cao khoảng 20 cm để luyện cơ bụng rắn chắc, đồng thời tăng tác dụng xoa bóp nội tạng ở thời giữ hơi.

Thời 3: Thở ra, tự nhiên thoải mái, không kềm, không thúc. Thời gian 4-6 giây (thở không kềm thúc).

Thời 4: Nghỉ, thư giãn, chân tay nặng ấm. Chuẩn bị trở lại thời 1. Thời gian 4-6 giây (nghỉ nặng ấm thân).

Yoga

Tư thế em bé (Balasana)

Cách thực hiện:

Ngồi quỳ lên hai gót chân, hai gối tách ra vừa đủ với thân người. Giơ hai tay lên cao, sau đó thở ra và gập người về phía trước, trán chạm sàn và tay vươn dài ra trước.

Căng giãn cột sống hết mức có thể và hít thở sâu trong tư thế này. Sau đó từ từ nâng người lên về vị trí ban đầu.

Lặp lại động tác 3 - 5 lần.

Tư thế này giúp thư giãn cột sống, tăng cường sự linh hoạt và làm dịu cơ thể.

Tư thế cái cây (Vrksasana)

Cách thực hiện:

Từ tư thế quả núi, co chân trái lên và đặt lòng bàn chân áp vào đùi phải, đầu gối xoay ngang.

Áp hai tay vào nhau trước ngực, sau đó nâng tay lên cao, giữ thăng bằng trong 10 giây đến 1 phút.

Thực hiện động tác 3 - 5 lần mỗi bên.

Tư thế này giúp cải thiện sự thăng bằng và tăng cường sức mạnh cơ bắp.

Đi bộ

Đi bộ với tốc độ vừa phải 30 phút mỗi ngày giúp tăng cường sức khỏe tim mạch, cải thiện lưu thông máu và giúp cơ bắp vận động linh hoạt hơn

Xoa chi trên

Tư thế: Ngồi thẳng chân hoặc để chân thòng xuống cạnh giường.

Cách thực hiện:

Đưa tay trái ra trước, úp xuống và dùng tay phải vuốt từ bàn tay đến vai. Sau đó, ngửa tay trái lên và tiếp tục xoa từ trong ra ngoài, đưa tay về vị trí ban đầu.

Thực hiện động tác 10 - 20 lần, thở tự nhiên.

Xoa chi trên giúp giảm mệt mỏi cho cánh tay, kích thích tuần hoàn máu và thư giãn các cơ.

Xoa đầu mặt

Tư thế: Ngồi hoa sen, hai tay để dưới cằm, đầu ngước lên.

Cách thực hiện: Xoa từ dưới cằm lên đỉnh đầu, đầu cúi xuống, tay tiếp tục xoa từ đỉnh đầu xoa xuống sau tai, ra trước cổ, trở về tư thế ban đầu, tiếp tục làm 10 – 20 lần. Thở tự nhiên.

Bơi lội

Bơi lội 30 phút mỗi ngày giúp tăng cường sức khỏe tim mạch và cải thiện sức mạnh cơ bắp.

Ngồi hoa sen

Tư thế: Xếp bằng kép: Hai bàn chân bắt chéo để lên đùi, lòng bàn chân ngửa lên. Nếu không ngồi được thì ngồi nửa hoa sen (xếp bằng đơn).

Cách thực hiện: Hít vào tối đa, giữ hơi mở thanh quản (bằng cách liên tục hít thêm), đồng thời dao động qua thân lại 2 – 6 lần, thở ra (bằng mũi) triệt để và quay mặt nhìn bên trái, giữ nguyên như vậy rồi hít vào tối đa, giữ hơi mở thanh quản (bằng cách liên tục hít thêm), đồng thời dao động qua thân lại 2 – 6 lần, thở ra (bằng mũi) triệt để và quay mặt nhìn bên phải; trở lại tư thế ban đầu, nghỉ

Tập 2 lần/ngày, mỗi lần 5 hơi thở.

Theo Đời sống
Làm gì để tăng sức đề kháng khi thời tiết giao mùa?

Làm gì để tăng sức đề kháng khi thời tiết giao mùa?

Sức đề kháng là tấm lá chắn bảo vệ sức khỏe tự nhiên của con người. Trường hợp các yếu tố gây bệnh xâm nhập vào cơ thể thì hệ miễn dịch sẽ huy động các yếu tố miễn dịch để chống lại những yếu tố gây bệnh.
back to top