Lươn trị bệnh cam tích

(khoahocdoisong.vn) - Cam tích là tình trạng thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết làm ảnh huởng đến quá trình sống, hoạt động và tăng trưởng bình thường của cơ thể, đặc biệt là ở trẻ nhỏ và người già. Để phòng chữa bệnh, ăn đủ dinh dưỡng là rất quan trọng.

Cam tích là bệnh chứng do tích trệ đồ ăn hay còn gọi là trùng tích tức là bệnh suy dinh dưỡng. Bệnh sinh có thể do bẩm sinh nguyên khí kém; do thiếu dinh dưỡng lâu ngày, ăn uống mất điều độ, ăn quá nhiều đồ béo ngọt; hoặc do các bệnh mạn tính như tiêu chảy mạn, cảm nhiễm đường hô hấp nhiều lần và thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi. Tuy nhiên có thể xảy ra ở các tuổi khác và người già.

Bệnh cam tích ở trẻ chia thành 3 thời kỳ: Khí cam, cam tích và cam khô. Ở thời kỳ đầu, trọng lượng của trẻ thường giảm nhẹ hoặc không tăng cân, biếng ăn; ở thời kỳ thứ hai trẻ kém phát triển chiều cao hoặc không phát triển, người gầy, cơ bắp nhẽo, da bụng mỏng, xương sườn lộ rõ; thời kỳ thứ ba cơ thể trẻ suy yếu, sắc mặt trắng xanh hoặc hơi vàng, da, tóc khô, bụng trướng, tinh thần bứt rứt, buồn bực, chán ăn…

Ở thể nặng trẻ thường kèm theo các bệnh khác như thiếu máu dạng thiếu sắt, rối loạn chức năng của hệ tuần hoàn, hô hấp, tiêu hoá, thần kinh đặc biệt là suy giảm khả năng miễn dịch, đề kháng của cơ thể, trẻ dễ mắc các bệnh khác. Để phòng bệnh cam ở trẻ, chế độ nuôi dưỡng là rất quan trọng ngay từ những ngày đầu khi trẻ ăn dặm.

Khi làm món ăn, cần cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Do hệ tiêu hoá của trẻ còn yếu nên thức ăn phải nấu nhừ, cần cho ăn nhiều rau xanh, hoa quả chín; không nên cho trẻ ăn quá nhiều các chất béo, ngọt, tanh, các đồ sống, lạnh dễ rối loạn tiêu hóa dẫn đến các chứng cam; không ăn các loại gia vị cay nóng. Cho trẻ ăn, ngủ đúng giờ…Tăng cường vận động, xoa bóp cho trẻ.

Dưới đây xin giới thiệu một số món ăn bổ dưỡng từ lươn để các mẹ vận dụng khi bị bệnh.

Lươn hầm đương quy, đẳng sâm: Thịt lươn 300g; đương quy, đẳng sâm, gừng tươi mỗi thứ 15g; hành tây 25g, muối ăn vừa đủ. Lươn rửa sạch, thái sợi, đương quy và đẳng sâm cho vào túi vải, bỏ vào nồi cùng thịt lươn, đổ nước nấu trong 1h, vớt bỏ túi thuốc, gia hành, gừng, muối, nấu thêm 1h nữa là được. Ăn thịt lươn uống nước.

Lươn chưng kê nội kim: Lươn 1 con to, kê nội kim 6g, hành, gừng, nước tương, muối, rượu vang, bột ngọt vừa đủ. Lươn làm thịt, bỏ nội tạng rửa sạch, cắt đoạn dài 6cm; kê nội kim rửa sạch, bỏ vào bát sứ cùng thịt lươn thêm hành, gừng, rượu, muối, nước tương dùng lửa lớn chưng chín, rắc bột ngọt vào trộn đều là được.

Cháo lươn: Lươn 1  con làm sạch, luộc qua, gỡ lấy thịt; ý dĩ nhân 20g để sống, phơi khô hoặc sao vàng, giã nhỏ thành bột; gạo nếp 30g vo kỹ, để ráo nước, giã thành bột. Trộn chung 3 thứ, thêm ít muối, nấu với nước cho chín, ăn nóng. Món này chữa cam tích mồ hôi tay chân ra nhiều.

BS Hoàng Linh (Bộ Y tế)

Theo VietnamDaily
Đông y chữa tay chân lạnh thế nào?

Đông y chữa tay chân lạnh thế nào?

Hội chứng chân tay lạnh thường gặp ở những người thể trạng hư hàn hoặc mắc các bệnh lý thuộc về chứng dương hư và khí hư. Ở những trường hợp này, ngoài chân tay lạnh còn dễ bị cảm lạnh, dễ đầy bụng, đi ngoài do nhiễm lạnh...
back to top