Lựa chọn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ. |
Chọn thực phẩm có nhãn mác rõ ràng
Mỗi loại thực phẩm đều có đặc điểm, tính chất khác nhau nên cách lựa chọn thực phẩm cũng khác nhau. Nhìn chung người tiêu dùng hiện nay đều dựa vào cảm quan nhìn, sờ, ngửi và nếm để nhận biết thực phẩm an toàn hay nhiễm bẩn.
ThS.BS Nguyễn Hữu Đức, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM lưu ý đến người tiêu dùng về việc chọn mua các thực phẩm đóng gói, đóng hộp.
Người tiêu dùng chỉ nên mua thực phẩm có nhãn mác với đầy đủ các thông tin gồm tên hàng hóa; tên và địa chỉ của doanh nghiệp chịu trách nhiệm về hàng hóa; thành phần nguyên liệu, thành phần dinh dưỡng; chỉ tiêu chất lượng; ngày sản xuất, hạn sử dụng; hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản và xuất xứ hàng hóa.
Khi lựa chọn và sử dụng thực phẩm đóng hộp, người tiêu dùng nên chọn mua loại hộp còn nguyên vẹn, sáng bóng, không méo mó, không biến dạng và phải được bán tại các cửa hàng có đăng ký kinh doanh, có địa chỉ rõ ràng; trên vỏ hộp có nhãn mác với đầy đủ các thông tin cần thiết; phía trong hộp phải còn nguyên, không hoen ố, không có mùi vị tanh của kim loại, không có mùi khó chịu và nên chọn mua loại thực phẩm đóng hộp có hạn sử dụng còn dài để tránh hàm lượng sắt, thiếc từ vỏ hộp ngấm vào thực phẩm.
Khi mua thực phẩm tươi sống hàng ngày được bán ở các chợ, không chọn thịt có mùi lạ, nên lựa thịt có màu hồng (thịt heo) hoặc đỏ tươi (thịt bò), thớ thịt săn chắc, da mỏng, dùng ngón tay ấn vào khi bỏ ngón tay ra không để lại dấu vết gì. Không nên ăn cá nóc, mực bạch tuộc vì khi ngộ độc rất dễ tử vong. Tốt nhất nên mua cá, tôm đang bơi lội trong nước. Không nên mua loại trứng có vỏ bị rạn nứt.
Sơ chế và bảo quản đúng cách
Trong điều kiện hiện nay, để giảm lượng thuốc trừ sâu hóa chất còn sót lại trên rau quả cần rửa thật nhiều nước. Ngâm kỹ, rửa sạch, rửa từng lá, nhất là ở các kẽ lá, gọt vỏ các loại quả tươi. Riêng đối với những loại rau lá nhỏ như xà lách xoong, rau dền, bông cải nên pha vào nước rửa 1-2 muỗng cà phê muối để sâu bọ và côn trùng bò ra khỏi các kẽ lá. Đối với các loại rau củ, trái cây nên rửa sạch trước khi gọt vỏ. Rửa rau quả ít nhất 3 lần hoặc rửa dưới vòi nước chảy để loại trừ các thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trôi theo dòng nước rửa.
Khi được bảo quản trong tủ lạnh, thực phẩm cần phải được sắp xếp đúng cách. Những thực phẩm mới để phía trong, thực phẩm cũ xếp ra phía ngoài dùng trước, để tránh quá hạn sử dụng. Người tiêu dùng nên gắn nhãn, đề ngày trên thực phẩm để theo dõi được hạn sử dụng.
Đối với thịt, cá, tôm sau khi mua về nên rửa sạch, cho vào hộp đựng thực phẩm hoặc bọc kín và cho vào ngăn đá tủ lạnh. Còn đối với rau xanh thì nên nhặt và rửa sạch, để ráo nước và cho từng loại vào từng túi nilông bọc kín, rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản. Một số thực phẩm có mùi như phô mai, cá khô, … hoặc dễ bốc mùi như mít, dứa, hành, … nên được bọc kín bằng giấy bạc trước khi cho vào tủ lạnh bảo quản.
Thức ăn đường phố cũng là loại được tiêu thụ khá nhiều trên thị trường hiện nay nhưng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế. Do chạy theo lợi nhuận, người chế biến lạm dụng phẩm màu hay những chất phụ gia không được phép dùng. Vì thế, không nên mua những loại thực phẩm có màu sắc lòe loẹt. Nên chọn những hàng quán sạch sẽ, tránh được gió bụi, thức ăn được che đậy và để trên cao cách mặt đất từ 60 cm trở lên. Đặc biệt không nên ăn ở những quán ăn gần cống rãnh.
Ngoài ra, ThS.BS Nguyễn Hữu Đức còn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc rửa tay trước khi chế biến thực phẩm, cũng như trước khi ăn để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và hướng dẫn rửa tay với quy trình gồm 6 bước, mỗi bước thực hiện 5 lần.