Lần đầu thay huyết tương, lọc máu cứu trẻ nhiễm tụ cầu vàng
Ngày 4/4, BSCKI Lê Phước Đức, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực Chống độc (Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị) cho biết, lần đầu tiên bệnh viện đã áp dụng lọc máu liên tục và thay huyết tương cho trẻ giúp cứu sống trẻ 12 tuổi nguy kịch do sốc nhiễm khuẩn, viêm màng ngoài tim, viêm màng phổi do tụ cầu vàng biến chứng suy đa tạng.
Theo đó, ngày 30/1, khoa Hồi sức tích cực Chống độc tiếp nhận bệnh nhi H.X.N. (12 tuổi, Gio Linh, Quảng Trị) vào viện trong tình trạng nguy kịch, suy hô hấp, suy tuần hoàn, tổn thương nhiều cơ quan, rối loạn đông chảy máu, tràn dịch màng ngoài tim, tràn dịch tràn khí màng phổi.
Trước khi nhập viện 1 tuần, bệnh nhi có biểu hiện nóng đỏ, đau cẳng chân phải, khó thở, đau ngực, sốt cao.
Kết quả cấy máu, cấy dịch màng tim, dịch màng phổi đều cho thấy nhiễm khuẩn do tụ cầu vàng. Các bác sĩ nhận định, cháu bé bị sốc nhiễm khuẩn, viêm màng ngoài tim, viêm màng phổi do tụ cầu vàng biến chứng suy đa tạng.
BSCKI Lê Phước Đức cho biết, đây là bệnh lý nhiễm khuẩn nặng với tổn thương nhiều cơ quan và tiên lượng nguy cơ tử vong rất cao. Trong khi gia đình bệnh nhi hết sức lo lắng, phần vì bệnh nặng, phần do hoàn cảnh khó khăn, không đủ chi phí điều trị.
"Với tinh thần lương y như từ mẫu, hết lòng vì người bệnh, các y bác sĩ đã sử dụng kỹ thuật lọc máu và thay huyết tương để cứu sống bệnh nhi. Ngoài ra, các bác sĩ cũng huy động nguồn hỗ trợ đóng góp từ trong khoa và cộng đồng để đồng hành cùng gia đình và cháu bé trong hơn 2 tháng điều trị", BSCKI Lê Phước Đức nói.
Lọc máu, thay huyết tương cứu sống bé 12 tuổi nguy kịch do tụ cầu vàng |
Theo BSCKI Lê Phước Đức, kỹ thuật lọc máu và thay huyết tương được triển khai tại bệnh viện giúp cứu sống nhiều bệnh nhân. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên áp dụng kỹ thuật này ở trẻ em với kết quả mang lại đó là sự hồi sinh của người bệnh, niềm vui của gia đình và thầy thuốc.
Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực Chống độc (Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị) cho biết thêm, đối với sốc nhiễm khuẩn, viêm màng ngoài tim, viêm màng phổi do tụ cầu vàng biến chứng suy đa tạng, đường vào xuất phát từ viêm nhiễm vùng cẳng chân bên phải.
Sau 60 ngày được điều trị tích cực, cháu bé đã hồi phục trở về gia đình.
Cách tránh nhiễm tụ cầu vàng
Trong đời sống, tụ cầu vàng có tên khoa học là Staphylococcus aureus. Vi khuẩn tụ cầu vàng có thể sống ký sinh trên da và niêm mạc sau đó xâm nhập vào cơ thể người thông qua lỗ chân lông, các tuyến dưới da và nang lông, hoặc thông qua các vết thương.
Trên một số đối tượng đặc biệt như suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng, suy dinh dưỡng... tụ cầu vàng có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng nặng và nguy hiểm đến tính mạng.
Vi khuẩn tụ cầu vàng có thể sống ký sinh trên da và niêm mạc |
Hầu hết các bệnh nhiễm trùng do S. Aureus gây ra là nhiễm trùng da và mô mềm như áp xe hoặc viêm mô tế bào.
- Áp xe: Ổ áp xe hình thành tại vị trí vết thương, thường chứa đầy mủ. Khu vực xung quanh ổ áp xe thường đỏ, đau và sưng tấy. Vùng da xung quanh ổ áp xe có thể ấm khi chạm vào.
- Viêm mô tế bào: Nhiễm trùng các lớp bên dưới của da. Thông thường là vết xước hoặc vết cắt trên da tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Viêm mô tế bào có thể xảy ra ở bất cứ đâu trên cơ thể, nhưng thường xảy ra nhất ở chân hoặc cánh tay. Các triệu chứng bao gồm đỏ, sưng và đau ở vị trí nhiễm trùng.
Vi khuẩn Staphylococcus aureus cũng có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng như viêm phổi (nhiễm trùng phổi) hoặc nhiễm khuẩn huyết (nhiễm trùng máu).
Khuẩn tụ cầu có thể lây nhiễm cho bất kỳ ai ở mọi lứa tuổi, nhưng một số người có nguy cơ bị nhiễm trùng nghiêm trọng cao hơn, đó là:
- Người có vết thương hở hoặc vết loét.
- Người gần đây đã ở bệnh viện hoặc cơ sở chăm sóc sức khỏe khác trong một thời gian dài.
- Người có hệ thống miễn dịch suy yếu hoặc mắc bệnh mãn tính, chẳng hạn như những người mắc bệnh ung thư đang được hóa trị.
- Người có một thiết bị y tế cấy ghép, chẳng hạn như khớp nhân tạo.
- Người sống chung hoặc tiếp xúc gần với người bị nhiễm tụ cầu khuẩn.
- Người được chạy thận.
Một số biện pháp phòng tránh nhiễm khuẩn tụ cầu vàng:
Để phòng ngừa nhiễm khuẩn tụ cầu vàng, mọi người cần thường xuyên vệ sinh cá nhân, tắm rửa sạch sẽ, đặc biệt vệ sinh tay, vệ sinh mũi miệng họng. Giữ sạch môi trường sống, sinh hoạt khoa học, nâng cao sức khỏe, sức đề kháng...
-Giữ vệ sinh vết thương: Vết cắt, vết trầy xước phải luôn được giữ sạch sẽ và được băng kín, khô cho đến khi lành. Mủ từ vết loét bị nhiễm trùng có thể chứa vi khuẩn cầu vàng và việc che vết thương có thể giúp ngăn vi khuẩn lây lan sang vùng da khác và sang người khác.
Rửa tay: Ngoài việc băng vết thương đúng cách, rửa tay cẩn thận có thể giúp ngăn ngừa tụ cầu khuẩn lây lan.
Không dùng chung vật dụng cá nhân: Nhiễm trùng tụ cầu khuẩn có thể lây từ người này sang người khác và qua các đồ vật, chẳng hạn như dao cạo râu, khăn trải giường, quần áo, khăn tắm và dụng cụ thể thao,... Vi khuẩn có thể tồn tại trên quần áo và khăn trải giường không được giặt sạch. Tốt nhất bạn nên giặt sạch tất cả quần áo và ga trải giường, đặc biệt nếu có người trong gia đình bạn bị nhiễm tụ cầu khuẩn, và tránh dùng chung vật dụng cá nhân.
Vệ sinh miệng, họng: Thực hiện vệ sinh miệng, họng bằng cách súc nước muối nhạt và đánh răng hàng ngày.
Giữ gìn an toàn vệ sinh thực phẩm: Đây là một biện pháp cần thực hiện để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm do nhiễm khuẩn tụ cầu vàng.
Tại bệnh viện, những người bị nhiễm trùng do tụ cầu vàng thường được áp dụng các biện pháp phòng ngừa tiếp xúc nhằm ngăn chặn sự lây lan của tụ cầu vàng. Người nhà bệnh nhân và các nhân viên y tế chăm sóc người bệnh cách ly có thể được yêu cầu mặc quần áo bảo hộ và phải tuân theo các quy trình vệ sinh tay nghiêm ngặt, khử trùng các thiết bị dùng chung,...