Cây phát tài
Cây phát tài được coi là biểu tượng của sự giàu có và thịnh vượng. Ngoài ra, theo quan niệm phong thủy, cây phát tài có khả năng hấp thụ những năng lượng xấu trong không gian, giúp tạo ra không gian trong lành, tươi mới, mang lại sự cân bằng và hài hòa cho gia đình.
Nhiều nghiên cứu cho thấy cây phát tài có khả năng lọc không khí cực kỳ tốt. Cây nổi bật với khả năng loại bỏ những chất độc như benzene, toluene, ethybenzene, xylen,…
Tuy nhiên, trong cây phát tài có chứa nhiều tinh thể canxi oxalat. Chất này gây ảnh hưởng niêm mạc môi, lưỡi, màng nhầy trong họng hoặc kết mạc mắt khi ta ăn nhầm hoặc chạm phải dịch cây tiết ra.
Cây hoa cúc
Hoa cúc loại hoa đẹp với nhiều màu sắc khác nhau, tượng trưng cho sự trường thọ, phúc lộc dồi dào.
Hoa cúc có độ bền cao và là loài hoa quý luôn được trân trọng. Có lẽ vì vậy mà chúng được xem là biểu tượng cho sức khỏe của con người. Vào dịp đầu năm, người dân thường ưa chuộng hoa cúc để mong một năm nhiều sức khỏe dồi dào, bởi lẽ chúng ta thường quan niệm rằng “còn sức khỏe là còn tất cả”.
Cúc có khoảng 13.000 loài, trong đó hai loài thường dùng nhất là bạch cúc (cúc trắng) và kim cúc (cúc vàng). Đặc biệt, các chế phẩm từ hoa cúc như trà hoa cúc, hoa cúc khô luôn là một trong những vị thuốc chữa bệnh trong dân gian Việt.
Cây thường xuân
Thường xuân là loại cây dây leo thường dùng làm cảnh mang ý nghĩa phong thủy tốt đẹp, tượng trưng cho tài lộc, sinh sôi nảy nở và may mắn.
Thường xuân còn có tác dụng thanh lọc không khí, giúp loại bỏ formaldehyde có trong thảm và sơn tường, hấp thu các chất có hại như benzen, phenol, nicotine. Vì vậy, cây thường xuân được nhiều chuyên gia sức khỏe khuyên trồng tại khu vực nhà ở.
Thường xuân cũng là một dược liệu quý, được nhắc đến nhiều trong các sản phẩm trị ho, công dụng kháng viêm, chống oxy hóa, giải độc, và hỗ trợ chăm sóc da. Bộ phận được dùng làm thuốc là lá hoặc quả đã phơi khô. Trong y học cổ truyền, lá thường xuân có tác dụng khu phong, trừ thấp, bổ phế, chỉ khái, bình suyễn, hoạt huyết, mát gan, giải độc. Lá thường xuân thường được dùng trong nhiều bài thuốc tác dụng hỗ trợ chăm sóc da, giúp đào thải độc tố.
Tuy nhiên, cần lưu ý thông tin về sự an toàn của cây thường xuân còn ít, do đó nên thận trọng khi sử dụng.
Cây hoa đào
Hoa đào được coi là tinh hoa của ngũ hành, là biểu tượng cho sự sinh sôi, nảy nở, nhân duyên, lễ cưới. Theo phong thủy, hoa đào có thể trị bách quỷ. Chính vì vậy, trong năm mới ở các gia đình người Việt ở miền Bắc thường có bày cây hoặc cành hoa đào với mong muốn cầu xin may mắn, thuận lợi cả năm.
Cây sung
Cây sung là biểu tượng cho sự sung mãn, tròn đầy nên cây sung rất được người Việt ưa chuộng trồng làm cảnh. Cây sung còn được xếp đứng đầu trong bộ tam đa, là biểu tượng của phúc (cây sung) cùng với lộc (cây lộc vừng), thọ (vạn tuế). Quả sung cũng được nhiều người lựa chọn để bày trên mâm ngũ quả cúng tổ tiên ngày Tết.
Cây kim tiền
Cây kim tiền là loài cây khóm (bụi) lá xanh mướt có sức sống mãnh liệt, dễ chăm sóc nên rất phù hợp để trồng trong nhà, văn phòng. Đây cũng là loài cây có tác dụng cung cấp oxy, thanh lọc không khí, phủ xanh không gian sống, giúp căn nhà trở nên thoáng đãng, chan hòa với thiên nhiên.
Trong phong thủy, cây kim tiền còn được mệnh danh là “cây kim phát tài”. Thân cây vươn cao, lá xanh hướng lên trên ý nghĩa như bàn tay hứng lộc trời cho, tượng trưng cho sự cầu tiến, không ngừng vươn lên. Đặc biệt, cây kim tiền cũng mang ý nghĩa tốt đẹp về tiền bạc, tài lộc.
Bạn có thể đặt cây kim tiền trên bàn làm việc, tại các không gian đón ánh sáng trong căn nhà để cây sinh trưởng và phát triển tốt.
Cây quất
Cây quất tượng trưng cho sức khỏe, bình an, trường thọ và sự may mắn trong tình duyên, thể hiện sự sum vầy trong gia đình. Ngoài mang ý nghĩa tốt đẹp, cây quất còn giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe. Quả quất ăn có mùi thơm, vị chua ngọt, vỏ có chất dầu cay thơm. Mùi hương của tinh dầu từ cây quất giúp không khí dễ chịu, xua đuổi muỗi và côn trùng.
Trong y học cổ truyền, quất có vị cay ngọt, hơi chua, tính ấm, giúp tan đờm, giảm ho, điều hòa khí. Lượng vitamin C dồi dào trong quả có đặc tính chống oxy hóa giúp nâng cao sức đề kháng cơ thể, cải thiện hệ thống miễn dịch, bảo vệ tế bào khỏi vi khuẩn và virus có hại. Ăn quất với lượng đường phèn hợp lý có thể chữa ho hen do phong hàn ở người già.