Lộ trình cấm xe máy nội đô ở các nước có gì đặc biệt?

Sự phổ biến phương tiện tham gia giao thông bằng xe máy tại một số quốc gia láng giềng nước ta đặt hệ thống giao thông đô thị trước nhiều sức ép.

Mới đây, thông tin UBND TP Hà Nội vừa giao Sở Giao thông Vận tải lập đề án “Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030” đang khiến vấn để nên hay không nên cấm xe máy vào nội đô thu hút sự quan tâm trở lại.

Bên cạnh Việt Nam, sự phổ biến của xe máy tại một số quốc gia láng giềng châu Á đã đặt hệ thống giao thông đô thị trước nhiều sức ép như tình trạng ùn tắc giao thông, mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường... Thực trạng này đã buộc các nước phải vạch ra lộ trình cấm xe máy song song với việc phát triển giao thông công cộng.

Myanmar

Với quyết tâm thay đổi bộ mặt thành phố cũng như giải quyết vấn đề giao thông, từ năm 2003, chính phủ Myanmar đã ban hành lệnh cấm xe máy tại thành phố Yangon, cũng như giới hạn việc sử dụng xe đạp điện trong các khu vực trung tâm.

Đến năm 2007, Yangon nới lỏng lệnh cấm xe máy và cho phép người dân sử dụng phương tiện này để tham gia giao thông tại 14 khu vực ngoại thành. Tháng 8/2008, lệnh cấm sử dụng xe máy ở nội đô Yangon được hủy bỏ. Cơ quan chức năng cấp giấy đăng ký xe máy trở lại cho người dân.

Tuy nhiên, đến năm 2009, các nhà chức trách Myanmar đã tái lập lệnh cấm xe máy. Thậm chí 1.035 xe máy thuộc sở hữu của các cơ quan chính phủ cũng phải ngừng hoạt động trước tháng 12/2009.

Đường phố Yangon không còn bóng dáng xe máy - Ảnh - Frontier Myanmar.

Đường phố Yangon không còn bóng dáng xe máy - Ảnh - Frontier Myanmar.

Theo quy định pháp luật, những người đi xe máy sẽ bị phạt từ 20.000 kyat (tương đương 430.000 VND), thậm chí là bị tịch thu xe nếu họ bị bắt gặp đi xe ở khu vực cấm. Năm 2012, hơn 800 người bị phạt vì đi xe ở khu vực bị hạn chế.

Theo đánh giá của các chuyên gia, trở ngại lớn nhất cho lộ trình hạn chế xe máy ở Yangon là hệ thống giao thông công cộng cũ kỹ ở thành phố này chưa đủ sức đáp ứng nhu cầu của người dân khi xe máy bị cấm hoàn toàn.

Indonesia

Trước những vấn đề mà xe máy gây ra cho hệ thống giao thông, chính phủ Indonesia đã cấm xe máy ở các tuyến đường trọng điểm, các khu vực có hoạt động vận tải công cộng hiệu quả để thúc đẩy người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Cụ thể, từ tháng 12/2014 đến tháng 1/2015, thủ đô Jakarta đã thí điểm áp dụng cấm xe máy tại một số tuyến đường chính của thành phố. Sau một tháng thí điểm, bắt đầu từ tháng 2/2015, Jakarta chính thức áp dụng lệnh cấm này.

Cùng với thực hiện lệnh cấm xe máy, chính quyền thành phố kéo dài giờ hoạt động của xe buýt và bổ sung xe buýt để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển. Đồng thời, chính quyền cũng tăng thêm 20 chiếc xe bus, trong đó có đến 50% là xe bus hai tầng để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trên hai tuyến đường lớn, song song với việc nâng cấp hệ thống tàu điện ngầm và xây dựng các làn xe dành riêng cho xe bus.

Mặc dù vậy, việc có quá nhiều ô tô cá nhân vẫn gây ra tình trạng tắc đường tại Jakarta. Do đó, các phương tiện công cộng đặc biệt là dịch vụ chia sẻ xe đang rất phát triển tại thành phố này.

Trung Quốc

Tại Trung Quốc, sau nhiều lệnh cấm có giới hạn được thực thi từ năm thập niên 1990, chính quyền thành phố Quảng Châu đã cấm hoàn toàn xe máy trong trung tâm thành phố từ đầu năm 2007. Để phục vụ nhu cầu đi lại, chính quyền thành phố Quảng Châu đưa vào vận hành các loại xe buýt mini phù hợp với các tuyến phố nhỏ, nơi trước đây chỉ có xe máy có thể lưu thông.

Tại Bắc Kinh, ngay từ năm 1984, cảnh sát Bắc Kinh đã ngừng cấp đăng ký xe máy mới. Năm 2000, Cục cảnh sát giao thông Bắc Kinh tiếp tục cấm xe máy ba bánh, kể cả có đăng ký, lưu thông ở khu vực trung tâm và 8 quận lân cận. Đến năm 2016, Bắc Kinh cân nhắc việc cấm hoàn toàn xe máy ở khu vực nội đô.

Ở Trung Quốc có một xu hướng mang tính toàn quốc về việc các đô thị sẽ dần cấm xe máy hoàn toàn - Ảnh - Autoblog.

Ở Trung Quốc có một xu hướng mang tính toàn quốc về việc các đô thị sẽ dần cấm xe máy hoàn toàn - Ảnh - Autoblog.

Còn ở thành phố “đầu tàu kinh tế” Thượng Hải, bắt đầu từ năm 2002, cảnh sát đã ra lệnh cấm xe máy ở những tuyến đường chính. Theo quan điểm của các nhà quản lý, phát triển giao thông công cộng là giải pháp chính giải quyết nhu cầu đi lại trong tương lai của Thượng Hải, vì vậy phải cấm xe máy đi vào các trục đường chính ở trung tâm thành phố.

Trong những năm 2000, một loạt các đô thị khác như Tây An (thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây), Hải Khẩu (tỉnh đảo Hải Nam) và Vũ Hán (thủ phủ Hồ Bắc) cũng ban hành lệnh cấm tương tự.

Theo giới chuyên gia, động thái cấm xe máy của các thành phố lớn tại Trung Quốc cho thấy một xu hướng mang tính toàn quốc về việc các đô thị sẽ dần cấm xe máy hoàn toàn./.

Theo Đời sống
back to top