Lật tẩy chiêu lừa đổi tiền online cận Tết Nguyên đán 2025

Các dịch vụ đổi tiền trên mạng xã hội dịp cận Tết Nguyên Đán 2025 đang ngày càng phổ biến, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ngày 6/1/2025, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến trong tuần qua (30/12/2024 - 5/1/2025). Nổi lên là lừa đảo đổi tiền, vay tiền, đáo hạn dịp cận Tết Nguyên đán 2025.
Càng gần Tết Nguyên đán Ất Tỵ, nhu cầuđổi tiền lẻ (tiền mới) để lì xì hoặc chuẩn bị cho các hoạt động tiêu dùng càng lớn, điều này đã tạo cơ hội cho các dịch vụ đổi tiền online xuất hiện. Tuy nhiên, các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng thời cơ, đánh vào tâm lý, nhu cầu của người dân để thực hiện hành vi lừa đảo với những thủ đoạn tinh vi.
Chiêu lừa đảo thông qua dịch vụ đổi tiền trên mạng xã hội dịp cận Tết Nguyên đán 2025. Ảnh: Cục An toàn thông tin
Chiêu lừa đảo thông qua dịch vụ đổi tiền trên mạng xã hội dịp cận Tết Nguyên đán 2025. Ảnh: Cục An toàn thông tin
Ngoài dịch vụ đổi tiền mới, tiền lẻ, “dân buôn tiền” trên mạng Internet còn rao bán cả tiền lì xì, tiền độc, tiền hiếm, ngoại tệ của nhiều nước. Các loại tiền này chủ yếu được chuyển trực tiếp từ nước ngoài về, với giá bán thường cao gấp nhiều lần so với mệnh giá thực tế tùy vào độ độc, lạ của loại tiền.
Tham khảo giá một vài cơ sở đổi tiền mới tại Hà Nội, mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng và 50.000 đồng có phí đổi là khoảng từ 5 - 6%. Với mức tiền cao hơn hoặc đổi nhiều tiền hơn thì mức phí đổi sẽ rẻ hơn một chút. Thậm chí, còn có khái niệm “tiền lướt”, tức là tiền đã qua sử dụng thì mức phí đổi chỉ khoảng 2-3%.
Tuy nhiên, những quảng cáo dịch vụ đổi tiền mới trên các trang mạng xã hội tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người đổi tiền. Thực tế đã có nhiều nạn nhân thực hiện giao dịch đổi tiền mới nhưng khi nhận lại tiền được đổi thì không đủ như cam kết, thậm chí khi nhận lại là tiền giả. Không ít trường hợp người dân chuyển khoản xong thì chủ tài khoản trang mạng xã hội đã chặn liên lạc và mất tích, “bùng” tiền cọc của khách.
Vừa qua, chị Nguyễn Thị An (Hoài Đức, Hà Nội) lên mạng tìm đổi tiền mới, chị An chia sẻ: “do muốn có tiền mới để lì xì dịp Tết cho con cháu và đi lễ hội đầu năm, hỏi nhờ nhiều người quen làm trong các ngân hàng không được nên đã lên mạng tìm kiếm dịch vụ đổi tiền. Sau khi chat trên nhóm và được một tài khoản giới thiệu đổi tiền với chi phí rẻ, tôi đã đổi 10 triệu đồng tờ mệnh giá 50.000 đồng và mất phí 700.000 đồng cho giao dịch này. Sau đó, họ yêu cầu tôi phải chuyển 1.000.000 đồng để đặt cọc, không nghĩ ngợi nhiều, tôi đã chuyển cho họ. Thế nhưng sau khi chuyển tiền thì họ ngay lập tức chặn liên hệ với tôi và không liên lạc được nữa”.
Trước các thủ đoạn đổi tiền trên mạng xã hội dịp cận Tết Nguyên đán, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước những đối tượng không quen biết, tuyệt đối không đổi tiền qua mạng xã hội để tránh trở thành “con mồi” tiếp tay cho các hành vi lừa đảo. Chỉ nên sử dụng các dịch vụ đổi tiền của ngân hàng, công ty tài chính hoặc các cơ sở kinh doanh có uy tín, có giấy phép hoạt động hợp pháp. Đối với các dịch vụ trên mạng xã hội, trước khi giao dịch, hãy kiểm tra các phản hồi từ khách hàng cũ, các đánh giá hoặc các chứng chỉ pháp lý của dịch vụ; so sánh tỷ giá chênh lệch với thị trường, không tin vào những dịch vụ tỷ giá quá cao so với thị trường. Cảnh giác với các dịch vụ yêu cầu chuyển tiền trước khi nhận hàng.
Luật sư Phạm Thị Thúy Kiều, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: “cách thức đổi tiền lẻ, tiền mới dịp cận Tết Nguyên đán khiến người đổi tiền có nguy cơ bị lừa rất cao. Bởi phần lớn các tài khoản quảng cáo đổi tiền qua mạng không có thông tin, địa chỉ cụ thể, rõ ràng. Trong khi đó, người đổi tiền lại phải chuyển trước một khoản tiền đặt cọc. Điều này khiến người đổi tiền rơi vào thế bị động, dễ bị lừa đảo. Về phía người dân, phần lớn số tiền bị lừa mất không lớn, chưa kể vì đã trót tiếp tay cho hành vi vi phạm nên nhiều người phải chấp nhận thiệt hại, không phản ánh với các cơ quan chức năng".
Theo VietnamDaily
back to top