Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) đã đưa ra cảnh báo quan trọng về thủ đoạn cuộc gọi lừa đảo Deepfake khiến không ít người dính bẫy mất tiền oan.
Cú lừa từ “khuôn mặt fake”
Theo thông tin từ Cục An toàn thông tin, vào sáng ngày 23/12/2024, chị N.T.H (45 tuổi, trú tại quận Long Biên, Hà Nội) nhận được một cuộc gọi video thông qua ứng dụng Facebook Messenger từ tài khoản của con trai chị - hiện đang ở TP. HCM, yêu cầu chuyển hơn 100 triệu đồng để thanh toán phí đăng ký du học. Tuy nhiên, nhờ được đào tạo bài bản về phòng chống lừa đảo với tư cách là cán bộ ngân hàng, chị H đã tỉnh táo và không thực hiện theo yêu cầu.
Cảnh báo của Cục An toàn thông tin về hình thức lừa đảo ứng dụng công nghệ deefake. Ảnh chụp màn hình |
Không may mắn như chị N.T.H, chị N.T.Q (huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) đã mất gần 30 triệu đồng khi bị đối tượng lừa đảo giả dạng khuôn mặt của người thân và yêu cầu chuyển tiền. “Mình đã nhận được cuộc gọi video và xác nhận đúng khuôn mặt, tuy nhiên cuộc gọi chỉ diễn ra vài giây nên mình chưa kịp trao đổi kỹ, nhưng vì tin tưởng nên mình đã chuyển số tiền được yêu cầu”, chị chia sẻ.
Trên nhiều diễn đàn, không ít người dùng cũng “khóc ròng” vì gặp phải cú lừa tương tự. Đây là một trong những chiêu sử dụng ảnh, video, mô hình 3D, mặt nạ in 3D, thậm chí tích hợp AI như Deepfake để giả mạo dữ liệu và danh tính người dùng.
Nhờ ứng dụng công nghệ AI, kẻ gian ghép khuôn mặt và giọng nói để dàn dựng các cuộc gọi video trông giống như từ người thân, bạn bè. Nội dung những cuộc gọi này thường xoay quanh các lý do khẩn cấp như tai nạn, nợ nần, nhằm thúc giục nạn nhân nhanh chóng chuyển tiền vào tài khoản được chỉ định.
Deepfake có thể tạo dựng khuôn mặt người thân trong cuộc gọi video khiến nạn nhân tin tưởng. Ảnh: Tuệ Minh |
Cục An toàn thông tin khuyến cáo, khi nhận được cuộc gọi nghi ngờ, người dân nên gọi lại cho người thân qua số điện thoại đã biết để xác minh thông tin, tránh vội vàng chuyển tiền theo yêu cầu trong các cuộc gọi video hoặc tin nhắn trên mạng xã hội.
Cảnh giác và bảo vệ tài sản, thông tin cá nhân là điều quan trọng. Người dân cần cẩn trọng khi chia sẻ thông tin cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội, hạn chế đăng tải hình ảnh, video cá nhân hoặc thông tin nhạy cảm.
Hãy điều chỉnh quyền riêng tư để hạn chế sự truy cập của người lạ vào tài khoản của bạn. Đồng thời, luôn chú ý đến các tài khoản lạ hoặc dấu hiệu bất thường. Nếu phát hiện tài khoản của người thân hoặc bạn bè có dấu hiệu bị xâm nhập, cần báo ngay cho họ và ngừng tương tác với tài khoản đó.
"Một chi tiết trao đổi giữa hai hay nhóm cá nhân trong các bình luận như một việc làm cụ thể hay cuộc hẹn, cũng có thể bị lợi dụng. Khi kẻ gian đề cập đến chi tiết đó sẽ khiến cho nạn nhân buông lỏng cảnh giác" - Chuyên gia tâm lý Quảng Trọng Bình cho biết, đồng thời khuyên những trao đổi như vậy không nên bình luận công khai mà hãy trao đổi riêng.
Cục An toàn thông tin nêu dấu hiệu hình thức lừa đảo cuộc gọi Deepfake
- Ngắt giữa chừng, bảo là mất sóng, sóng yếu,... Yêu cầu chuyển tiền mà tài khoản chuyển tiền không phải của người đang thực hiện cuộc gọi.
- Nếu nhận được một cuộc gọi yêu cầu chuyển tiền gấp, trước tiên, người dân hãy bình tĩnh và xác minh thông tin bằng cách liên lạc trực tiếp với người thân, bạn bè thông qua một kênh khác.
- Kiểm tra kỹ số tài khoản được yêu cầu chuyển tiền. Nếu là tài khoản lạ, tốt nhất là không nên tiến hành giao dịch.
- Nếu cuộc gọi từ người tự xưng là đại diện cho ngân hàng, hãy gác máy và gọi trực tiếp cho ngân hàng để xác nhận cuộc gọi vừa rồi có đúng là ngân hàng thực hiện hay không;
- Các cuộc gọi thoại hay video có chất lượng kém, chập chờn là một yếu tố để bạn nghi ngờ người gọi cũng như tính xác thực của cuộc gọi.
jgla;a
Mời quý độc giả xem video: Cảnh báo cuộc gọi mạo danh điện lực yêu cầu thanh toán tiền điện qua đường link, app giả mạo. Video do Báo Tri thức & Cuộc sống sản xuất.