Đầu tư từ cấp học cơ sở
Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn; địa hình và phân bố dân cư không tập trung tạo khó khăn trong việc huy động nguồn lực và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất mạng lưới giáo dục.
Đường giao thông đi lại khó khăn ảnh hưởng đến công tác dạy, học và quản lý của các cơ sở giáo dục. Nhiều điểm trường chưa thể sáp nhập do khoảng cách xa so với trường chính.
Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn cao (năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo chiếm còn 10,89%) nên thường có tình trạng học sinh, sinh viên không đi học mà ở nhà phụ giúp gia đình, dẫn đến khó khăn trong huy động học sinh, sinh viên đi học và huy động xã hội hóa.
Tuy nhiên, xác định lấy nhân lực làm trọng tâm để thúc đẩy phát triển, những năm qua chính quyền các cấp của Lạng Sơn đã không ngừng nỗ lực đầu tư cho hệ thống giáo dục để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Nhờ đó, cơ sở vật chất (CSVC) trường lớp, học tiếp tục được tăng cường, bổ sung đáp ứng yêu cầu đổi mới và chuẩn hóa CSVC các trường học. Về cơ bản mạng lưới trường học trên địa bàn tỉnh đáp ứng được yêu cầu học tập của học sinh các dân tộc trong tỉnh, bảo đảm thực hiện phổ cập giáo dục, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực.
Là tỉnh nghèo và đang cần nguồn ngân sách lớn để đầu tư phát triển kinh tế hạ tầng, tuy nhiên hằng năm tỉnh Lạng Sơn vẫn trích hơn 30% nguồn ngân sách chi thường xuyên cho ngành giáo dục. Trong đó, 85% chi lương và các khoản có tính chất lương để cán bộ giáo viên trên địa bàn, nhất là các huyện vùng sâu, vùng xa yên tâm công tác.
Để đáp ứng được nhu cầu nhân lực trong bối cảnh cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 phát triển mạnh mẽ, ngành giáo dục của tỉnh Lạng Sơn cũng tăng cường ứng dụng và giáo dục về công nghệ thông tin trong dạy, học. Đến nay, toàn ngành giáo dục hiện 403 phòng máy vi tính với 6.696 máy tính phục vụ công tác giảng dạy; 2.554 máy chiếu… phục vụ công tác chuyên môn. Hệ thống phòng họp trực tuyến ngành giáo dục gồm 36 điểm cầu ngày càng phát huy tác dụng trong quản lý điều hành.
Nâng cao chất lượng dạy nghề
Thực hiện Chương trình củng cố, đổi mới, phát triển các trường cao đẳng và dạy nghề của tỉnh giai đoạn 2010 – 2020, mạng lưới trường nghề trên địa bàn tỉnh đã được nâng cấp, sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Được sự quan tâm của tỉnh, ngành giáo dục Lạng Sơn đã tăng cường liên kết, mở rộng quan hệ hợp tác GD&ĐT trong và ngoài nước để nâng cao chất lượng nhân lực.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 21 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đang hoạt động và ngày càng có hiệu quả. Trên địa bàn còn có thêm Trường Cao đẳng Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc và 4 cơ sở GDNN tư thục. Các trường và cơ sở này đã và đang “chung vai” với các cơ sở công lập hình thành mạng lưới dạy nghề của tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu của người học và của thị trường lao động. Đến hết năm 2019, các trung tâm GDNN của tỉnh thu hút hơn 13.000 người theo học.
Trong đó, Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn (tiền thân la Trường Trung cấp nghề Việt – Đức) là trường đào tạo trọng điểm với nhiều ngành nghề đào tạo có nhu cầu lớn trên địa bàn như điện công nghiệp, gò hàn…
Ông Lê Quang Hồng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn cho biết: Trong nhiều năm qua, nhà trường đã gắn kết đào tạo với thực tiễn lao động sản xuất, mô hình nhà trường gắn với doanh nghiệp, đào tạo gắn với giới thiệu việc làm… Sự năng động của nhà trường cùng với thực hiện các chính sách cho người học như: miễn giảm học phí, trợ cấp xã hội, chính sách nội trú… đã và đang tạo sức hút mạnh đối với học sinh. Cùng với đó, việc nâng cao chất lượng đào tạo đã dần tạo nên uy tín và thương hiệu nhà trường đối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo trong những năm qua tăng mạnh từ 35% (năm 2011) lên 55% (năm 2020).