Theo các chuyên gia, việc 1,5tr m3 nước hồ Tây đổ vào sông Tô Lịch đã cuốn trôi vi sinh vật có lợi nên phải chờ để thử nghiệm tiếp, chứng tỏ công nghệ này chưa phù hợp.
Chỉ xử lý được trong điều kiện thí nghiệm
Ngày 16/7, TS Tadashi Yamamura, chuyên gia LHQ về môi trường, Chủ tịch Tổ chức xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản cho biết, đơn vị thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản (Nano-Bioreactor) đã có công văn gửi Thủ tướng, Bộ TN&MT, UBND TP Hà Nội, các sở, ngành, đơn vị liên quan báo cáo và thông báo lùi thời gian lấy mẫu, đánh giá và công bố kết quả giai đoạn thí điểm. Ngày 9/7, công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã mở cửa xả nước Hồ Tây vào sông Tô Lịch do mực nước của hồ Tây đang cao hơn quy định khoảng 25cm. Trong 3 ngày, khoảng hơn 1,5 triệu m3 nước Hồ Tây đã được xả vào trực tiếp đầu nguồn sông Tô Lịch, nơi có khu thí điểm làm sạch nước sông của dự án Nhật Bản.
Chuyên gia Nhật Bản cho biết nếu là thực hiện dự án trên cả dòng sông Tô Lịch, từ đầu nguồn phía bên kia đường Hoàng Quốc Việt cho đến cả dòng sông, thì hệ vi sinh vật có lợi được kích hoạt liên tục. Nhưng 1,5 triệu m3 xả vào khu thí điểm của công nghệ Nhật Bản gấp 10 lần lượng nước thải/ngày đêm từ 280 cống chảy vào sông Tô Lịch và chỉ chảy cuồn cuộn vào khu xử lý từ 1 cửa xả đầu nguồn duy nhất. Do đó, toàn bộ hệ vi sinh vật có lợi do các tấm Bioreactor kích hoạt trong gần 2 tháng qua đã trong chốc lát bị cuốn trôi và không còn ở khu 300m để đánh giá nữa. Đơn vị xin lùi thời gian thí điểm thêm 2 tháng, tới ngày 17/9 mới lấy mẫu nước kết quả.
GS.TS Dương Đức Tiến, Trung tâm Công nghệ Sinh học Phục vụ đời sống và sản xuất cho rằng, về lý thuyết thì xử lý nước bằng vi khuẩn yếm khí là đúng và mang lại hiệu quả, nhưng giá trị thực tiễn lại không cao. Lý do là vi khuẩn yếm khí chỉ hoạt động trong điều kiện nhất định (giống như trong phòng thí nghiệm, hay khi thử nghiệm) chứ không hoạt động ở điều kiện tự nhiên. Trong khi đó, xử lý nước thải bền vững phải là tận dụng điều kiện tự nhiên để làm. Ví dụ như trong nước thải luôn có vi khuẩn hiếu khí, vi khuẩn quang hợp như tảo hay thực vật thủy sinh hấp thụ chất thải. Ở Việt Nam cũng có nhiều nhà khoa học nghiên cứu phương pháp này, do đó không phải là mới.
Phân loại nước tại nguồn
“Việc đổ nước Hồ Tây vào sông Tô Lịch đúng là có thể ảnh hưởng đến quá trình thử nghiệm, song Hà Nội cũng thường có những trận mưa rất lớn. Có trận mưa mà nước sông Tô Lịch dâng cao mấp mé bờ sông. Liệu các nhà khoa học có tính toán đến? Nếu chỉ xử lý nước thải trong điều kiện đặc thù thì rất khó để làm sạch cả hệ thống sông Tô Lịch”, GS.TS Dương Đức Tiến cho biết.
Theo GS.TS Dương Đức Tiến, rất khó để có một giải pháp công nghệ triệt để biến dòng nước đen ngòm sông Tô Lịch trở nên trong xanh nếu không có sự tham gia của cộng đồng. Việc xử lý nước thải trước khi đưa ra sông là việc cần, nhưng quan trọng hơn là ý thức phân loại nước thải tại nguồn của người dân. Thức ăn thừa, cơm canh, dầu mỡ chiên xào… cần phải được cho vào túi, hộp phân loại như một loại rác, chứ không được đổ xuống cống rãnh. Hiện nay nhiều người cứ vô tư xả hết xuống cống. Về công nghệ thì nên thiên về các công nghệ gắn với tự nhiên, chứ không phải là công nghệ chỉ phát huy tác dụng trong điều kiện đặc thù.
Hà Bình