Lạm dụng máy tính, điện thoại dễ dẫn đến hội chứng thị giác

(khoahocdoisong.vn) - 90% người sử dụng 3 giờ/ngày với máy tính sẽ có nguy cơ bị hội chứng thị giác bao gồm nhức đầu, mờ mắt, đau cổ, vai, lưng, cương tụ nhẹ kết mạc, cảm giác khô, kích thích tại mắt, căng thẳng về mắt hay mệt mỏi thị giác…

Lạm dụng máy tính đồng nghĩa với hại mắt

Mặc dù màn hình của các loại máy tính chúng ta đang sử dụng đã áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến, nhưng làm việc thời gian dài, cường độ cao bên máy tính hay máy điện thoại đều không tốt cho mắt. Khuyến cáo của các chuyên gia mắt, học trên máy tính, chơi trên máy tính, giao tiếp online tối đa chỉ 5 giờ/ngày. Quá khoảng thời gian đó sau 2 năm chúng ta sẽ rơi vào tình trạng cận thị. Đối với người đã bị cận thì độ cận nặng hơn. Đối với máy điện thoại, thời gian làm việc với màn hình máy điện thoại càng phải rút ngắn do màn hình nhỏ, chữ nhỏ, mắt trong thời gian ngắn phải phân tách hình ảnh, phải điều tiết nhiều nên mau mệt hơn.

ThS.BS Diệu Hương, Bệnh viện Mắt Việt Nhật cho biết, những người thường xuyên sử dụng máy tính như người làm văn phòng, thiết kế, người làm công nghệ thông tin, học sinh, sinh viên... thường gặp phải một số vấn đề bất ổn về thị giác gọi là hội chứng về mắt do sử dụng máy tính. Hội chứng này bao gồm các biểu hiện như mỏi mắt, khô mắt, cộm chói, sợ ánh sáng, chảy nước mắt, nhìn mờ, đau đầu, mỏi vai, cổ…Nguyên nhân của tình trạng trên do tập trung quá mức vào màn hình máy tính trong thời gian dài làm ta quên chớp mắt, dễ làm mắt khô, cộm, rát đỏ, lâu dần dẫn tới tật khúc xạ cho mắt. Tại Nhật Bản, nghiên cứu trên 10.000 người cho thấy, những người ngồi lâu hơn 5 giờ bên máy tính dễ mắc cận thị hoặc viễn thị trong khi những người bị cận thị lại dễ tăng nhãn áp, dễ dẫn tới mù lòa nếu không được chữa trị kịp thời.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, dùng điện thoại quá lâu với khoảng cách gần là nguyên nhân gây lão hóa mắt, làm tăng khả năng đục thủy tinh thể, gây các tật khúc xạ về mắt như cận thị. Việc dùng điện thoại vào ban đêm, ánh sáng xung quanh yếu, ánh sáng xanh của màn hình thu hút sự chú ý cao độ của đôi mắt dễ làm cho mắt mỏi, nhức, đau mắt, lâu dần làm tăng nguy cơ cận thị, thoái hóa hoàng điểm, giảm thị lực...

Sử dụng máy tính và điện thoại khoa học

Một người làm văn phòng bình thường phải tiếp xúc với máy tính khoảng 8 giờ/ngày. Một người làm công nghệ thông tin phải tiếp xúc với máy tính 15 giờ/ngày. Vậy làm thế nào để bảo vệ mắt?

Không sử dụng máy tính quá lâu, thời gian hợp lý là cứ sau 1 - 2 tiếng thì cho mắt nghỉ ngơi 10 - 15 phút, đó là lời khuyên của ThS.BS Diệu Hương. Trong thời gian nghỉ ngơi, cố gắng đưa mắt nhìn ra xa, vào khoảng không gian có nhiều màu xanh để mắt được nghỉ.

Người làm việc nhiều bên máy tính cần chú ý ánh sáng nơi làm việc, khoảng cách từ mắt tới máy tính. Khoảng cách tối thiểu giữa màn hình máy tính và mắt là 50cm để giảm mức độ ảnh hưởng của tia bức xạ với thị giác. Đối với điện thoại thông minh, khoảng cách tối thiểu là 40cm. Nên đặt màn hình máy tính hợp lý, điều chỉnh lượng ánh sáng trong phòng không quá sáng hoặc quá tối. Nên thường xuyên lau bụi cho màn hình vì bụi sẽ làm giảm tương phản của màn hình. Nên chỉnh độ sáng và độ tương phản của màn hình cho đến khi mắt cảm thấy dễ chịu. Khi đọc văn bản, tin tức trên máy tính hoặc điện thoại nên chỉnh cỡ chữ của trang văn bản to để tránh mệt mỏi cho thị giác. Ghế ngồi và tư thế ngồi hợp lý, tránh dẫn tới đau đầu, mỏi cổ, mỏi gáy và mỏi vai. Vì vậy, cần để màn hình thẳng ngay trước mặt, không để lệch về một bên. Khi ngồi nên giữ thẳng lưng và 2 vai ngang bằng.

Khi mắt mỏi, nhìn mờ tức là mắt đã quá tải cần cho mắt nghỉ ngơi. Nếu hiện tượng này kéo dài cần tới các cơ sở y tế chuyên khoa mắt để được khám và tư vấn cụ thể.

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top