Lâm Đồng: Nhức nhối nạn khai thác đá chẻ tại xã Đan Phượng

Qua nhiều lần phản ánh cũng như có nhiều buổi làm việc với UBND xã Đan Phượng về tình trạng khai thác đá chẻ trái phép hoạt động trên địa bàn. Tuy nhiên, sau những lần lập biên bản và xử phạt thì việc khai thác đá chẻ trên địa bàn xã Đan Phượng vẫn đang tồn tại.

Ngày 23/2, men theo những con đường cũ, tìm đến những vị trí mà cách đây khoảng vài tháng chúng tôi đã từng phản ánh đến UBND xã Đan Phượng về tình trạng khai thác đá chẻ trái phép dưới hình thức cải tạo vườn. Tại những vị trí này, việc khai thác đá chẻ vẫn đang diễn ra, gần như không có dấu hiệu thu hẹp, tạm dừng về phạm vi khai thác.

Hiện trường khu vực khai thác đá chẻ tại thôn Đan Hà, xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà.

Hiện trường khu vực khai thác đá chẻ tại thôn Đan Hà, xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà.

Thôn Đan Hà, xã Đan Phượng, phóng viên bắt gặp hai vị trí khai thác đá chẻ trái phép, đây đều là những vị trí mà trước đó chúng tôi đã phản ánh tới chính quyền địa phương để xử lý, ngăn chặn và dẹp bỏ.

Tại hiện trường, hàng ngàn viên đá đã được các công nhân chẻ thành phẩm xếp thành nhiều đống lớn đang chờ được bốc đi tiêu thụ. Khi có sự xuất hiện của phóng viên (Pv), các công nhân ở đây thu gom máy móc, vội vàng bỏ đi.

Công nhân đang dùng máy khoan để đục khối đá ra thành phẩm.

Công nhân đang dùng máy khoan để đục khối đá ra thành phẩm.

Một trong những công nhân ở đây cho biết, điểm khai thác này do một người đàn ông tên Thiện làm chủ. Mức thù lao là 1.800 đồng trên một viên đá thành phẩm. Người này còn cho biết cho biết: "Bọn em chẻ đá ở đây mới được 3 tuần thôi, ông Thiện mới ứng cho 1 người 2 triệu". Khi PV hỏi ước chừng bãi đá có tầm bao nhiêu viên thì người này nói: "Mỗi đống tầm 1.000 viên, chỗ này hơn chục đống chắc hơn 10 ngàn viên đó các anh".

Lực lượng công an cùng cán bộ địa chính, tư pháp có mặt tại hiện trường để xử lý.

Lực lượng công an cùng cán bộ địa chính, tư pháp có mặt tại hiện trường để xử lý.

Để có thêm những ghi nhận chính xác về thông tin thửa đất cũng như toàn bộ lượng đá khối và đá chẻ thành phẩm, chúng tôi đã liên hệ đến ông Nguyễn Quang An – Chủ tịch UBND xã Đan Phượng để được bố trí lực lượng công an cùng cán bộ địa chính xuống hiện trường nhằm ghi nhận thực tế.

Sau khoảng 1 tiếng đồng hồ chờ đợi, lực lượng công an xã cùng cán bộ địa chính xã Đan Phượng đã có mặt tại hiện trường. Để tiếp tục thu thập thông tin, PV đã có buổi làm việc với ông Trần Hữu Nhiệm – Bí thư Đảng ủy xã Đan Phượng. Theo ông Nhiệm, khu vực mà PV phản ánh vẫn đang tồn tại tình trạng khai thác đá chẻ trái phép lý do là bởi địa bàn rộng, lực lượng lại mỏng. “Do cái thiếu sót của mình, do mình quản lý không hết nên để xảy ra tình trạng đến như thế. Và tới đây tôi sẽ chỉ đạo bằng nghị quyết tại các buổi giao ban, yêu cầu UBND chỉ đạo cán bộ chuyên môn xử lý nghiêm, tăng cường tuần tra canh gác” – vị Bí thư này chia sẻ thêm.

Những vật dụng, máy móc công nhân sử dụng phục vụ việc khai thác đá chẻ tại hiện trường.

Những vật dụng, máy móc công nhân sử dụng phục vụ việc khai thác đá chẻ tại hiện trường.

Trao đổi với ông Nguyễn Quang An – Chủ tịch UBND xã Đan Phượng, ông An xác nhận việc khai thác đá chẻ tại thôn Đan Hà vẫn tồn tại theo như phản ánh của PV là đúng sự thật. Tôi có cử cán bộ vào kiểm tra tuy nhiên không lập được biên bản hiện trường cũng như biên bản vi phạm hành chính bởi không có chủ đất cùng với người vị phạm tại hiện trường điểm khai thác” - Ông An cho biết thêm.

Khi PV hỏi vậy trước giờ không xác định được chủ đất cùng với người vi phạm tại hiện trường thì không xử lý được hay sao thì “vị” này im lặng và không trả lời?!

Tiếp tục phản ánh tình trạng trên đến ông Nguyễn Tài Phương – Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lâm Hà, ông Phương cho biết sẽ chỉ đạo cán bộ của phòng và đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra xử lý.

Một góc khác nằm trong khu vực khai thác đá.

Một góc khác nằm trong khu vực khai thác đá.

Bên cạnh việc khai thác đá chẻ trái phép, việc xe ben vận chuyển đá đi tiêu thụ đã làm hư hỏng, xuống cấp những tuyến đường bê tông mà người dân sống tại thôn Đan Hà, xã Đan Phượng cùng nhau góp công, góp của xây dựng.

Một vị trí khai thác đá trái phép, lộ thiên, tồn tại đã lâu cùng với việc bị lập biên bản và xử lý nhiều lần nhưng bằng một cách nào đó vẫn tồn tại và hoạt động?!

Những khối đá lớn được xếp gọn trong khu vực bãi đá.

Những khối đá lớn được xếp gọn trong khu vực bãi đá.

Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép nói chung và khai thác đá chẻ trái phép nói riêng đang xảy ra trên địa bàn xã Đan Phượng không chỉ gây thất thu ngân sách nhà nước, thất thoát tài nguyên khoáng sản, kéo theo nhiều hệ lụy về môi trường, an ninh trật tự mà còn cho thấy năng lực quản lý của địa phương.

Khoa học và Đời sống sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc sau khi làm việc với UBND huyện Lâm Hà về sự tồn tại khó dẹp bỏ của các điểm khai thác đá chẻ trái phép tại xã Đan Phượng./.

Xem thêm:

Trường hợp nào bị coi là khai thác khoáng sản trái phép?

Theo Điều 2 Luật Khoáng sản năm 2010 định nghĩa về khoáng sản thì: Khoáng sản là những khoáng vật, khoáng chất được tạo thành trong vỏ trái đất tồn tại dưới dạng rắn, lỏng, khí và được sử dụng trong công nghiệp, trong cuộc sống hàng ngày của con người.

Tại Điều 4, Luật Khoáng sản 2010 cũng nêu rõ, cá nhân, tổ chức chỉ được tiến hành hoạt động khoáng sản khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Điều này có nghĩa, các cá nhân, tổ chức chỉ được khai thác khoáng sản khi được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản hợp pháp.

Từ những căn cứ trên có thể hiểu, khai thác khoáng sản trái phép là hoạt động thu hồi khoáng sản của cơ quan, tổ chức không có quyền hoặc có quyền mà thực hiện không đúng phạm vi, quyền hạn của mình, không được sự chấp thuận, cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Theo Đời sống
back to top