Lâm Đồng: “Bát nháo” nạn khai thác đất lậu tại huyện Đơn Dương

Từng “binh đoàn” xe tải ben chở đất lậu ùn ùn phá nát từng tuyến đường liên thôn, liên xã tuy nhiên không thấy lực lượng chức năng tuần tra, kiểm tra, xử lý.

Theo thông tin phản ánh của người dân, nhóm phóng viên Khoa học & Đời sống (PV) tìm về các xã Đạ Ròn, xã Tu Tra thuộc địa bàn huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng để tìm hiểu thông tin.

Điểm khai thác đất trái phép tại xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương

Điểm khai thác đất trái phép tại xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương

Chiều ngày 30/3, tại xã Đạ Ròn thuộc huyện Đơn Dương trên từng trục đường liên thôn, liên xã, phóng viên ghi nhận từng đoàn xe tải ben chở đất lậu đi lại như trẩy hội. Hầu hết các xe tải ben chở đất đều có dấu hiệu quá tải.

Lần theo 1 chiếc xe tải ben biển số 49C-113.89 tìm về nơi khai thác đất của đơn vị này tại thôn Suối Thông A, xã Đạ Ròn, tiếp cận hiện trường, một chiếc máy xúc hiệu Zaxis 200 đang gầm rú, hoạt động hết công suất múc từng gầu đất lớn đổ lên chiếc xe tải đang chờ sẵn.

Xe tải ben chở đất ra khỏi hiện trường khi có lực lượng chức năng tới kiểm tra.

Xe tải ben chở đất ra khỏi hiện trường khi có lực lượng chức năng tới kiểm tra.

Sau khi "ăn" đầy đất, xe tải ben rời khỏi hiện trường. Ngay sau đó, một chiếc xe tải khác lùi đuôi xe vào gần máy xúc đất tiếp tục chờ múc đất lên xe. Công việc thuần thục như được lập trình sẵn.

Ông N. V. T. (thôn Suối Thông B, xã Đạ Ròn) cho biết, quả đồi này đã được khai thác hơn 1 năm nay. Hàng ngày, có gần chục chiếc xe tải vào chở đất đi đâu không biết. Chiếc nào cũng chở đầy nhóc, hỏng hết cả đường, bụi bặm, nguy cơ về tai nạn giao thông cho các cháu nhỏ đi học.

Đoàn kiểm tra của UBND xã Đạ Ròn tới hiện trường.

Đoàn kiểm tra của UBND xã Đạ Ròn tới hiện trường.

Theo thông tin từ người dân địa phương cho biết, địa điểm khai thác đất lậu này là của Cửa hàng vật liệu xây dựng Sơn Hạnh có địa chỉ tại xã Đạ Ròn.

Sau khi PV xuất hiện tại hiện trường để ghi hình, một người tên Sơn tự nhận là chủ của cửa hàng vật liệu xây dựng Sơn Hạnh cho biết, ông được huyện cấp giấy phép san lấp tại chỗ trên diện tích hơn 4000 m2 đất, hoạt động hơn 1 năm, gần đây mỗi ngày chạy ra ngoài 4 đến 5 chuyến. Giá bán ra người dân là từ 400.000 đến 600.000 đồng/ 1 xe tùy xa gần.

Trước tình hình trên, PV đã liên hệ đến Chủ tịch UBND xã Đạ Ròn để phản ánh sự việc. “Tôi sẽ cho người xuống kiểm tra và xử lý ngay” - Vị lãnh đạo này trả lời PV.

Sau khoảng 20 phút chờ đợi tại hiện trường, các cán bộ UBND xã Đạ Ròn đến gồm 1 cán bộ địa chính, 1 Công an xã và một cán bộ UBND xã Đạ Ròn. Tuy nhiên, chỉ thấy cán bộ địa chính lên chụp hình xong rồi rời đi, cũng không thấy lập biên bản ghi nhận hiện trường …

Từng đoàn xe tải ben chở đất chạy ngổn ngang trên đường liên xã Tu Tra, huyện Đơn Dương.

Từng đoàn xe tải ben chở đất chạy ngổn ngang trên đường liên xã Tu Tra, huyện Đơn Dương.

Điều đáng nói, khi các cán bộ UBND xã Đạ Ròn vào kiểm tra, chiếc xe ben chở đất vội vã di chuyển ra khỏi hiện trường, trước sự chứng kiến của PV và cán bộ xã, tại hiện trường còn lại chiếc máy xúc đứng trơ trọi.

Lý giải với PV về cách xử lý này ông Lê Đức Tiến – Chủ tịch UBND xã Đạ Ròn cho biết: “Đã nắm bắt tình hình và sẽ gọi họ lên làm việc sau”. Khi PV hỏi khi nào mới xử lý được thì vị lãnh đạo này trả lời: “Qua tuần mới cho xử lý tại bây giờ công việc đang rất là nhiều”.

Xe tải ben đang chờ ăn đất để đi tiêu thụ.

Xe tải ben đang chờ ăn đất để đi tiêu thụ.

Cùng thời điểm trên, Tại xã Tu Tra thuộc huyện Đơn Dương, nhóm PV tiếp tục ghi nhận hàng loạt điểm khai thác đất lậu đem đi san lấp mặt bằng trong địa bàn xã, điểm chung dễ dàng nhận thấy là “binh đoàn” xe tải ben này hoạt động chở đất lậu di chuyển như “trẩy hội”… mà không gặp bất kỳ 1 trở ngại nào từ lực lượng chức năng, cơ quan chức năng?!

Sau khi ghi nhận tình hình thực tế, PV phản ánh sự việc đến Trưởng phòng Tài Nguyên & Môi Trường huyện Đơn Dương, vị lãnh đạo này nói sẽ cho kiểm tra và xử lý.

Ngọn đồi bị đục khoét nham nhở do khai thác đất trái phép.
Ngọn đồi bị đục khoét nham nhở do khai thác đất trái phép.

Ở 1 diễn biến khác, sau khi phản ánh sự việc đến lãnh đạo huyện Đơn Dương, tất cả các hoạt động đồng loạt “dừng lại” từng đoàn xe tải ben xếp hàng đậu ngổn ngang trên các tuyến đường thuộc xã Tu Tra?!

Tuy nhiên, Tại hiện trường địa điểm khai thác đất lậu, mặc dù PV đợi hơn 1 tiếng đồng hồ vẫn không hề có bóng dáng cơ quan chức năng vào kiểm tra và xử lý?!

Đoàn xe tải ben chở đất đồng loạt dừng hoạt động sau khi PV phản ánh đến chính quyền địa phương.

Đoàn xe tải ben chở đất đồng loạt dừng hoạt động sau khi PV phản ánh đến chính quyền địa phương.

Liên quan đến tình trạng này, một người dân địa phương cho biết: “Trước giờ nó vẫn chạy ngang nhiên thế mà có ai làm gì đâu, bụi bay mù mịt, dân chúng tôi biết kêu ai bây giờ”.

Bên cạnh hành vi khai thác đất trái phép trên địa bàn, việc xe ben vận chuyển đất mang đi tiêu thụ đã làm hư hỏng, xuống cấp những tuyến đường nông thôn, người dân hàng ngày phải gánh chịu ô nhiễm môi trường bụi bặm… Những trẻ em hàng ngày phải chịu hậu quả nghiêm trọng đe dọa đến tính mạng, sức khỏe mà hệ lụy mang lại từ việc khai thác “đất lậu”.

Mỗi khi xe chở đất đi qua làm bụi mịt mù cả tuyến đường liên xã.

Mỗi khi xe chở đất đi qua làm bụi mịt mù cả tuyến đường liên xã.

Được biết những vị trí, địa điểm khai thác đất đã bị lập biên bản và xử lý nhiều lần, nhưng bằng một cách nào đó vẫn tồn tại và hoạt động. Không lẽ để ngăn chặn và dẹp bỏ những điểm khai thác đất này lại đang làm khó chính quyền địa phương nơi đây?

Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép nói chung và khai thác đất lậu nói riêng đang xảy ra trên địa bàn huyện Đơn Dương không chỉ gây thất thu ngân sách nhà nước, thất thoát tài nguyên khoáng sản, kéo theo nhiều hệ lụy về môi trường, an ninh trật tự mà còn cho thấy năng lực quản lý của địa phương này đang có vấn đề!

Khoa học & Đời sống sẽ tiếp tục thông tin...


NGHỊ ĐỊNH SỐ 36/2020/NĐ-CP

QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC TÀI NGUYÊN NƯỚC VÀ KHOÁNG SẢN

Điều 43. Vi phạm quy định về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không phải đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản

1. Đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích đất thuộc quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân mà không sử dụng để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đó thì xử phạt như sau:

a) Phạt cảnh cáo đối với trường hợp sử dụng khoáng sản sau khai thác để cho, tặng người khác;

b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với trường hợp đem bán khoáng sản sau khai thác cho tổ chức, cá nhân khác.

2. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi không đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có khoáng sản khai thác đối với hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong phạm vi diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng công trình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư mà sản phẩm khai thác được sử dụng cho xây dựng công trình đó; thu hồi cát, sỏi từ các dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch nhưng không đăng ký khối lượng nạo vét, khối lượng cát có thể thu hồi với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có hoạt động nạo vét, khơi thông luồng lạch.

3. Phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong phạm vi diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng công trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư nhưng sản phẩm khai thác không sử dụng để xây dựng công trình đó mà chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép khai thác, cụ thể như sau:

a) Từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với trường hợp khoáng sản sau khai thác đem sử dụng cho tổ chức, cá nhân khác; cho dự án, công trình khác;

b) Từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với trường hợp khoáng sản sau khai thác đem bán cho tổ chức, cá nhân khác.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp lĩnh vực khoáng sản có được do thực hiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này.


Theo Đời sống
back to top