Nguy hại bấm lỗ tai khi còn quá nhỏ
Chị Lê Hoa (24 tuổi, quận 7, TP HCM) sau khi sinh con ở Bệnh viện Từ Dũ, các y tá giới thiệu các sản phụ dịch vụ bấm lỗ tai khi con chỉ mới được 1-2 ngày tuổi và chị áp dụng. Đến ngày đầy tháng, chị đeo bông tai cho con. Hai hôm sau, tai bé có biểu hiện sưng tấy đỏ, sau đó chảy mủ, có mùi hôi nặng. Tại bệnh viện, con chị Hoa đã được các bác sĩ đã làm vệ sinh tại vùng nhiễm trùng, dùng kháng sinh dạng chích và theo dõi nhiễm trùng huyết.
Trước đó, ở Tiền Giang, một bé gái 15 ngày tuổi đã phải nhập viện vì tình trạng sốt cao, mệt lả, không bú mẹ, mang tai có biểu hiện tấy đỏ, chảy mủ… Sau khi thăm khám, các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang chẩn đoán bệnh nhi bị viêm mô tế bào vùng quanh 2 bên lỗ tai, có nguy cơ bị nhiễm trùng huyết nặng do bấm lỗ tai.
BS Hoàng Xuân Đại, nguyên cán bộ cao cấp Bộ Y tế cho biết, ở trẻ em càng nhỏ thì sức đề kháng càng kém. Trẻ bú sữa mẹ thì sức đề kháng phụ thuộc hoàn toàn vào mẹ. Trong khi các cơ quan trong cơ thể vẫn chưa phát triển hoàn thiện, hệ miễn dịch lại quá yếu, chưa đủ để ứng phó với những vết thương kiểu như bấm lỗ tai.
Việc vệ sinh, tắm rửa, rồi điều kiện sống, môi trường… đều là những sát thủ rình rập các vết thương của trẻ. Việc bấm lỗ tai quá sớm sẽ dẫn đến những hệ lụy như nhiễm trùng, nặng nhất là nhiễm trùng huyết có thể dẫn đến tử vong do vi khuẩn xâm nhập qua vết thương, đi vào máu gây sốt cao và tạo nhiều ổ viêm trong cơ thể.
“Trẻ ở độ tuổi khoảng 8-10 tuổi trở lên mới có ý thức về việc tự giữ gìn vệ sinh, đồng thời hệ miễn dịch lúc này mới phát triển hoàn thiện, khi đó mới nên cân nhắc có bấm lỗ tai cho trẻ hay không”, BS Hoàng Xuân Đại cho biết.
Bà Nguyễn Hồng Thủy, Viện thẩm mỹ Hà Nội cho rằng, cũng có những người bấm lỗ tai cho trẻ từ sớm mà không gặp vấn đề gì, nhưng cũng có những trường hợp bị nhiễm trùng. Do đó, nếu cha mẹ không thể đảm bảo được điều kiện vệ sinh tối ưu nhất cho trẻ thì không nên cho trẻ bấm lỗ tai sớm.
Trẻ em không có nhu cầu làm đẹp
Không chỉ bấm lỗ tai, nhiều cha mẹ cho trẻ nhuộm, uốn tóc, sơn móng chân, tay, dùng son, thậm chí là kẻ lông mày, chuốt mi… Theo BS Hoàng Xuân Đại, điều này là rất không nên vì tất cả các sản phẩm này đều chứa những thành phần hóa chất có thể gây dị ứng cho trẻ.
Nhiều trường hợp trẻ có thể dị ứng bất cứ thành phần nào trong thực phẩm như thịt gà, tôm, cua, nhộng… hay dị ứng hoa, cao su, mỹ phẩm, kem dưỡng da… Do trẻ chưa có hệ miễn dịch hoàn thiện, sức đề kháng yếu nên những hóa chất này dễ dàng xâm nhập vào cơ thể, tạo ra những tác động xấu cho sức khỏe. Đặc biệt là thuốc nhuộm tóc, uốn, duỗi tóc… là những loại hóa chất rất độc đối với cơ thể.
Bà Nguyễn Hồng Thủy cho rằng, đa phần trẻ em là chưa có ý thức về làm đẹp. Bố mẹ làm đẹp cho con, thực chất là để làm đẹp cho bố mẹ, để thỏa mãn sự ngắm nhìn của bố mẹ là chính. Khi trẻ không có nhu cầu làm đẹp thì đừng bắt chúng phải thực hiện theo sở thích của mình. Đó là chưa kể đến những tác hại của các loại hóa chất có trong các sản phẩm làm đẹp.
Về cơ bản, da trẻ rất đẹp, mịn màng, không cần phải dùng mỹ phẩm để dưỡng. Tóc, móng… trẻ cũng còn rất non, yếu, tiếp xúc với hóa chất rất dễ “ngấm”, không tốt cho trẻ khi chúng chưa có ý thức về việc giữ gìn vệ sinh, có khi ngậm móng tay vào miệng…
“Trẻ em có sức đề kháng với hóa chất rất kém. Tiếp xúc với các loại hóa chất này vô hình làm hại trẻ, tác động xấu nhiều mặt”, BS Hoàng Xuân Đại cho biết.
Theo các chuyên gia, sơn móng tay móng chân, uốn tóc, làm xoăn, nhuộm tóc, sử dụng mỹ phẩm… khiến làn da, mái tóc, móng tay móng chân vốn non nớt của trẻ bị hư hỏng. Về lâu dài trẻ có nguy cơ mắc các bệnh về da, nội tiết vì tiếp xúc hóa chất quá sớm