Ông Nguyễn Túc
Đồng tiền biến người thành sâu mọt
Chủ tịch UBND xã Quảng Yên (Thanh Hóa) vừa bị kỷ luật cảnh cáo vì trực tiếp điện thoại cho dân “đòi” 3 triệu đồng để lo lót làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ bão lũ. Rồi chuyện cán bộ xã trục lợi tiền chính sách, bảo hiểm y tế… cũng xảy ra liên tục. Vì đâu mà có những cán bộ xã tha hóa như thế thưa ông?
Tôi cũng đang ngồi đọc về vụ việc 13 người chết vì tai nạn giao thông thương tâm mà có những người nỡ giả vờ nhận là người thân để nhận tiền thăm hỏi, phóng viếng. Tôi thấy đau lòng ghê gớm. Con người ta đang thoát hóa ghê gớm. Chưa nói gì đến cán bộ đảng viên. Phát triển kinh tế thị trường nhiều thành phần là tốt, nhưng nếu không giáo dục, để phẩm chất con người ngày càng biến chất thì chết. Xã hội mà như thế thì thật kinh khủng.
Sự tha hóa này liên quan gì đến câu chuyện vĩ mô là phát triển kinh tế thị trường ạ?
Ngay từ Nghị quyết 07 năm 1993 của Đảng về đoàn kết dân tộc, cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã trăn trở nhắc đi nhắc lại rằng, không phát triển kinh tế thị trường nhiều thành phần không được, nhưng lo nhất là con người bị thoái hóa. Khi có tiền, lại gắn với quyền lực, thì dễ tha hóa. Rồi sự cấu kết của những chủ doanh nghiệp mà về bản chất giống như tư bản với những người có quyền lực thì lại càng làm thoa hóa quyền lực. Nếu cứ như thế thì không biết đất nước sẽ đi đến đâu. Điều lo lắng ấy ngày càng trở nên đúng. Con người ta đang ngày càng tha hóa vì sức mạnh của đồng tiền.
Con người có quyền lực càng dễ tha hóa?
Sau đổi mới, đến Đại hội Đảng lần thứ 7 chúng ta có nêu một số cán bộ đảng viên thoái hóa biến chất. Đến Đại hội 8 thì nêu là “một bộ phận cán bộ đảng viên thoái hóa, biến chất”. Đến đại hội 9 thì ghi rõ “một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên thoái hóa, biến chất”. Đến Đại hội 12, vẫn là “một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên thoái hóa, biến chất”. Nói như thế để thấy kinh tế thị trường tác động mạnh mẽ đến công tác cán bộ. Chủ trương phát triển kinh tế thị trường là đúng nhưng quản lý Nhà nước vừa rồi không theo kịp với tốc độ phát triển kinh tế.
Nhưng đâu phải trong cơ chế ấy, ai cũng tha hóa?
Đúng thế. Sự tha hóa ấy cũng thể hiện công tác tư tưởng, giáo dục đối với người dân, cán bộ đảng viên không đáp ứng được yêu cầu. Đồng tiền làm cho con người ta nếu không được giáo dục tốt sẽ trở thành sâu mọt của xã hội. Như ông chủ tịch xã “đòi” 3 triệu đồng kia, thì nó không còn là phẩm chất của một con người nữa, nói gì là cán bộ. Dân đang gặp khó khăn, mất hết cả tài sản mà lại làm như thế thì còn gì mà bình luận nữa.
Có lợi thì cán bộ hưởng trước
Theo ông thì nguyên nhân nào dẫn đến sự tha hóa của một số cán bộ như vậy?
Đó là do bản thân họ không xác định được mình là công bộc của dân, người phục vụ dân. Nên cái gì có lợi cho mình là họ hưởng trước. Buồn là ở chỗ đấy. Bởi thế mà lòng tin của người dân vào cán bộ mới giảm sút. Trong khi đúng ra, làm cán bộ phải thực sự là công bộc của dân, chịu khổ trước dân. Chứ cứ cái gì lợi là chiếm trước thì không ổn. Trước đây, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” ý nói là cán bộ đảng viên phải chịu những khó khăn, thiệt thòi vì dân.
Điều này là do cán bộ nhận thức chưa đúng hoặc chưa đủ trình độ nhận thức?
Có nhiều lý do khác nhau. Tư tưởng Hồ Chí Minh phải được giáo dục cụ thể chứ khoog nói suông. Chưa bao giờ cán bộ cao cấp lại bị xử lý nhiều như bây giờ. Chuyện cán bộ cơ sở thoái hóa, biến chất, có lẽ cũng một phần vì họ “noi gương” cán bộ xấu. Vừa rồi tôi đọc thông tin có đến 566 trường hợp là thương binh giả ở Nghệ An. Nghĩa là làm giả hồ sơ chính sách để nhận chế độ. Thực sự là rất lo lắng về sự thoái hóa, biến chất của cán bộ.
Thực ra đó cũng chỉ là số ít?
Cũng may là số cán bộ xấu không phổ biến, chỉ như những “con sâu làm rầu nồi canh” mà thôi. Vẫn còn rất nhiều người tốt, ngày đêm gian khổ hy sinh vì đất nước. Nhưng nghe nói đến những “con sâu” này thì vẫn cảm thấy rất buồn phiền.
Phải làm cho phần tử xấu không dám ngóc đầu
Liệu có cách nào để đào tạo cán bộ không bị thoái hóa?
Đó là phải chỉnh đốn Đảng. Chống tham nhũng nếu làm thật mạnh thì sẽ không có đường cho phần tử xấu ngóc đầu dậy. Đảng phải tự kiểm điểm mình với những trường hợp vi phạm. Xử lý đến nơi đến chốn, tránh “dĩ hòa vi quý”, nể nang nhau thì những người khác sẽ cảm thấy sợ mà không dám vi phạm. Xây dựng Đảng là then chốt, văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, nhưng phải làm đến nơi đến chốn. Chủ trương đúng phải có giải pháp đúng và quyết tâm cao độ. Không được làm nửa vời, làm cho có.
Nghĩa là với những trường hợp vi phạm phải xử lý thật nặng?
Chỉ cần làm đúng thôi là được rồi, nhưng làm triệt để, ai sai, chỗ nào sai cũng phải xử lý. Chống tham nhũng như thời gian vừa rồi thì anh nào nhúng chàm chắc chắn sẽ lo ngay ngáy, ai chưa bị phát hiện lại càng lo. Chỉ có người chưa vi phạm, không vi phạm gì thì yên tâm xác định rằng mình không nên vi phạm.
Có phải thời xưa, cán bộ ngày xưa ít vi phạm, hách dịch hơn bây giờ?
Ngày xưa cán bộ cơ sở khổ lắm. Người ta vẫn có câu cán bộ cơ sở/thở không ra hơi/bơi không hết việc/liếc không hết công văn… Dần dần cơ chế thị trường mới làm cho con người bị tha hóa bởi mối quan hệ tiền tệ, quyền lực chi phối. Đến giờ, để đào tạo ra cán bộ liêm chính, tận túy, có lẽ phải cho cán bộ cơ sở có điều kiện được rèn luyện, thử thách tốt hơn nữa. Có cơ chế kiểm soát công việc, kiểm soát quyền lực chặt chẽ hơn nữa.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Ngày 31/7, ông Trịnh Thăng Sự, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Huyện ủy Quảng Xương (Thanh Hóa), cho biết cơ quan này vừa quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với ông Lê Quang Kỳ, Chủ tịch UBND xã Quảng Yên. Ông Kỳ bị cáo buộc đã đòi phí “lót tay” khi chi trả tiền bão lũ cho người dân. Trước đó, người dân xã Quảng Yên phản ánh, đợt mưa lũ vào tháng 10/2017 đã khiến hàng chục hộ nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt bị thiệt hại lớn. Theo thống kê, gần 100 hộ dân tại địa phương này sẽ được nhận số tiền 248,3 triệu đồng tiền hỗ trợ bão lũ. Đến ngày 14/3, UBND xã Quảng Yên tiếp nhận ngân sách và tổ chức chi trả cho người dân số tiền đợt 1 là 137 triệu đồng. Một tuần sau, chính quyền xã chi trả số tiền đợt 2 là 90,4 triệu đồng. Còn 20 triệu đồng từ nguồn ngân sách dự phòng được trả sau vì xã không đủ điều kiện. Theo phản ánh, trong cả 2 đợt chi trả, ông Lê Quang Kỳ, Chủ tịch UBND xã Quảng Yên đã chỉ đạo cán bộ xã “xin lại” 10% tiền hỗ trợ của mỗi hộ dân để lo lót đi lại. Thậm chí, ông Kỳ còn gọi điện thoại cho một hộ dân bị thiệt hại nặng nề đề nghị phải đưa 3 triệu đồng để đi lo thủ tục. Người dân đã ghi âm lại việc làm này của Chủ tịch xã và làm đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng.
Tô Hội (thực hiện)