2 ngày, 6 trận động đất
Liên tiếp những ngày qua, vùng núi Bắc Trà (Quảng Nam) tái xuất hiện nhiều trận động đất gây dư chấn rung lắc. Chỉ riêng tối 30/5 xảy ra 2 trận động đất làm rung lắc nhà cửa, vật kiến trúc khá mạnh. Theo đó, vào khoảng 21h9, ngày 30/5, một trận động đất 3.1 độ Richter xảy ra tại vị trí có tọa độ (15.213 độ vĩ Bắc, 108.215 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 10.1km, động đất này xảy ra tại khu vực huyện Bắc Trà My. Trước đó, 18h44, ngày 30/5, một trận động đất có độ lớn 2.6 độ Richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1km xảy ra tại khu vực huyện Bắc Trà My.
Trong khi đó, tại khu vực huyện Kon Plông (Kon Tum) giáp ranh với khu vực Trà My tại phía nam, từ trưa 30/5 đến sáng sớm 31/5, Viện Vật lý Địa cầu ghi nhận và công bố liên tiếp 4 trận động đất, trong đó 1 trận cường độ lên đến 3,8 độ Richter. Trận động đất thứ nhất xảy ra lúc 11h15'19, độ lớn 3,8 độ Richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 10km. Trận động đất thứ 2 xảy ra lúc 16h53'13, độ lớn 3.1 độ Richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 10km. Trận động đất thứ 3 xảy ra vào hồi 18h53'13, độ lớn 3.1 độ Richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.3km. 3 trận động đất này xảy ra trong ngày 30/5. Trận động đất thứ 4 xảy ra vào lúc 5h8'32 ngày 31/5, độ lớn 2.6 độ Richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1km.
TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) xác nhận 6 trận động đất này và cho biết, trong chuỗi động đất, có những trận có tâm chấn chỉ khoảng 8km, khá nông nên người dân cảm nhận rõ. Đây là trận động đất lớn thứ hai trong chuỗi động đất xảy ra liên tiếp tại huyện Kon Plông từ đầu tháng 4/2021 đến nay, tiếp ngay sau các trận động đất có độ lớn 3,9 vào ngày 21/5 và độ lớn 3,3 vào ngày 23/5.
Cần quan tâm đến kháng chấn khi xây dựng
Đặc biệt, theo thống kê của Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần thuộc Viện Vật lý địa cầu, các trận động đất tại Kon Plông thời gian gần đây xảy ra với tần suất ngày càng nhiều và độ lớn ngày càng cao. Từ ngày 21/4 đến nay, động đất tiếp tục xảy ra tại huyện Kon Plông với ít nhất 10 trận có độ lớn trên 2,5 được Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần ghi nhận. Trong đó, trận động đất có độ lớn 3,9 xảy ra vào sáng 21/5 là mạnh nhất, xảy ra tiếp ngay sau trận động đất có độ lớn 3,5 cũng tại khu vực này vào chiều 20/5.
Viện Vật lý địa cầu đã cử cán bộ đến khu vực này để thiết lập thêm một trạm quan trắc nhằm tìm hiểu rõ hơn và cảnh báo kịp thời các hiện tượng địa chất nguy hiểm xảy ra nếu có. Theo TS Nguyễn Xuân Anh, khu vực tỉnh Kon Tum nói chung và huyện Kon Plông nói riêng thuộc đới đứt gãy nhỏ. Các nghiên cứu trước chỉ ra rằng, các trận động đất tại khu vực này có độ lớn không quá 5,0.
Viện Vật lý Địa cầu đã và đang cử cán bộ theo dõi chặt chẽ các trận động đất tại khu vực này. Các cán bộ thuộc Viện đang xử lý số liệu các trận động đất tại huyện Kon Plông và tiếp tục theo dõi thêm để có thể đưa ra kết luận chính xác nhất về nguyên nhân và ảnh hưởng của các trận động đất này.
TS Nguyễn Xuân Anh khuyến cáo, người dân và chính quyền khu vực này cần quan tâm đến các yếu tố kháng chấn trong xây dựng; các cấp chính quyền cần thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân các biện pháp phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra động đất mạnh.
PGS.TS Cao Đình Triều, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Địa vật lý Việt Nam cho biết, đây là một dạng của động đất kích thích. Động đất kích thích là dạng động đất xuất hiện tại hồ chứa đập thủy điện. Sau khi tích nước một thời gian dài, mạch nước ngấm xuống lòng đất gặp các đới đứt gãy sẽ gây ra biến đổi ứng suất, tạo dư chấn. Không thể dự báo được khi nào động đất sẽ kết thúc, nó có thể kéo dài đến vài năm. Do vậy, người dân cần cẩn trọng trong các hoạt động xây dựng.