Lạ đời ở Việt Nam: Thừa điện gió, điện mặt trời… thiếu điện dân sinh

Doanh nghiệp điện (ngoài EVN) đã hoàn thành đầu tư, nhưng đang vướng và phải hoàn tất thủ tục pháp lý.

Trao đổi với PV Khoa học và Đời sống , Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chu Hồi, Ủy viên Hội đồng Trung ương Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, đúng là thực tế, ngành điện đang đối mặt với nghịch lý: thừa điện gió, điện mặt trời, thiếu điện dân sinh, trong khi vẫn phải bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Doanh nghiệp điện (ngoài EVN) đã hoàn thành đầu tư, nhưng đang vướng và phải hoàn tất thủ tục pháp lý.

Đối với các tỉnh biên giới, EVN - cơ quan được độc quyền trong mua bán điện, đã mua một lượng điện nhỏ của mấy nước láng giềng Trung Quốc và Lào. Đây là cách để bảo đảm nhu cầu và an ninh năng lượng điện ở các vùng sâu, vùng xa - nơi đầu tư lưới điện còn khó khăn và tốn kém hơn.

Tuy nhiên, doanh nghiệp và công luận vẫn mong chờ một giải pháp căn cơ, kịp thời, hiệu quả để xử lý dứt điểm nghịch lý thực tế nói trên. Đặc biệt, tránh gây lãng phí nguồn lực quốc gia, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp điện và tránh ngành điện “độc quyền” trong xử lý một vấn đề đất nước cần, dân trông đợi.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Vấn đề điện đang được cả nước quan tâm, người dân chờ đợi và các nhà đầu tư tìm cơ hội. Mục tiêu phát triển bền vững đất nước và cam kết phát thải ròng bằng zero của Chính phủ cũng đặt ra cả cơ hội và thách thức cho ngành điện nước ta tái cơ cấu lại. Nhưng xuất phát từ một ngành điện phụ thuộc vào than và thuỷ điện, giờ phải ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo. Bài học vừa qua cho thấy chúng ta vướng từ tầm nhìn, quy hoạch và kiểm soát của Nhà nước. Rồi vướng cả về xây dựng hệ thống chuyển tải các dự án điện gió, điện mặt trời đã xây dựng vừa qua và vướng cả về cơ chế cạnh tranh... Cho nên, những nỗ lực nói trên của các bộ ngành cần được ghi nhận, khuyến khích để sớm cùng nhau khắc phục hậu quả thời gian qua.

Bên cạnh thực hiện chiến lược điện VIII, cần ưu tiên giải quyết dứt điểm các tồn đọng nói trên để không lãng phí nguồn lực và đóng góp của doanh nghiệp, lấy lại niềm tin về công tác điều hành của Nhà nước trong lĩnh vực này. Doanh nghiệp và Nhà nước cùng đồng hành để tháo gỡ khó khăn đòi hỏi các bên đều phải có thiện chí thì các chủ trương của ngành và Chính phủ mới có hiệu lực, hiệu quả..../.

Theo Đời sống
back to top