Kỹ thuật ECMO hồi sinh sự sống
Sản phụ thai đôi (28 tuổi, Phổ Khánh, Đức Phổ, Quảng Ngãi) được đưa đến Trung tâm Hồi sức Covid-19 Trung ương của Bệnh viện T.Ư Thái Nguyên tại Long An trong tình trạng bị suy hô hấp, nhiễm SARS-CoV-2 mức độ nguy kịch sau phẫu thuật lấy thai ngày thứ nhất. Hình ảnh chụp X-quang cho thấy tổn thương đông đặc phổi 2 bên và được chẩn đoán Covid-19 biến chứng ARDS (Hội chứng suy hô hấp cấp tính), xảy ra khi phổi của người bệnh bị tổn thương nghiêm trọng do các cuộc tấn công của virus, gây tích tụ dịch trong túi khí, cản trở oxy vào máu và các phần còn lại của cơ thể, dẫn đến tình trạng suy hô hấp và thậm chí là tử vong nếu bệnh nhân không được cứu chữa kịp thời.
Thực hiện kỹ thuật ECMO cứu sống người bệnh. |
Do đó, ngay sau khi nhập viện, người bệnh được hồi sức tích cực, sử dụng thuốc an thần liều cao, lọc máu liên tục, kết hợp lọc máu hấp phụ và được chăm sóc cấp 1. Tuy nhiên, sau 5 ngày điều trị, tình trạng suy hô hấp vẫn tiến triển rất nặng. Ngày 27/8, các bác sĩ tại Trung tâm đã hội chẩn và quyết định can thiệp ECMO với hy vọng cứu sống bệnh nhân.
BS Hoàng Văn Thọ, thành viên kíp hồi sức thực hiện kỹ thuật ECMO chia sẻ: Trong suốt quá trình thực hiện kỹ thuật này, mỗi thành viên trong kíp đã phải tập trung cao độ vì từng giây, từng phút đều rất quý giá với người bệnh. Và sau gần 3 giờ đồng hồ, hệ thống ECMO đã được thực hiện thành công. Đây là kỹ thuật cao nhất của chuyên ngành hồi sức, giúp thay thế chức năng tim phổi, đưa oxy trực tiếp vào máu để giúp duy trì sự sống của người bệnh. Sau hơn 2 ngày được can thiệp ECMO, người bệnh đang được theo dõi, đánh giá liên tục và sử dụng phối hợp các biện pháp hồi sức tích cực với kỹ thuật ECMO.
Bóp bóng xuyên cứu sản phụ
Mới đi vào hoạt động được 3 tuần nhưng Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã lập được kỳ tích khi cứu sống phụ nữ mang thai mắc Covid-19 nặng.
Xuyên đêm cứu chữa cho sản phụ. |
Thai phụ mắc Covid-19 là một trong số những chủ nhà trọ sống rất nhân hậu. Thành phố giãn cách, sinh viên không thể về nhà, chị quyết định không thu phí nhà trọ, cung cấp các bữa ăn miễn phí. Rất tiếc, một em sinh viên sống tại nhà trọ mắc Covid-19 và lây sang chị. Chị bị trở nặng và nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Thai nhi 29 tuần đã vĩnh viễn không thể chào đời.
“Sản phụ bị hội chứng ARDS, phổi đã bị hư hỏng nặng, phải đặt nội khí quản. Máy móc không có tác dụng, các điều dưỡng ngày đêm ngồi bóp bóng. Chúng tôi bàn với các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương các phương án tối ưu nhất để cứu ca này. Lúc đó, chỉ nghĩ cứu nhân đạo là chính, vì ai nấy cũng đều không dám nói ra sự vô vọng có thật”, PGS.TS.BS Lê Minh Khôi, Trưởng phòng Khoa học và Đào tạo Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực cho hay.
Các bác sĩ hối hả giữa đêm, hội chẩn liên tục để níu chút hy vọng mong manh. Rất may sau đó, các chức năng sống dần dần hồi phục. “Đó có lẽ là phúc rất lớn của một người phụ nữ sống rất có tâm đức. Chúng tôi đã nghĩ cô ấy không thể qua khỏi. Đây là kỳ tích đầu tiên chúng tôi lập được”, PGS.TS.BS Lê Minh Khôi chia sẻ.
Sự hồi phục kỳ diệu. |
Điều truyền cảm hứng tích cực cho đội ngũ ngày đêm chiến đấu trong phòng bệnh chính sự là sự hồi phục của các bệnh nhân, là những lá thư của các nhân viên y tế xin được cùng vào chiến tuyến điều trị. "Có nhiều em viết thư riêng cho tôi, sẵn sàng xin vào Trung tâm cho tới khi nơi đây chiến thắng trở về. Có những em ở tận địa phương xa xôi, sẵn sàng xin nghỉ không lương để lên đường. Tinh thần ấy như doping đối với những người tuyến đầu cho chúng tôi", PGS.TS.BS Lê Minh Khôi bộc bạch.