Ngược dòng lịch sử, vào tháng 8/1916, vua Khải Định ngự giá đi Quảng Nam. Trên đường đi và về, nhà vua đã nghỉ lại Lăng Cô. Cảm nhận của ông về nơi này được ghi lại trong tấm bia của hành cung Tịnh Viêm (hành cung của vua nằm bên vịnh Lăng Cô) và được học giả Phan Thuận An dịch từ tiếng Hán sang tiếng Việt như sau:
“Vào tháng sáu mùa hè năm đầu Trẫm mới lên ngôi, nhân dịp đi tuần du trong tỉnh để xem xét phong tục, xe loan hướng về phía Nam, vượt qua sông núi, không đâu không nhìn ngắm kỹ, bỗng gặp được chốn này. Ở đây đất liền với núi Phú Gia, bãi cát giăng ngang, nước tiếp đại dương, sông chảy quanh quất. Núi non cao ngất ôm phía sau, đầm nước trải dài về phía trước. Phía Nam giáp với Hải Vân Quan, phía Bắc liền với cửa biển Cảnh Dương.
Thôn yên, đảo vắng, nơi nơi cây biếc ráng hồng; bãi hạc đầm le, thỉnh thoảng vọng tiếng tiều phu và nhịp chèo ngư phủ. Trông về núi thì thấy mây lạ bay lên từ hang hốc, như những nàng tiên múa ở non bồng; nhìn xuống nước thì gió trong xua sóng biển, như muôn ngựa chầu về. Bấy giờ mới dừng xe trông ra bốn phía, vui mắt nhìn xem, thấy nào là khí lành, nào là gió dịu, nào là cảnh vui, nào là vật đẹp. Đắm nhìn một hồi lâu, bất giác cả người mát rượi, sự nóng nực tan biến, lòng thấy hớn hở hẳn ra, và xúc cảnh sinh tình.
Đến ngày quay xe trở về, liền ban sắc bảo Bộ Công đến đó xây dựng hành cung, đặt tên là Hành cung Tịnh Viêm, để làm nơi hóng mát giữa mùa hè, thỉnh thoảng rước lưỡng cung về tránh nóng và ngắm xem phong cảnh. May mà được hai ngài ưa thích. Vậy thì hành cung này chẳng phải để riêng Trẫm vui thú lúc rảnh rang mà còn ghi chép để lưu lại về sau một nơi nghỉ mát và một thắng cảnh. Vì thế cho nên làm bài văn này để khắc vào bia đá".
Hơn 100 năm sau ghé thăm vịnh Lăng Cô và đọc lại những "lời có cánh" của vua Khải Định, vẫn thấy những nhận xét của vua thật chí tình, chí lý. Dù thời cuộc đã thay đổi, hành cung bên bờ vịnh chẳng còn, cái cảm giác "lòng thấy hớn hở hẳn ra..." vẫn vẹn nguyên như thuở nào…