Chị T.M và chồng là bạn học thời đại học, sau khoảng thời gian tìm hiểu, trò chuyện, cả hai tiến tới quan hệ yêu đương. Quê chị T.M ở thành phố Thái Nguyên, chồng chị là người thủ đô. Sau khi tốt nghiệp, cả hai đều chọn làm việc ở TP HCM. Công việc khá thuận lợi, hai người làm việc ổn định, dần dần có chỗ đứng ở công ty.
Đêm tân hôn bất ngờ
Đến năm thứ hai đi làm, chị T.M có thai ngoài ý muốn nên vợ chồng chị chỉ có thể cưới xin vội vã. Tuy vội nhưng vì lễ nghĩa, hai bên gia đình vẫn cố gắng tổ chức đám cưới hai nơi, đầy đủ nội ngoại.
Sau khi kết hôn, nghĩ đến tính ổn định, bố mẹ chồng chị T.M đã giúp hai vợ chồng chị mua một căn nhà cũ ở TP HCM. Theo lời bố mẹ chồng, có an cư thì mới lạc nghiệp, nếu hai vợ chồng chị đã quyết chí làm ăn trong miền Nam, ông bà cũng không ngăn cản.
Nói đến gia cảnh của hai bên, bố mẹ chị T.M là nhân viên văn phòng bình thường, còn bố chồng kinh doanh, mẹ chồng nội trợ nhưng luôn được bố cưng chiều, chị T.M và chồng đều là con một.
"Vào đêm tân hôn của hai vợ chồng, mẹ chồng gõ cửa trước khi chúng tôi đi nghỉ và đưa cho tôi một thẻ ngân hàng có 2 tỷ đồng. Khi thấy tôi sững sờ, bà nói: "Sau này con sinh con thì chăm lo cho bé cẩn thận". Tôi hiểu ngụ ý của bà, mẹ chồng tôi không muốn can dự vào cuộc sống của vợ chồng tôi, kể cả việc chăm sóc tôi sau khi sinh nở và chăm cháu", chị T.M nhớ lại.
Có lẽ với nhiều người, sự thờ ơ, lạnh nhạt của mẹ chồng sẽ khiến họ chạnh lòng, tủi thân đôi chút, nhưng chị T.M thì khác, chị thầm vui trong lòng và cảm ơn mẹ chồng đã rõ ràng ngay từ đầu.
"Thú thực, tôi không thích tiếp xúc nhiều với nhà chồng chút nào, tôi không muốn phải thân cận, lấy lòng mẹ chồng, cũng không thích phải gồng mình lên khiến mẹ chồng vui vẻ, hai bên giữ thể diện, mặt mũi cho nhau là được rồi. Chính vì thế, đối mặt với yêu cầu của mẹ chồng, tôi rất vui vẻ đồng ý. Tôi nghĩ, một khi mẹ chồng đã chủ động nói ra suy nghĩ trong lòng, tôi cũng sẽ thẳng thắn tiếp nhận. Dù mẹ chồng sau này không giúp tôi chăm sóc các con, tôi vẫn rất tôn trọng bà", chị T.M vui vẻ vì mẹ chồng rất thẳng thắn.
Ngưỡng mộ mẹ chồng
Sau 6 năm kết hôn, vợ chồng chị T.M vô cùng hạnh phúc. Không bị áp lực phải mua nhà ở thành phố nơi làm việc, thu nhập cũng khá ổn nên mấy năm nay quan hệ giữa vợ chồng chị không có nhiều thay đổi, chị nghĩ như vậy cũng tốt, cuộc sống êm đềm. Trong khoảng thời gian này, vợ chồng chị dần dần hình thành một số thói quen sinh hoạt bất thành văn.
Thứ nhất, mỗi dịp Tết đến xuân về, hai vợ chồng lại đưa con đến ở cùng bố mẹ chồng. Đến mùng hai, cả gia đình sang nhà bố mẹ chị T.M để chúc Tết.
Thứ hai, vào những dịp cuối tuần, nếu không có việc riêng, chị T.M và các con thường về nhà ngoại, nhưng khi mẹ chồng nói nhớ cháu, chị sẵn sàng cho các con đến ở cùng và vài tuần liên tục.
Thứ ba, thường xuyên gọi video với bố mẹ hai bên.
"Cứ như vậy, tôi nghĩ cuộc sống của mình khá hoàn hảo, mọi người đều có khao khát và thái độ của riêng mình khi đối mặt với cuộc sống. Nhưng đối với cá nhân tôi, tôi luôn duy trì một sự tỉnh táo nhất định, tôi cho rằng, con người phải có hiểu biết về bản thân và cảm giác hài lòng, biết chấp nhận sự không hoàn hảo của những người xung quanh. Đặc biệt là sau hơn mười năm lăn lộn trong xã hội, tâm lý của tôi đã dần ổn định, ít nhất bây giờ tôi không có kỳ vọng cao đối với bất cứ thứ gì, dù chuyện gì đến, tôi vẫn có thể sống một cuộc sống bình yên.
Tôi cảm thấy biết ơn và cũng ngưỡng mộ mẹ chồng vì từ lâu bà đã nhìn thấu mọi chuyện trên đời, bà sống theo phương châm thẳng thắn, rõ ràng, việc mình không giỏi thì không cố làm, thực sự đáng để tôi học tập, noi theo", chị T.M chia sẻ câu chuyện của mình với hi vọng mọi người sẽ có cái nhìn thoáng hơn về mối quan hệ nàng dâu - mẹ chồng.