Tăng trưởng cao trong 3 năm tới
Theo báo cáo về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam trong năm 2019 của World Bank (WB), kinh tế Việt Nam năm 2019 vẫn giữ được tăng trưởng ở hàng cao nhất trên thế giới, với tốc độ tăng trưởng GDP trên dưới 6,8%, cao gần gấp ba lần so với tốc độ bình quân của thế giới (2,6%), cao hơn 1,2% so với bình quân ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.
Dự báo của WB tương đương số liệu ADB và Chính phủ đưa ra gần đây. Tuần trước, ADB dự báo Việt Nam tăng trưởng 6,9% trong năm 2019. Báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10, Chính phủ cho biết nhiều khả năng GDP Việt Nam đạt trên 6,8%, trong khi mục tiêu đưa ra là 6,6-6,8%.
WB cho rằng, kết quả tăng trưởng vững vàng nêu trên có được là nhờ sự đóng góp của hai yếu tố chính, gồm tăng trưởng xuất khẩu và sức cầu trong nước của các doanh nghiệp, hộ gia đình.
Trong đó, xuất khẩu tăng khoảng 8,4% trong 9 tháng đầu năm 2019, tuy thấp hơn 15,8% so với mức cùng kỳ năm trước, nhưng cao gấp ba lần so với mức tăng bình quân toàn cầu.
Tuy nhiên, WB cho rằng tăng trưởng như vậy khó có thể kéo dài. Vì ít nhiều sự tăng trưởng này vẫn nhờ vào tình trạng chuyển hướng xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam do căng thẳng thương mại Trung - Mỹ. Thực chất, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường ngoài Mỹ đã tăng tới gần 28% trong 9 tháng đầu năm 2019, cao hơn trên 10 điểm phần trăm so với năm 2018.
Bên cạnh đó, tiêu dùng cá nhân của các hộ gia đình cũng là yếu tố ngày càng quan trọng đóng góp cho tăng trưởng GDP, khi tầng lớp trung lưu có mức sống trên 15 USD một ngày tăng thêm khoảng một triệu người mỗi năm. Nhu cầu của tầng lớp trung lưu đang trỗi dậy phần lớn được đáp ứng bằng hàng nhập khẩu, với kim ngạch nhập khẩu hàng tiêu dùng đã và đang tăng khoảng 15% mỗi năm kể từ năm 2015.
Nhờ đóng góp của xuất khẩu và sức cầu của khu vực tư nhân cho tăng trưởng GDP, Chính phủ có thể duy trì chính sách tài khóa và tiền tệ thận trọng, như giảm bội chi ngân sách 0,1% nhờ thu ngân sách cao hơn dự kiến, chi đầu tư được thực hiện với tốc độ chậm lại. Kết quả là tỷ lệ nợ công trên GDP (theo cách tính của Bộ Tài chính) dự kiến giảm từ 58,4% (2018) xuống còn 56,1% (2019).
Thặng dư cán cân thanh toán dự kiến vẫn được duy trì và dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng. Thặng dư tài khoản vãng lai giảm nhẹ từ 2,3% xuống 1,9% GDP. Trong khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được duy trì ở mức cao tương đương như hai năm trước, bình quân khoảng 3 tỷ USD mỗi tháng.
Theo WB, kinh tế Việt Nam vẫn giữ vững tăng trưởng, ở mức khoảng 6,5% trong 3 năm tiếp theo. Với tăng trưởng này trong những năm tới, triển vọng phát triển của kinh tế Việt Nam là rất tích cực.
Sẽ bị chi phối từ bên ngoài
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn miễn dịch với các cú sốc bên ngoài. Bằng chứng là tăng trưởng xuất khẩu đã giảm rõ rệt nếu nhìn vào các thị trường xuất khẩu ngoài Mỹ, chỉ tăng được 3,6% trong 11 tháng đầu năm 2019.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các cơ sở sản xuất kinh doanh mới cũng tăng chậm lại 30% so với hai năm trước đây, kể cả sau khi đã tính đến sự tăng trưởng trong đầu tư qua kênh mua bán sát nhập (M&A).
Rủi ro bất lợi từ các thị trường bất định trên toàn cầu có thể khiến cho tăng trưởng nhập khẩu suy giảm. Trong khi tăng trưởng xuất khẩu giảm nhanh hơn dự kiến có thể khiến cho nền kinh tế Việt Nam mất đi động lực tăng trưởng chính. Lúc đó Chính phủ có lẽ buộc phải triển khai các biện pháp kích cầu phù hợp nhằm duy trì tăng trưởng.
Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc WB Việt Nam, để gia tăng thêm động lực tăng trưởng, Chính phủ cần ưu tiên phát triển khu vực tư nhân vững mạnh và năng động. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang hoạt động ở thị trường trong nước đang phải đối mặt với những trở ngại lớn, hạn chế sự phát triển; trong đó, cụ thể nhất và rõ ràng nhất là khả năng tiếp cận tín dụng.
Khảo sát doanh nghiệp năm 2016 do WB thực hiện cho thấy cơ hội tiếp cận tài chính được nhận định là trở ngại nghiêm trọng nhất (của trên 22% các doanh nghiệp), tiếp theo là cạnh tranh phi chính thống (17%) và tiếp đó là trình độ của người lao động (10%).
“Xử lý những hạn chế về huy động tài chính cho doanh nghiệp cần nhận được sự quan tâm cao nhất của các nhà hoạch định chính sách nếu Việt Nam muốn tiếp tục quỹ đạo tăng trưởng nhanh và bao trùm hướng tới trở thành quốc gia thu nhập cao trong những thập kỷ tới” - ông Ousmane Dione khuyến nghị.
WB cho rằng Việt Nam cần phát triển và vận hành tốt các thị trường vốn, làm nền tảng cho sự thịnh vượng trong tương lai. Theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả ở khu vực Đông Á, thị trường cổ phiếu và trái phiếu hoạt động tốt có thể giúp huy động vốn cho sản xuất kinh doanh trong nước, bổ sung cho nguồn vốn vay từ hệ thống ngân hàng và đa dạng hóa các nguồn huy động vốn. Điều này góp phần nâng cao khả năng chống chịu của toàn bộ hệ thống tài chính nhờ đảm bảo thanh khoản sâu hơn và đa dạng hóa được rủi ro, ông Jacques Morriset cho biết.
Ông Alwaleed Fareed Alataba, chuyên gia trưởng Thị trường Tài chính Việt Nam của WB cho rằng: “Cần phát triển các thị trường vốn vận hành tốt, làm nền tảng cho sự thịnh vượng của Việt Nam trong tương lai. Theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả ở khu vực Đông Á, thị trường cổ phiếu và trái phiếu hoạt động tốt có thể giúp huy động vốn cho sản xuất kinh doanh trong nước, bổ sung cho nguồn vốn vay từ hệ thống ngân hàng và đa dạng hóa các nguồn huy động vốn. Điều này cũng góp phần nâng cao khả năng chống chịu của toàn bộ hệ thống tài chính nhờ đảm bảo thanh khoản sâu hơn và đa dạng hóa được rủi ro.