Không tự chế đồ chơi điện tử

Chỉ với một vài linh kiện mua được ngoài chợ có thể chế tạo thành những loại đồ chơi khá thú vị như robot, máy bay, du thuyền chạy bằng pin, chất liệu nổ, thậm chí là súng. Theo các chuyên gia, đồ chơi tự chế tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây sát thương, đặc biệt có hại cho trẻ nhỏ.

Suýt mù vì súng cồn hơi tự chế

Mới đấy, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM vừa thực hiện phẫu thuật lấy một viên đạn bằng bi ve bắn vào mắt bệnh nhi 3 tuổi do tai nạn súng cồn hơi tự chế. Bệnh nhi Y Khương Mlo, 3 tuổi, trú tại huyện Krông Buk, tỉnh Đắk Lắk được chuyển vào viện trong tình trạng hốc mắt phải sưng to, da rách nặng.

Trước đó, ngày 1/2/2017, người dượng của bé Y Khương Mlo đã mang súng cồn tự chế ra sân thử. Thấy bé Y Khương Mlo, người dượng đã chĩa súng vào bé ngắm thử với mục đích dọa đùa bé. Không ngờ, khi bóp cò, một viên đạn bi còn sót lại trong súng đã găm thẳng vào hốc mắt bé. Khẩu súng gây họa này được cha cháu bé tự chế theo hướng dẫn trên mạng.

Không tự chế đồ chơi điện tử ảnh 1

Tự chế đồ chơi điện tử rất nguy hiểm.

Công nghệ tự chế đồ chơi gần đây trở thành trào lưu của giới trẻ ưa mày mò, khám phá. Chỉ cần một từ khóa tìm kiếm, hàng nghìn kết quả sẽ hướng dẫn cách chi tiết chế tạo các loại đồ chơi từ du thuyền chạy pin đến robot, máy bay, xe kéo, chất liệu nổ, xe tăng… với những hướng dẫn chi tiết, cụ thể.

Thậm chí, ngay cả chiếc bật lửa cũng được chế thành đồ chơi, hay tạo khói bom bằng lon nước ngọt. Những quả bóng bàn được cắt nhỏ, cho vào những vỏ lon, sau đó dùng một đoạn dây pháo và châm lửa đốt sẽ tạo ra một lượng khói cực lớn, thậm chí khói pháo còn bắn tóe tung ra khắp khu vực xung quanh.

Có nên khuyến khích đồ chơi tự chế? Theo PGS.TS Trịnh Lê Hùng, khoa Hóa, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội, khi sản xuất đồ chơi, các hãng đã phải nghiên cứu rất kỹ tính an toàn của chúng cho người chơi. Việc sáng tạo ra đồ chơi có thể kích thích sự tò mò nhưng lại tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây tai nạn.

Khi làm đồ chơi, đa phần chỉ quan tâm đến kết quả của việc lắp ráp thế nào mà ít biết rằng chỉ với một cục pin được chế tạo sai cách có thể nổ gây sát thương, một chút phản ứng hóa học của các chất có thể gây bỏng, mù. Tự chế đồ chơi điện tử luôn tiềm ẩn những nguy cơ đe dọa an toàn của người chơi.

Nhiều người nhầm tưởng về đồ chơi thông minh cho trẻ. Đồ chơi thông minh không có nghĩa là phải thật hiện đại, thật đắt tiền và phải hoạt động bằng pin. Đơn giản, chơi búp bê, chơi đồ hàng… chính là những trò chơi kích thích trí tưởng tượng. Trò chơi với đất sét, tô tượng, xé giấy, vẽ tranh, tô màu… rèn luyện đôi tay khéo léo. Đồ chơi xây dựng, lắp ghép… giúp phát triển trí tuệ, sự vận động và tăng khả năng giao tiếp ở trẻ”.

TS Lê Anh Dũng

Làm đồ chơi sáng tạo an toàn

Theo TS Lê Anh Dũng, Công ty Đồ chơi và Thiết bị giáo dục Vietseed, có nhiều cách để tự làm đồ chơi sáng tạo nhưng cũng rất an toàn, không nhất thiết phải sử dụng các linh kiện điện tử như pin hay các hóa chất gây ra phản ứng có thể gây nguy hại cho sức khỏe.

Từ những tờ giấy, bìa, ống hút, que kem… đều có thể sáng tạo ra những đồ chơi an toàn. Chỉ cần lên mạng tìm hiểu sơ qua một chút về nghệ thuật gấp giấy là có thể tự gấp được rất nhiều con vật khác nhau, trẻ sẽ thấy thích thú sáng tạo để làm theo.

Hay tận dụng các loại ly nhựa hoặc ly giấy, dây dù, hạt nhựa nhiều màu, ống hút, màu vẽ để làm chuông gió, tận dụng các miếng gỗ bỏ đi là có bộ sản phẩm tự chế là những bộ đôi vịt, cá, bướm, cây xanh hay ngôi nhà… Một hộp đựng sữa nước, xốp màu, keo dán có thể tạo nên chú chim cánh cụt, một hộp đựng sữa chua, xốp màu, keo dán cho ra chú lợn con…

“Ngoài ra, trên thị trường cũng có nhiều loại đồ chơi an toàn cho trẻ với những chất liệu như gỗ, tre, nhựa dẻo… Khi mua đồ chơi cho trẻ, nên tìm hiểu từng loại đồ chơi phù hợp với từng lứa tuổi, nhất thiết không mua đồ chơi không rõ nguồn gốc, có những tính năng có thể gây sát thương cho người chơi. Nếu muốn hướng dẫn trẻ tự làm các thí nghiệm vật lý, hóa học thông qua sáng tạo đồ chơi thì nhất thiết phải có sự giám sát của người lớn”, TS Lê Anh Dũng cho biết.

Bảo Khánh

Theo Đời sống
back to top