Không để mắt tới đê điều sẽ rất nguy hiểm

Hệ thống đê điều vật liệu chủ yếu là đất, được xây dựng qua nhiều thời kỳ luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ngờ. Để sạt lở đê liên tục tiềm ẩn nguy hiểm rất lớn nếu lũ xảy ra.

Nhiều đoạn, tuyến đê sạt lở, sụt lún nghiêm trọng

Từ năm 2020 trở lại đây đã có ít nhất 4 đợt liên tiếp nhiều đoạn, tuyến đê trên địa bàn TP Hà Nội có hiện tượng sạt lở, sụt lún nghiêm trọng có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân.

Gần đây nhất là việc sạt lở có diễn biến phức tạp, uy hiếp an toàn các đoạn tuyến đê sông Đáy, sông Đà, sông Hồng.

Chỉ trong ngày 29/10/2021, UBND TP Hà Nội đã phải ban hành 4 văn bản công bố tình trạng khẩn cấp sạt lở. Hay như trong các tháng 5/2020, 6/2020, 8/2020, 11/2020 nhiều tuyến đê tại sông Đáy, sông Bùi, sông Hồng... cũng xuất hiện sự cố sạt lở phức tạp, nghiêm trọng.

Để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, an toàn công trình phòng, chống thiên tai, thành phố Hà Nội đã ban hành hàng chục lệnh khẩn cấp xây dựng công trình để ngăn chặn tình trạng sạt lở đê.

Tìm hiểu cho thấy, những năm qua TP Hà Nội đã phê duyệt đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho công tác đê điều.

Đơn cử, ngày 20/5/2021 UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định 2243/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo, sửa chữa kè Tản Hồng từ K13+900 đến K14+500 đê hữu Hồng, thuộc địa bàn các xã Tản Hồng, Châu Sơn (huyện Ba Vì, Hà Nội). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 21 tỷ đồng.

Tháng 5/2021, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1872/QĐ-UBND về phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo, sửa chữa sự cố sạt lở kè Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, tương ứng vị trí từ K117+039 đến K118+189 đê hữu Hồng, với tổng mức đầu tư khoảng 27,77 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 30/10/2018, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 5879/QĐ-UBND, chấp thuận danh mục dự án cải tạo, chống xuống cấp công trình đê điều, thủy lợi, trụ sở làm việc của các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo quyết định, có 29 công trình cải tạo, chống xuống cấp công trình đê điều với kinh phí đầu tư khoảng 113,616 tỷ đồng; 56 công trình cải tạo, sửa chữa, chống xuống cấp công trình thủy lợi với tổng mức đầu tư khoảng 400,175 tỷ đồng; 22 công trình cải tạo, sửa chữa công trình trụ sở làm việc với tổng mức đầu tư khoảng 50,759 tỷ đồng.

Không những thế, mới đây UBND TP Hà Nội cũng phê duyệt chủ trương đầu tư 5 dự án đê điều với tổng mức đầu tư khoảng 1.421 tỷ đồng.

Sạt lở bờ hữu sông Đà, đoạn thuộc địa phận xã Sơn Đà (huyện Ba Vì) sạt lở nghiêm trọng - Ảnh: Hà Nội mới.
Sạt lở bờ hữu sông Đà, đoạn thuộc địa phận xã Sơn Đà (huyện Ba Vì) sạt lở nghiêm trọng - Ảnh: Hà Nội mới.

Tiềm ẩn nguy hiểm rất lớn nếu lũ xảy ra

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, TS Đào Trọng Tứ, Trưởng ban Điều hành Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam cho rằng, hệ thống đê điều vật liệu chủ yếu là đất được xây dựng qua nhiều thời kỳ luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ngờ. Nhưng để sạt lở đê liên tục tiềm ẩn nguy hiểm rất lớn nếu lũ xảy ra.

Với các công trình đê điều đã hình thành, đang vận hành nhiều năm nay phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, cải tạo, củng cố vùng đê xung yếu. Hệ thống đê của Nhà nước đều có các đội quản lý đê điều của Trung ương, địa phương theo quy định.

Nói về công tác đầu tư, TS Đào Trọng Tứ nêu quan điểm, việc đầu tư cho hệ thống đê điều luôn nằm trong kế hoạch của địa phương dài hạn và ngắn hạn, nhưng phải đồng bộ. Đặc biệt, với các công trình đê điều dưới nước thì vốn đầu tư rất tốn kém.

Đồng quan điểm này, GS.TSKH Phạm Hồng Giang, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, Chủ tịch Hội Đập lớn cho biết, “tất cả các tuyến đê phải được giữ an toàn dù là mùa mưa hay mùa khô đều phải có biện pháp bảo vệ thích hợp. Đối với những vị trí xung yếu càng phải theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở. Hoạt động kiểm tra, giám sát đê điều đặc biệt là những khu vực xung yếu phải được cơ quan quản lý kiểm tra thường xuyên”.

“Đê đất nằm trong nước không thể nói khi làm đầu tư xong là ổn định ngay và lâu dài được. Nếu không thường xuyên kiểm tra, giám sát để mắt đến nó thì rất nguy hiểm, sẽ xảy ra sạt lở bất ngờ là chuyện bình thường. May là những năm gần đây Hà Nội không có lũ, có lũ là lôi thôi lắm” - TS Đào Trọng Tứ nhấn mạnh.

Theo Đời sống
back to top