Siêu văcxin ngừa mọi kháng thể SARS-CoV-2
Sử dụng hướng tiếp cận mang tính đột phá, chuyên gia Steven L. Zeichner thuộc Đại học Y khoa Virginia cùng với Xiang-Jin Meng đến từ Đại học công nghệ Virginia (Mỹ) đã phát triển một loại văcxin có thể ngừa được mọi biến thể virus. Văcxin này mang đặc điểm khác biệt: Chuyên phong tỏa vùng trình tự peptide hòa màng (fusion peptide) nằm trong protein gai (spike protein) trong tổng thể cấu trúc của SAR-CoV-2. Vùng trình tự này là đặc tính phổ quát của virus này, trên thực tế nó không hề thay đổi khi tiến hành giải trình tự gene của SARS-CoV-2 ở hàng nghìn bệnh nhân trên thế giới. Khả năng áp chế đối với vùng trình tự đặc trưng này sẽ là nhân tố quyết định hiệu quả của văcxin đối với mọi biến chủng của virus Corona mà SARS-CoV-2 là một chủng mới.
Kỳ vọng về siêu văcxin Covid-19 vẫn còn gian nan. Ảnh minh họa. |
PGS.TS Đinh Duy Kháng, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, nếu tìm ra và tập trung tấn công vào các “vùng bảo tồn” mọi biến thể của virus SARS-CoV-2 thì xem như có thể bào chế được loại văcxin toàn năng dập được dịch Covid-19. Khi đó, văcxin sẽ phong bế tất cả các vị trí bám của virus trong cơ thể khiến chúng không thể xâm nhập được vào tế bào. Được biết, trên thế giới đang có nhiều hãng dược cũng như các phòng thí nghiệm bắt tay vào nghiên cứu loại "văcxin toàn năng này".
Loại văcxin toàn năng có thể diệt mọi loại virus không phải là "nhiệm vụ bất khả thi", nhưng là một sứ mệnh khó và cần rất nhiều thời gian để thử nghiệm tính hiệu quả. Nếu tạo ra được siêu văcxin thì kháng thể tạo ra bởi văcxin khi đưa vào cơ thể người phải phản ứng được với tất cả các biến chủng virus SARS-CoV-2, nghĩa là nó phải tìm đến được vùng tạo ra kháng thể trung hòa virus.
Hàng trăm năm nay chưa có siêu văcxin cúm
Theo PGS.TS Đinh Duy Kháng, một kháng nguyên đưa vào cơ thể sẽ ra rất nhiều kháng thể, mỗi kháng thể chỉ phản ứng với 1 epitope, mỗi kháng nguyên lại có rất nhiều epitope gọi là epitope kháng nguyên (quyết định kháng nguyên). Một quyết định kháng nguyên chỉ phản ứng với một kháng thể. Tìm ra những quyết định kháng nguyên của virus tạo ra kháng thể phản ứng với tất cả các virus SARS-CoV-2 biến chủng khác thì mới gọi là siêu văcxin.
Virus cúm biến đổi nhanh và nhiều hơn cả SARS-CoV-2, thế giới hàng trăm năm nay đã đau đầu nghiên cứu loại siêu văcxin cúm, nhưng đến nay vẫn chưa thể làm được. Từ năm 1920 xuất hiện đại dịch cúm ở Tây Ban Nha đến giờ, thế giới vẫn phải sản xuất văcxin theo quy trình cũ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện nay vẫn phải nuôi virus cúm biến đổi để thuần hóa rồi cung cấp cho các đơn vị sản xuất văcxin trên thế giới. Mỗi năm một biến chủng cúm khác nhau, đến nay vẫn chưa thể làm được siêu văcxin. Virus SARS-CoV-2 này cũng tương tự như virus cúm, về lý thuyết là có thể sản xuất được, nhưng trên thực tế chúng biến đổi không ngừng.
Về nguyên tắc, với công nghệ sản xuất văcxin tái tổ hợp, virus sẽ được nuôi và lấy ra kháng thể, sau đó người ta có thể chọn các epitope và nối lại với nhau. Mỗi kháng thể có một vùng phản ứng kháng nguyên, giống như chìa nào phải đi cùng khóa đó. Khóa là kháng thể trong vùng phản ứng kháng nguyên, chìa khóa là epitope. Nếu virus biến đổi thì chìa đó sẽ không mở được nữa, nên phải tìm ra loại chìa khóa vạn năng, gọi là siêu kháng nguyên. Để làm được thế, các nhà khoa học phải nhặt được tất cả các epitope, epitope nào chặn đứng được quá trình xâm nhập của virus vào tế bào sẽ được chọn. Sau đó epitope này sẽ được tổng hợp và đưa vào tế bào rồi nhân lên thành dạng kháng nguyên tái tổ hợp rồi sản xuất văcxin.
Trên thực tế virus vẫn biến đổi không ngừng, khó lường, triển vọng siêu văcxin về lý thuyết là có, nhưng rất khó khăn và vô cùng gian nan.