Hình minh họa.
Xôn xao hết cả lên vì mấy vụ các bảo mẫu đánh trẻ con, ép ăn… kinh hoàng. Các nhà tâm lý thì nói đến những di chứng về tâm lý đối với những đứa trẻ bị bạo hành kiểu này. Xót xa, căm giận, hãi hùng…
Nhưng liệu có ai giật mình nhìn lại trong chính gia đình mình, nhiều đứa trẻ cũng đang bị ép ăn bằng những kiểu phản khoa học như vậy.
Chị bạn tôi kể, nhà chị cứ đến giờ cho con ăn là cả nhà náo loạn cả lên, ông thì gõ trống, lắc xúc xắc, bà thì bế cháu đi rong hết leo lên lại leo xuống cầu thang, hết trong nhà rồi ra ngõ miễn sao cháu chịu há mồm ra ăn một miếng, còn chị giúp việc lẽo đẽo đi theo bê bát cháo.
Cả nhà đều mệt lử như đánh giặc, mỏi mồm vì dỗ, vì nịnh để cháu ăn. Mà quanh đi quẩn lại, một ngày 3 bữa cháo, 3 bữa sữa là từng đấy lần nháo nhào cả lên như thế.
Có thể nói với nhiều gia đình, cái sự ăn uống của con trẻ đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng. Con khóc, mẹ mếu máo, gầm gào, hết dỗ lại mắng, bát cháo bê đi từ đầu ngõ đến cuối ngõ, đã lạnh tanh, vữa cả ra mà con chẳng chịu ăn.
Đã thế trước đó là bao công sức của bà, của mẹ, chọn mua hết lươn, tôm, cá, thịt, xương, rau củ, rồi thì ninh nấu, xay… để có được một bát cháo thơm ngon, bổ béo. Vậy mà đứa trẻ chẳng chịu ăn.
Nhưng nói thật là ngay với người lớn mà quanh năm suốt tháng ngày nào cũng ba bữa cái món cháo béo ngậy đó thì dù có thơm, có bổ béo đến đâu cũng ngán thật, khó mà nuốt trôi.
Đối với đứa trẻ lớn, nếu chuyện học hành, điểm số, trường chuyên, lớp chọn trở thành áp lực thì với trẻ nhỏ chuyện bị ép ăn cũng là một áp lực.
Các bà mẹ gặp nhau là hỏi con được bao nhiêu cân, tháng vừa rồi lên được mấy lạng… rồi so con mình với con nhà khác, rồi phát sốt phát rét lên khi thấy con mình kém con người mấy lạng…
Về nhà lại tăng sữa lên, tăng bột lên để mong tháng sau con vượt bạn. Quá nặng nề về cân nặng của trẻ, các bà mẹ đã không từ một cách thức nào, kể cả ép ăn để đến nỗi đứa trẻ sợ hãi mỗi khi ngồi trước đồ ăn.
Không hiểu trên thế giới có ở nước nào mà việc cho con ăn lại vất vả đến thế?
Minh Anh