Khó kiểm soát xăng dầu giả

(khoahocdoisong.vn) - Tình trạng xăng dầu giả, kém chất lượng xuất hiện trong quá trình vận chuyển và tồn tại ở nhiều điểm bán lẻ. Nhưng cả nước có tới 20.000 điểm bán lẻ xăng dầu, nên lực lượng chức năng rất khó có thể kiểm soát được hết.​​​​​

Xăng giả, thiệt hại thật

Xăng dầu là mặt hàng chiến lược của mỗi quốc gia, thiết yếu đối với đời sống xã hội, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của nền kinh tế.

Bên cạnh xăng dầu chính ngạch nhập khẩu đã qua kiểm tra chất lượng, hiện nay xăng dầu sản xuất trong nước được chứng nhận hợp quy đảm bảo chất lượng đáp ứng khoảng 80 – 90% nhu cầu thị trường. Song bên cạnh đó, xăng dầu giả, xăng dầu kém chất lượng do buôn lậu, pha chế kinh doanh còn tồn tại và có chiều hướng gia tăng do gian lận tinh vi phức tạp.

Số liệu từ Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, từ năm 2018 đến nay, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành trên 5.000 cuộc kiểm tra. Qua đó, phát hiện hơn 1.000 sai phạm, rút giấy phép 37 điểm kinh doanh xăng dầu. Phần lớn các sai phạm này diễn ra tại miền Tây Nam bộ, Trung bộ và lác đác tại một số tỉnh phía Bắc.

Các sai phạm phổ biến trong kinh doanh xăng dầu mà Tổng Cục phát hiện bao gồm bán xăng dầu ngoài hệ thống, kinh doanh xăng dầu khi giấy phép đã hết hiệu lực, bán xăng dầu có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn chất lượng, xăng dầu nhập lậu.

Đáng chú ý, nhiều vụ sai phạm hiện nay đã phát triển thành sai phạm có tổ chức, các đường dây buôn lậu, làm giả xăng dầu có quy mô lớn, tinh vi, như vụ việc pha trộn 2 triệu lít xăng dầu tại Nghệ An năm 2017, hay đường dây làm xăng giả của đại gia Trịnh Sướng gần đây.

Việc các đối tượng này đưa xăng giả vào lưu thông trong thị trường đang gây ra nhiều thiệt hại, đối với cả người dân và Nhà nước. Cụ thể, xăng dầu giả ảnh hưởng tiêu cực đến các loại động cơ, thậm chí còn gây cháy nổ trong quá trình hoạt động, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người dân. Về quản lý nhà nước, xăng giả, xăng lậu lưu thông ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, tiềm ẩn nguy cơ gây thất thoát ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến thu thuế.

Thực tế hiện nay, các vi phạm về xăng dầu hầu hết diễn ra trong quá trình vận chuyển và tiêu thụ, đặc biệt trong hệ thống bán lẻ cuối cùng.

Đại diện Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Bộ KHCN) cho biết, Nghị định 83 sửa đổi đặt thương nhân phân phối và thương nhân đầu mối như nhau. Nhưng thương nhân phân phối nhiều khi đi thuê địa điểm bán lẻ, thành ra rất khó kiểm soát chất lượng.

Còn thương nhân đầu mối hầu hết đều nghiêm túc đạt chuẩn. Vì hầu hết các thương nhân đầu mối là các doanh nghiệp lớn, có thương hiệu hầu như không diễn ra tình trạng bán hàng giả, hàng kém chất lượng.

Đại diện Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết, các đơn vị sản xuất nguồn như Bình Sơn hay Dung Quất đều có hệ thống kiểm soát chất lượng chặt chẽ và đội ngũ kỹ sư chuyên nghiệp. Xăng dầu từ các nhà máy sản xuất đi ra, thông thường sẽ có các loại chứng từ đảm bảo chất lượng và được lấy mẫu để lưu trữ.

Hiện nay, nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất mỗi năm đã sản xuất được hơn 7 triệu m3 xăng dầu, đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu thị trường. Riêng trong năm 2019, Dung Quất đã cung ứng ra 6,5 triệu m3. Ngoài Dung Quất, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn nếu hoạt động hết công suất, mỗi năm sẽ cung ứng khoảng 8 triệu m3. Tổng nguồn cung từ nhà máy đáp ứng 80% thị trường.

Thiếu lực lượng quản lý

Trong bối cảnh ngày càng nhiều đường dây sản xuất, buôn bán xăng kém chất lượng, xăng không rõ nguồn gốc bị phát hiện và triệu hạ thời gian qua thì vấn đề minh bạch xuất xứ và siết chặt quản lý chất lượng xăng dầu ngày càng trở nên cấp thiết.

Tuy nhiên trong quá trình vận chuyển, tiêu thụ tại các điểm sẽ dần xuất hiện các loại xăng giả, xăng kém chất lượng. Thậm chí, có nhiều địa phương có tới 50% mẫu xăng dầu tại các điểm bán lẻ kém chất lượng.

Môt phần của tình trạng này là do khách hàng cá nhân mua xăng ít có nhu cầu lấy hóa đơn nên gián tiếp “giúp” đại lý xăng dầu dễ hợp thức hóa thu mua xăng dầu trôi nổi trên thị trường.

Đấy là chưa kể, việc quản lý xăng dầu bán lẻ cần sự phối hợp giữa nhiều bên liên quan như Công an, Biên Phòng, Quản lý thị trường… Các bên liên quan thực tế đều kiêm nhiệm nhiều công việc nên nguồn lực mỏng, khả năng kiểm soát chưa cao. Hơn nữa, quản lý chồng chéo, sự trao đổi thông tin giữa các bên còn hạn chế cũng là một nguyên nhân khó phát hiện tình trạng xăng giả, kém chất lượng.

Ngoài ra, với đặc tính lưu hành liên tục của xăng dầu, rất khó có thể bắt giữ tại điểm tiêu thụ, bởi nhiều trường hợp nhận được tin báo có xăng dầu giả, nhưng khi xuống kiểm tra thì số xăng dầu đó đã được tiêu thụ hết.

Theo ông Trần Hữu Linh Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý Thị trường, Bộ Công Thương, để kiểm soát tình trạng này, cần kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng chống thương mại nghiêm hơn nữa.

Đặc biệt cần triển khai tốt việc quản lý xăng dầu tại địa bàn gắn với người dân và doanh nghiệp, phải có cơ chế để người dân, doanh nghiệp tăng cường tố giác tội phạm. Tăng cường kiểm tra các đối tượng xuất nhập khẩu xăng dầu, các đại lý, cửa hàng, hệ thống bán lẻ phân phối.

Ngoài ra cần có cơ chế chính sách để phù hợp với tình hình hiện nay. Theo dự kiến, trong tháng 12 này, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ một Nghị định mới với các chế tài nghiêm khắc và mạnh tay hơn sẽ có hiệu lực và thay thế Nghị định số 67/2017/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.

Đại diện Cục Quản lý hàng hóa cũng cho biết, việc quản lý chất lượng là trách nhiệm của Bộ KHCN, nhưng chống hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại là vai trò của Quản lý thị trường và Công an…

Nhưng kiểm tra, kiểm soát thế nào để không gây chồng chéo, khó dễ cho doanh nghiệp lại là câu hỏi khó trả lời. Thực tế có nhiều cây xăng khi bị kiểm tra đột xuất thì có sai phạm, bị phạt hành chính tới 500 triệu, rút giấy phép 3 tháng, lại chính là điểm bán xăng đã được thanh tra, kiểm tra cách đó chưa đầy 1 tháng.

Theo Đời sống
Thực hư bọ biển siêu rẻ

Thực hư bọ biển siêu rẻ

Có phần thịt được đánh giá là ngon hơn tôm hùm nên bọ biển là một trong những loại hải sản có giá hàng triệu đồng. Nhưng thời gian gần đây, bọ biển được bán khắp trên chợ hải sản online với giá rẻ chưa từng thấy.
Không để tình trạng vàng hóa nền kinh tế

Không để tình trạng vàng hóa nền kinh tế

Theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, NHNN cần thực hiện nghiêm túc các giải pháp bình ổn thị trường vàng. Cần khẩn trương rà soát, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 24/2012/NĐ-CP.
back to top