Tín dụng thấp kỷ lục
Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm chỉ đạt 3,26%, cách xa mục tiêu 14% cả năm mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đặt ra. So sánh với cùng kỳ những năm trước, đây là con số rất thấp (cùng kỳ năm 2019 là 7,36%, năm 2018 là 7,82%). Dù dư nợ cho vay của một số ngân hàng cũng có sự cải thiện, nhưng không đáng kể. Thậm chí có ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm như SeAbank (âm 0.8%), SGB (âm 2,8%), thậm chí Eximbank tăng trưởng tín dụng âm tới 8,6% so với đầu năm.
Tăng trưởng tín dụng của các Ngân hàng thương mại Nhà nước cũng ở mức dưới trung bình, như Vietinbank 0,34%, Agribank 1,15%, BIDV 2,27%, Vietcombank 4,97%.
Mặc dù, NHNN đã ban hành Thông tư 01, cho phép các ngân hàng cơ cấu lại nhóm nợ, gia hạn thời gian trả nợ, miễn, giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng do Covid-19. Các ngân hàng cũng đã thực hiện hạ lãi suất, nhưng vẫn khó kéo được nhu cầu tín dụng.
Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến sụt giảm trong tăng trưởng tín dụng. Thứ nhất, tâm lý ngại vay vốn của nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình bị hao giảm doanh thu sau cú sốc Covid-19. Một số thị trường, ngành nghề bị đóng băng cũng do dịch bệnh. Từ đó kéo giảm nhu cầu vay vốn. Theo khảo sát của Talennet, chỉ khoảng 12% doanh nghiệp, chủ yếu là y tế và tiêu dùng có sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2019. Còn lại, hầu hết các doanh nghiệp đều chịu sự tác động lớn của dịch bệnh.
Thứ hai, điều kiện cho vay còn khắt khe đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, các hộ kinh doanh – thành phần dễ chịu sự tổn thương nhất khi gặp khủng hoảng. Nợ xấu ngân hàng tăng cao khiến các ngân hàng dù tích cực thực hiện chủ trương của NHNN, nhưng vẫn rất thận trọng, không hạ chuẩn xét duyệt các khoản vay mới. Những doanh nghiệp, hộ kinh doanh thật sự cần vay vốn lại không đáp ứng đủ điều kiện của ngân hàng đưa ra. Vì những doanh nghiệp này gần như không có tài sản đảm bảo để thế chấp vay vốn.
Chỉ những doanh nghiệp, tập đoàn lớn mới có thể tiếp cận được các gói vay, thậm chí vay kinh doanh tín chấp tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ không cần tài sản đảm bảo. Ví dụ như Tổng Công ty Sông Đà 11 vay tín chấp 140 tỷ đồng từ Agribank, 99 tỷ đồng từ BIDV, hoặc Công ty CP Dây cáp điện Việt Nam (Cadivi) cũng có thể vay kinh doanh tín chấp hàng nghìn tỷ, trong đó có 300 tỷ đồng từ BIDV, gần 400 tỷ từ Vietinbank mà không cần có tài sản đảm bảo.
Lưu ý rằng, số doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ chiếm hơn 98% tổng số các doanh nghiệp cả nước. Chỉ có số ít doanh nghiệp, tập đoàn lớn mới có thể tiếp cận vốn vay đã dẫn đến mức tăng trưởng tín dụng thấp kỷ lục trong nhiều năm qua.
Huy động vốn của các ngân hàng tăng 4,35%, thấp hơn cùng kỳ năm 2019 (6,09%). Tuy nhiên, mức tăng này đã có nhiều cải thiện rõ rệt so với 4 tháng đầu năm (chỉ tăng 0,07%). Tăng trưởng huy động vốn cao hơn tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm cho thấy thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện. Nhưng cũng thể hiện khó khăn của ngân hàng trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, khiến thu nhập lãi thuần chịu ảnh hưởng lớn.
Đẩy mạnh chứng khoán đầu tư
Cho vay gặp khó, các ngân hàng đã chuyển sang mảng phi tín dụng khác như chứng khoán đầu tư... để cứu vãn tăng trưởng. Hoạt động đầu tư chứng khoán gồm nhiều sản phẩm, như trái phiếu, tín phiếu, giấy tờ có giá... Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), trái phiếu chính phủ (TPCP) thường là loại hình đầu tư phổ biến nhất.
Hiện, trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 3 năm đến 30 năm có lãi suất 1,90 - 10,90%, trái phiếu doanh nghiệp kỳ hạn 1 - 14 năm thường có lãi suất 8,0 - 11,40%. Chứng khoán nợ do các Tổ chức tín dụng khác phát hành, thời hạn 9 tháng đến 5 năm có lãi suất 5,70 - 9,50%.
Lãi suất cố định của các loại trái phiếu, chứng khoán nợ đã đóng góp không nhỏ vào thu nhập kinh doanh, giúp ngân hàng chống đỡ khủng hoảng do Covid. Trong nửa đầu năm 2020, không có ngân hàng nào ghi nhận lỗ từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư.
Chẳng hạn, VPBank có tỷ lệ chứng khoán đầu tư chiếm tới 22% tổng tài sản. Trong đó, trái phiếu Chính phủ và địa phương ước tính có quy mô gần 31 nghìn tỷ đồng, tăng 7,6% so với đầu năm. Trái phiếu doanh nghiệp mà ngân hàng đã đầu tư là 28.831 tỷ đồng, tăng 96%. Khoản đầu tư này đã mang về cho VPB nguồn thu 617 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2020, tăng 124% so với cùng kỳ năm 2019.
Tương tự, Ngân hàng Quân đội (MBBank) cũng đang nắm giữ hơn 86 nghìn tỷ đồng trái phiếu các loại, chiếm 21% tổng tài sản ngân hàng. Lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư của MBBank đạt 671 tỷ đồng, tăng hơn gấp 3 lần cùng kỳ năm 2019.
Các ngân hàng khác cũng có nguồn thu nhập “khủng” từ chứng khoán đầu tư như: BIDV lãi 669 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ năm 2019 lỗ 258 tỷ đồng), ACB lãi 662 tỷ đồng (năm 2019 lỗ 8 tỷ đồng), Techcombank lãi 647 tỷ đồng (năm 2019 lỗ 53 tỷ đồng)…
|
Một số ngân hàng nhỏ, thuộc nhóm dưới như Việt Á cũng ghi nhận mức lãi 17 tỷ đồng từ chứng khoán đầu tư, tăng vọt so với 900 triệu đồng tháng 6/2019. KienlongBank cũng báo lãi 37 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần cùng kỳ năm ngoái.
Thực tế, các ngân hàng có quy mô nhỏ sẽ dành phần lớn nguồn vốn kinh doanh để cấp tín dụng cho khách hàng. Chỉ một tác động nhỏ từ bên ngoài (như Covid-19) cũng có thể ảnh hưởng đến thu nhập chính (cấp tín dụng) của những ngân hàng này, khiến sụt giảm thu nhập và kéo theo nợ xấu gia tăng.
Do đó, các ngân hàng này sẽ tăng cường đầu tư vào những khoản mục sinh lời khác nhằm ổn định thu nhập và cân bằng rủi ro. Chứng khoán đầu tư sẽ được họ ưu tiên lựa chọn, do việc mua bán dễ dàng, có thể đáp ứng nhanh nhu cầu thanh khoản, hoặc có thể dùng như tài sản đảm bảo để vay vốn bổ sung.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kinh tế, trong các thu nhập từ chứng khoán đầu tư có thu nhập từ việc bán lại trái phiếu trước hạn thì đây lại là một vấn đề đáng lưu tâm, bởi rủi ro tái tài trợ đã bộc lộ khá rõ ràng. Chính vì vậy, một khoản không nhỏ đã được các ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro chứng khoán đầu tư.