Dấu hiệu nhiễm khuẩn HP
ThS.BS Hà Hải Nam, Phó trưởng khoa ngoại Bệnh viện K cho biết, nhiều bệnh nhân than phiền và họ rất lo lắng khi nhận được thông tin nhiễm khuẩn HP trong dạ dày. Và rất nhiều câu hỏi về mối liên quan giữa nhiễm khuẩn HP với ung thư dạ dày- căn bệnh nguy hiểm chết người.
Nhiễm khuẩn Helicobacter Pylori (HP) được xem là loại nhiễm khuẩn phổ biến nhất trên thế giới chỉ sau vi khuẩn sâu răng.
Trên thế giới, có đến 50-60% dân số bị nhiễm HP. Hiện tỷ lệ người Việt Nam nhiễm HP rất cao, có khoảng 60-80% dân số. Nghiên cứu tại Hà Nội, cứ 1.000 người thì có đến 700 trường hợp nhiễm vi khuẩn HP. Còn tại Hồ Chí Minh, 90% số người bị viêm dạ dày có xuất hiện vi khuẩn này.
Phần lớn người bị nhiễm vi khuẩn HP không có triệu chứng và cũng không bao giờ gây ra tổn thương ở dạ dày, như vậy người bị nhiễm và vi khuẩn HP có thể chung sống hòa bình suốt đời.
Tuy nhiên, một số ít trường hợp vi khuẩn HP có thể gây ra viêm dạ dày, loét dạ dày-hành tá tràng và một tỉ lệ ít hơn nữa gây ung thư dạ dày. Dù rằng vi khuẩn HP là thủ phạm chính gây ung thư dạ dày nhưng chỉ một tỉ lệ rất ít người nhiễm vi khuẩn HP bị ung thư (khoảng 1%). Cho đến hiện nay, khoa học vẫn chưa lí giải được, tại sao một số người nhiễm vi khuẩn HP thì bị bệnh, còn những người khác bị nhiễm thì hoàn toàn bình thường.
Khi nào vi khuẩn HP gây ung thư dạ dày? - Ảnh minh hoạ |
ThS.BS Trần Cảnh, Bệnh viện K cho biết, vi khuẩn HP là thủ phạm gây ra rất nhiều bệnh lý đường tiêu hoá nguy hiểm, như: Viêm dạ dày cấp tính, viêm dạ dày mạn tính, viêm loét dạ dày tá tràng, ung thư dạ dày…:
-90 - 95% người bệnh bị loét tá tràng nhiễm vi khuẩn HP
- Trên 70% người bệnh loét dạ dày nhiễm vi khuẩn HP
- Trên 50% người bị chứng khó tiêu không loét nhiễm vi khuẩn HP
- Khoảng 90% các ca ung thư dạ dày đều liên quan đến vi khuẩn HP.
Theo ThS.BS Hà Hải Nam, nguyên nhân chính xác dẫn đến nhiễm vi khuẩn HP chưa được xác định. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhiễm vi khuẩn HP từ thức ăn, nước uống hoặc dụng cụ ăn uống. Tình trạng này thường phổ biến ở các cộng đồng hoặc quốc gia thiếu nước sạch và không có hệ thống thoát nước thải đạt chuẩn. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể nhiễm vi khuẩn khi tiếp xúc với nước bọt hoặc các chất dịch cơ thể của người nhiễm.
Mặc dù, hệ thống miễn dịch của cơ thể có thể dễ dàng nhận ra và tấn công HP, ở gần nơi mà chúng xâm nhập. Nhưng các tế bào miễn dịch lại không thể di chuyển đến niêm mạc dạ dày, nơi mà có nồng độ axít cao. Mặt khác, HP có thể làm thay đổi các phản ứng miễn dịch tại chỗ. Chính vì vậy, cơ thể không thể tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn. Nhờ đó mà HP đã tồn tại cùng với loài người trong hàng nghìn năm qua.
Hầu hết người nhiễm HP không có dấu hiệu nhận biết hoặc triệu chứng cụ thể nào. Tuy nhiên, khi HP gây tổn thương niêm mạc dạ dày, dấu hiệu phổ biến nhất là đau bụng, đặc biệt là khi dạ dày rỗng vào ban đêm hoặc sau bữa ăn vài giờ. Cơn đau thường âm ỉ, có thể kéo dài trong vài phút hoặc hàng giờ. Ăn, uống sữa và uống thuốc kháng axit có thể cải thiện các triệu chứng.
Một số triệu chứng khác như: Ợ hơi, ợ nóng ,có thể sốt; Đầy hơi, chán ăn; Buồn nôn, sút cân; Nếu tổn thương loét ở dạ dày tiến triển nặng, có thể khiến chảy máu dạ dày và dẫn tới các triệu chứng: Nôn ra máu đỏ tươi hoặc cục máu đông, ỉa phân đen; Mệt mỏi, khó thở, chóng mặt hoặc ngất xỉu; Da xanh; Đau bụng dữ dội (do thủng ổ loét)
Một số trường hợp nhiễm khuẩn HP có thể dẫn đến một số rủi ro, chẳng hạn như: Viêm niêm mạc dạ dày; Hình thành vết loét (10%); Xuất huyết tiêu hoá;Thủng dạ dày; Viêm màng bụng; Tắc nghẽn và nguy cơ gây ung thư dạ dày nhưng không quá cao.
Vi khuẩn HP là nguyên nhân gây viêm loét dạ dày - Ảnh minh họa |
Cách phát hiện sớm ung thư dạ dày có HP
Bác sĩ Nguyễn Xuân Tuấn, Bệnh viện ung bướu Hưng Việt cho biết, ung thư dạ dày được chia làm nhiều giai đoạn từ 0 đến 4. Mỗi giai đoạn ung thư dạ dày có đặc điểm về tính chất u, tình trạng di căn hạch và mức độ lan rộng khác nhau.
Giai đoạn càng cao, mức độ xâm lấn và di căn của ung thư càng nhiều. Phần lớn người bệnh mắc ung thư dạ dày không phải do di truyền mà liên quan đến vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) hoặc do chế độ ăn uống không lành mạnh như nhiều đường, muối, thức ăn nhanh...
Triệu chứng của ung thư dạ dày giai đoạn sớm thường mờ nhạt, một số trường hợp hoàn toàn không có triệu chứng. Dưới đây là một số dấu hiệu có thể gợi ý ung thư dạ dày, cần nhận biết và chủ động đi khám:
Đau bụng thường xuyên: Triệu chứng này xuất hiện ở đa số người bệnh ung thư dạ dày, tuy nhiên cũng gặp ở một số bệnh lý khác như viêm loét dạ dày, viêm ruột, hội chứng ruột kích thích...
Cảm giác đau bụng ban đầu thường ít, lâu dần chuyển sang đau âm ỉ ở một vùng bụng trong thời gian dài, không tự hết có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư dạ dày giai đoạn sớm.
Khó tiêu, đầy bụng, ợ nóng: Cảm giác đầy bụng và ợ nóng thường xuyên có thể gặp ở người bị ung thư dạ dày. Đa phần những triệu chứng này thường xảy ra ở người có các vấn đề viêm loét dạ dày - tá tràng. Nếu để tình trạng kéo dài, bệnh có nguy cơ chuyển biến thành ung thư dạ dày.
Chán ăn, mất cảm giác ngon miệng: Ăn uống không cảm thấy ngon, mau no là triệu chứng khá mờ nhạt của ung thư giai đoạn đầu. Triệu chứng này gợi ý tình trạng ung thư dạ dày rõ ràng hơn nếu đi kèm dấu hiệu mệt mỏi, suy nhược, đau bụng, buồn nôn...
Đi ngoài bất thường: Thay đổi thói quen đi ngoài hoặc phân có màu sắc bất thường, ra máu là dấu hiệu của một số vấn đề về sức khỏe, điển hình là bệnh đường tiêu hóa, bao gồm cả ung thư dạ dày.
Sụt cân không rõ nguyên nhân: Đây là sự sụt giảm đáng kể về khối lượng của cơ thể, xảy ra ngay cả khi người bệnh không cố gắng giảm cân. Giảm cân bất thường không do tập luyện hay do ăn kiêng có thể còn cảnh báo ung thư trực tràng hoặc ung thư ở bộ phận khác trên đường tiêu hóa.
Phòng ngừa ung thư dạ dày cần có một lối sống lành mạnh, ăn uống hợp lý, khám sức khỏe định kỳ và tầm soát ung thư
Cách phát hiện sớm ung thư dạ dày?
Ung thư dạ dày giai đoạn sớm thường có tiên lượng tốt, khả năng điều trị khỏi cao. Do lúc này lượng tế bào ung thư còn ít, bác sĩ sẽ phẫu thuật nội soi cắt một phần nhỏ dạ dày.
Tuy nhiên, ở giai đoạn sớm, người bệnh thường không có triệu chứng nên khó phát hiện. Đa số người bệnh được chẩn đoán khi khám tầm soát ung thư hoặc vô tình phát hiện khi khám các bệnh lý khác.
Ung thư dạ dày thường được phát hiện qua phương pháp nội soi dạ dày. Bác sĩ đưa ống nội soi có gắn camera siêu nhỏ qua đường mũi, miệng, sau đó thăm dò bên trong dạ dày. Camera ghi nhận các tổn thương (nếu có) bên trong dạ dày.
Nếu phát hiện bất thường, bác sĩ sinh thiết tổn thương đó nhằm xác định có phải ung thư hay không.