Khát khao… sức hút của Phụ nữ Việt Nam làm khoa học

Kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 3 nhà khoa học nổi tiếng chia sẻ về khát khao làm khoa học, cống hiến, vươn mình ra thế giới.

Lời tòa soạn: Năng động, sáng tạo, giỏi ngoại ngữ, có sức hút lan tỏa… là đặc điểm chung của các nhà khoa học nữ Việt Nam. Kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 3 nhà khoa học nổi tiếng chia sẻ về khát khao làm khoa học, cống hiến, vươn mình ra thế giới.

Trao đổi bàn tròn cùng Khoa học và Đời sống là PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam); PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm, ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP HCM); TS Ngô Thị Thúy Hường, giảng viên ĐH Phenikaa, Hà Nội.

Khẳng định vị thế, vươn tầm thế giới

Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1910 - 8/3/2024), PGS.TS Bùi Thị An có thể chia sẻ quan điểm về vai trò của nữ trí thức trong nghiên cứu khoa học hiện nay?

PGS.TS Bùi Thị An: Trong nghiên khoa học và công nghệ, vị thế, vai trò của nữ trí thức đã được khẳng định từ lâu. Hiện nay, điều này tiếp tục được khẳng định không chỉ qua số lượng tăng nhanh. Về chất lượng, thực tế minh chứng, tất cả lĩnh vực nghiên cứu khoa học đều có gương mặt của nữ trí thức, đặc biệt là giáo dục và y tế.

Trong giai đoạn chuyển đổi số, cũng như cách mạng 4.0, vai trò của nữ nhà khoa học càng được thể hiện. Thời gian qua, nhiều nhà khoa học nữ Việt Nam được thế giới vinh danh với những giải thưởng lớn. Đây là tín hiệu đáng mừng, góp phần khuyến khích, thúc đẩy phụ nữ Việt tham gia nghiên cứu khoa học.

PGS.TS Bùi Thị An là nhà khoa học trong trong các lĩnh vực môi trường, phát triển cộng đồng.

Là nhà khoa học nữ nổi bật của Việt Nam, TS Ngô Thị Thúy Hường có cảm xúc thế nào khi đại diện một thế hệ các nhà khoa học nữ Việt Nam vươn mình ra thế giới?

TS Ngô Thị Thúy Hường: Bên cạnh chút tự hào về những thành tựu đã đạt được, tôi cảm thấy vinh dự khi đại diện cho sự vươn lên mạnh mẽ của phụ nữ Việt Nam trong lĩnh vực khoa học, góp phần nhỏ bé khẳng định năng lực, trí tuệ của phụ nữ Việt Nam trên trường quốc tế.

Tôi cũng cảm nhận rõ hơn trách nhiệm là một trong những đại diện cho thế hệ nhà khoa học nữ Việt Nam, là nguồn cảm hứng cho các bạn trẻ nữ theo đuổi đam mê khoa học và cần có trách nhiệm tiếp tục cống hiến cho khoa học nhiều hơn nữa trong tương lai.

Được vinh danh ở giải thưởng khoa học “L'Oréal - UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học 2023”, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài có thể chia sẻ về sự thành công này? Trong thời đại hội nhập, việc hợp tác quốc tế có ý nghĩa như thế nào đối với nghiên cứu khoa học tại Việt Nam?

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài: Tôi đã nghiên cứu về kháng thuốc và phát hiện gen kháng thuốc từ 2009 và bây giờ tiếp tục nghiên cứu. Đề xuất với L’Oreal-Unesco đang được tiến hành nhằm đưa việc phát hiện các gen kháng thuốc có đủ độ nhạy với mẫu lâm sàng trực tiếp từ bệnh nhân.

Quá trình nghiên cứu cũng gặp nhiều khó khăn về bản chất đa nhân tố của kháng thuốc nên việc phát triển 1 kít cho kháng thuốc không đơn giản khi phải gắn với giá trị thực tiễn.

Trong “Thế giới phẳng” ngày nay, hợp tác quốc tế là cần thiết, vì sự thực, về mặt khoa học kỹ thuật, nhiều nước tiên tiến có sự vượt trội so với Việt Nam. Học hỏi và cầu thị sẽ giúp chúng ta tiến nhanh hơn.

Ở góc độ nhân lực, số lượng nhà khoa học tại Việt Nam được đào tạo từ các nước tiên tiến trở về không nhỏ, nhưng tiền và cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu của chúng ta còn hạn chế. Không nghiên cứu một thời gian, chúng ta sẽ thụt lùi nên hợp tác để khắc phục khó khăn và tiếp tục phát triển trong khoa học là cần thiết.

Tạo động lực khuyến khích nữ giới nghiên cứu khoa học

Nghiên cứu khoa học không dễ, phụ nữ khi tham gia công việc này có thuận lợi, khó khăn, thách thức nào?

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài: Lợi thế là chúng tôi có sự sáng tạo, cần cù, bền bỉ. Đó là những yếu tố hết sức cần thiết trong nghiên cứu khoa học.

Khó khăn thường ở mặt sắp xếp thời gian đầu tư cho nghiên cứu và cạnh tranh để có kinh phí nghiên cứu. Sắp xếp thời gian, rất cần sự ủng hộ, hỗ trợ từ gia đình. Cạnh tranh để có kinh phí nghiên cứu cần sự ủng hộ đặc biệt của các hội đồng xem xét cấp kinh phí cho các nhà khoa học nữ.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm, Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP HCM.

TS Ngô Thị Thúy Hường: Tôi lại nghĩ rằng, phụ nữ có khả năng nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau, giúp họ có những ý tưởng sáng tạo và độc đáo trong nghiên cứu. Phụ nữ kiên nhẫn, tỉ mỉ, thực hiện các thí nghiệm, phân tích dữ liệu một cách cẩn thận, chính xác.

Một số khó khăn có thể xuất phát từ tính cách của một số chị em thiếu tự tin hơn nam giới. Phụ nữ trong lĩnh vực khoa học cũng phải đối mặt sự phân biệt đối xử, mặc dù tình hình đang được cải thiện.

PGS.TS Bùi Thị An: Phải thẳng thắn nhìn nhận, nghiên cứu khoa học chưa xứng tầm với nữ trí thức Việt Nam. Tỷ lệ nữ tham gia lĩnh vực này vẫn thấp so với nữ trí thức Việt Nam được đào tạo. Hiện, đa số người có đóng góp lớn trong nghiên cứu khoa học lại làm việc ở những nơi có đầy đủ điều kiện trong trường đại học lớn của các nước phát triển. Đó cũng là vấn đề về đầu tư cho học tập và nghiên cứu.

Ở Việt Nam, phụ nữ tham gia nghiên cứu khoa học gặp không ít khó khăn, thách thức. Họ phải gánh trách nhiệm “làm mẹ, làm vợ”. Cơ chế chính sách, quy định về độ tuổi, đào tạo, bồi dưỡng chưa tạo động lực thúc đẩy cho cán bộ khoa học nữ.

Nghiên cứu khoa học và công nghệ trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư có nhiều thách thức, mang tính cạnh tranh và hội nhập cao. Nó đòi hỏi thời gian nghiên cứu tập trung nhanh, ngắn nhưng tạo ra sản phẩm mang tính cá biệt và có chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế...

Chúng ta cần công trình nghiên cứu có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển của đất nước một cách bền vững, có tính chất đột phá, nhưng hiện chưa nhiều. Cần tìm nguyên nhân và đề ra giải pháp để thúc đẩy nghiên cứu khoa học nói chung, khuyến khích phụ nữ tham gia nghiên cứu khoa học nói riêng.

Trong đó, nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của phụ nữ trong hoạt động nghiên cứu khoa học rất cần thiết. Có chính sách bồi dưỡng, đào tạo ưu tiên đối với nữ trí thức; quan tâm và ưu đãi cán bộ nữ làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học; tăng cường đầu tư nguồn lực, kinh phí cho nghiên cứu, khuyến khích, thúc đẩy phụ nữ trong hoạt động nghiên cứu khoa học...

Trong cuộc chơi hội nhập thời công nghệ số với thế giới, một thế hệ nhà khoa học nữ Việt Nam vươn ra thế giới, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài có những kỳ vọng gì về các nhà khoa học nữ trong nghiên cứu khoa học?

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài: Là phụ nữ nghiên cứu khoa học và cũng là nhà giáo, tôi kỳ vọng rất nhiều vào chị em trong công tác nghiên cứu. Tôi cho rằng, nam hay nữ đều có tài năng, ưu thế riêng. Thế giới phẳng mang lại nhiều cơ hội và cũng rất nhiều thách thức. Người Việt, đặc biệt phụ nữ Việt, rất dẻo dai, bền bỉ, nhanh trí, sáng tạo, không ngại khó. Đó là những nền tảng để đi trên con đường khoa học giàu cảm xúc, nơi có thể 1.000 nghiên cứu mới có một công trình đến được thực tiễn.

TS Ngô Thị Thúy Hường trong phòng nghiên cứu cùng đồng nghiệp.

TS Ngô Thị Thúy Hường: Tôi tin phụ nữ sẽ làm đa dạng hóa tư duy và phương pháp nghiên cứu khoa học. Họ sẽ trở thành lực lượng nòng cốt đóng vai trò chủ đạo trong các dự án nghiên cứu khoa học quốc tế hoặc tham gia lĩnh vực khoa học, công nghệ mũi nhọn, góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách của đất nước và thế giới.

Từ đó, chúng ta góp phần truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, đặc biệt là nữ giới, theo đuổi đam mê khoa học, dần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Muốn vậy, cần được hỗ trợ về tài chính như như các nguồn học bổng, dự án, trang thiết bị, phòng thí nghiệm hiện đại để phục vụ nghiên cứu cùng sự hỗ trợ về chính sách.

Xin cảm ơn các chuyên gia về cuộc trao đổi trên!

Các nhà khoa học nữ gốc Việt được thế giới vinh danh

Thời gian qua, Việt Nam có nhiều nhà khoa học nữ nổi danh thế giới nhờ những công trình nghiên cứu khoa học có tầm ảnh hưởng. Trong đó, GS Nguyễn Thục Quyên (SN 1970) hiện làm việc tại Đại học California, Mỹ, nằm trong top 1% nhà nghiên cứu khoa học vật liệu được trích dẫn nhiều nhất thế giới.

Bà Lưu Lệ Hằng, nhà khoa học gốc Việt, là phụ nữ đầu tiên trên thế giới được trao giải thưởng Kavli. Đây là giải thưởng quốc tế của Na Uy dành cho nhà khoa học có cống hiến xuất sắc trong ngành Vật lý thiên văn, Công nghệ nano và Khoa học thần kinh. Năm 2012, với đóng góp trong việc định danh "các vật thể ngoài Hải Vương tinh", bà được Quỹ Shaw xướng danh người đoạt giải Shaw Thiên văn học. Hiệp hội Thiên văn Mỹ đặt tên bà cho tiểu hành tinh 5430 Luu, ghi nhận công lao của bà trong việc khám phá hơn 30 tiểu hành tinh.

Ngoài ra, phải kể đến các nhà khoa học nữ như Tiến sĩ Huỳnh Mỹ Hằng giành giải thưởng MacArthur Fellowship 500.000 USD cho phát minh "chất nổ cơ bản xanh"; Phó giáo sư Trần Thị Lý (SN 1975, Quảng Trị), nhà khoa học nữ Việt Nam đầu tiên được trao Giải thưởng Noam Chomsky 2020; TS Lê Thái Hà, Giám đốc điều hành của giải thưởng VinFuture, được vinh danh trở thành phụ nữ Việt duy nhất trong top 100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất thế giới; GS Nguyễn Thị Kim Thanh, Đại học College London (UCL) là một trong ba nhà khoa học giành giải thưởng Interdisciplinary Prize 2022, ghi nhận đóng góp xuất sắc trong nghiên cứu và đổi mới sáng tạo...

Theo Đời sống
Tại sao không đánh thuế vàng?

Tại sao không đánh thuế vàng?

Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải đánh thuế vàng. Nhiều người mua vàng đầu cơ, mua bán nhằm sinh lời, khi đã kinh doanh cần phải chịu một số sắc thái thuế cho hoạt động đầu tư giống bất động sản, chứng khoán.
back to top