Khao con đỗ đại học

Khao con đỗ đại học là bình thường. Nhưng điều đáng nói ở đây là cái tâm lý quá coi trọng bằng cấp, coi việc đỗ đại học là một cái gì đó quá quan trọng, làm như vào đại học là con đường duy nhất để thành công.

Hình minh họa.

Ông chú ở quê gọi điện nhắn về, ông làm cỗ khao cậu con trai vừa đỗ đại học, tận 70 mâm. Choáng thật, không ngờ cái sự đỗ đại học quan trọng đến như thế. Cả nhà, cả họ mừng khi con cháu thi đỗ, mà phải là đỗ đại học, chứ cao đẳng là không tính, không đáng để khao.

Trong quan niệm của nhiều người, đỗ đại học là thay đổi mọi thứ, là bước sang một thế giới khác để đến với một cuộc sống khác hẳn, như một nấc thang để lên thiên đường.

Có thể là thời xưa thì đúng là như thế, thi đỗ là được bổ làm quan ngay, là cuộc đời thay đổi, nên mới có vinh quy bái tổ, mới làm cỗ khao cả làng. Dù sao thì cũng xứng đáng.

Nhưng ngày nay, vào đại học cũng giống như một cấp học nữa mà thôi, còn học 4-5 nữa, bao vất vả, tốn kém… mà ra trường chưa chắc đã xin được việc. Cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp đầy ra đấy. Nghĩ đến cái chặng đường phía trước còn xa xôi, vất vả và đầy bất trắc lắm.

Chẳng phải đâu xa, như tôi đây, ra trường cả chục năm lương cũng chỉ đủ ăn, nhà còn phải đi thuê, chưa giúp được gì cho bố mẹ cả… nhưng vẫn là một tấm gương cho những đứa em (trong khi ở quê, có những đứa em chỉ học hết lớp 12, không học đại học nào mà làm ăn rất giỏi, có trang trại trồng những loại cây đặc sản, giàu có gấp nhiều lần tôi). Có một cái gì đó bất công mà không thể phản đối được bởi nó là truyền thống.

Thi đỗ thì ai cũng mừng, nhưng điều đáng nói ở đây là cái tâm lý quá coi trọng bằng cấp, coi việc đỗ đại học là một cái gì đó quá quan trọng, làm như vào đại học là con đường duy nhất để thành công.

Nhìn cái cảnh những người cha người mẹ lo âu trước cổng trường khi con đi thi, thắt ruột thắt gan khi con  đợi kết quả, mừng đến phát khóc khi con đỗ… thấy vừa thương vừa buồn. Nó cũng vất vả và khổ cực chẳng khác gì những cảnh thi cử mà Ngô Tất Tố đã miêu tả trong Lều chõng cách đây cả trăm năm rồi.

Có lẽ đó là những gì còn sót lại từ truyền thống hiếu học (mà có nhà nghiên cứu văn hóa đã gọi đó là sự hiếu danh, hiếu chức, hiếu làm quan) nếu không muốn nói giờ lại được nhân lên gấp bội lần bởi sự hiếu bằng cấp. Đến bao giờ, cái sự đỗ đại học mới được coi là chuyện bình thường thôi?

                                                           Minh Anh

Theo Đời sống
Tại sao không đánh thuế vàng?

Tại sao không đánh thuế vàng?

Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải đánh thuế vàng. Nhiều người mua vàng đầu cơ, mua bán nhằm sinh lời, khi đã kinh doanh cần phải chịu một số sắc thái thuế cho hoạt động đầu tư giống bất động sản, chứng khoán.
back to top