Khám chữa bệnh từ xa mang lại nhiều lợi ích ở các bệnh viện

(khoahocdoisong.vn) - Việc kết nối khám, chữa bệnh từ xa đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho đội ngũ y, bác sĩ, đặc biệt là bệnh nhân. Qua đó, nhiều ca bệnh phức tạp đã được các bác sĩ tuyến trên hội chẩn từ xa phẫu thuật thành công tại cơ sở y tế địa phương, không phải chuyển lên tuyến trên điều trị.

Nhiều bệnh viện cùng tham gia điều trị

Sản phụ 21 tuổi, sinh con lần thứ 4, trong khi đi đến Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu (Sơn La) thì chuyển dạ sinh con trên xe. Khi mẹ con sản phụ vào nhập viện, cháu bé trong tình trạng tím tái, suy hô hấp. Đây là một ca hết sức khó vì trẻ sinh non nhiều tháng, nặng 1,1kg. Bác sĩ đã tiến hành cấp cứu bài bản, làm tất cả các chỉ định cho trẻ sinh non như thở máy, bơm trưởng thành phổi, đóng ống động mạch, truyền máu, đưa trẻ vào phòng cách ly đảm bảo vô khuẩn, nằm lồng ấp… đồng thời thiết lập cuộc hội chẩn khám chữa bệnh từ xa với các chuyên gia của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Nhi T.Ư... về phương hướng điều trị tiếp theo, chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhi và các nguy cơ xảy ra.

Tại buổi hội chẩn, các chuyên gia đánh giá cao quy trình cấp cứu, điều trị chăm sóc cho bệnh nhi của Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu; đồng thời hướng dẫn các bác sĩ tiếp tục thực hiện các phác đồ điều trị, cung cấp dinh dưỡng tiếp theo cho bệnh nhi. Nhờ hướng dẫn chế độ dinh dưỡng đặc biệt của các bác sĩ tuyến trên, sau gần 1 tháng điều trị, cháu bé ra viện với cân nặng 2kg.

Tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, do lần đầu tiên tiếp nhận 3 bệnh nhân bị ngộ độc botulinum nên bệnh viện chưa có nhiều kinh nghiệm trong điều trị. Nhờ nhiều lần hội chẩn với các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện 115, Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư... và việc cung cấp thuốc kịp thời từ Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện đã điều trị phục hồi tốt cho các bệnh nhân bị ngộ độc botulinum nặng.  

ThS.BS Vũ Giang An, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu cho biết, năm 2020, bệnh viện đã tham gia Đề án Khám, chữa bệnh từ xa - Telehealth. Nhờ tham gia đề án, bệnh nhân tại đây được các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện tuyến trung ương hội chẩn trực tiếp các ca bệnh và có hướng điều trị phù hợp nhất. Ví dụ, bệnh nhi 12 tuổi, dân tộc Dao đã từng được bệnh viện tuyến trung ương phẫu thuật tái phát xương do thiếu một đoạn xương ở chi phải mổ 2 – 3 lần, nhờ hội chẩn từ xa, được các thầy thuốc tại tuyến trung ương tư vấn, Bệnh viện đã mổ tại chỗ, đặt xi măng dọc theo xương khuyết, tạo lỗ hổng để 1 - 2 tháng sau, cho bệnh nhân chuyển tuyến xuống Hà Nội lấy xương mác ghép thành xương chày. Như vậy, bệnh nhân chỉ cần một lần đi Hà Nội để phẫu thuật, tiết kiệm cho người bệnh. Với đề án này, người được hưởng lợi nhiều nhất là người dân.

Thông qua các buổi hội chẩn trực tuyến, không chỉ các bác sĩ được học hỏi, cập nhật kiến thức, mà người bệnh khi được các bác sĩ tuyến trên trực tiếp hội chẩn cũng yên tâm hơn khi ở lại bệnh viện điều trị. Sau hội chẩn trực tuyến, nhiều trường hợp bệnh viện xử lý được mà không phải chuyển tuyến. Trong trường hợp phải chuyển tuyến, cùng với sự tư vấn của các các chuyên gia ở đầu cầu Hà Nội, các bác sĩ cũng trao đổi trước để bệnh nhân biết rõ tình trạng bệnh tật của mình khi lên tuyến trung ương.

BS Đặng Hà Hữu Phước, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, bệnh viện thường xuyên hội chẩn từ xa với các bệnh viện tuyến trên để đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất cho người bệnh, đặc biệt ở lĩnh vực can thiệp tim mạch, ngoại khoa...

Hội chẩn khám chữa bệnh từ xa.

Hội chẩn khám chữa bệnh từ xa.

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tổ chức định kỳ tiến hành 1 tuần 2 buổi Telehealth. Mỗi buổi trung bình sẽ có từ 8 – 10 bệnh nhân nặng được tham gia hội chẩn trực tuyến. Khám chữa bệnh từ xa góp phần giảm tỷ lệ chuyển tuyến, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trung ương, giảm chi phí xã hội, tăng cường chất lượng khám chữa bệnh tại các tuyến cơ sở, người dân trong tỉnh có thể tiếp cận với dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại địa phương.

Đề án khám chữa bệnh từ xa với mong muốn hướng đến người bệnh, nhất là những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa được thụ hưởng lợi ích to lớn của Telehealth mang lại, giúp người dân vơi bớt khó khăn, vất vả và yên tâm hơn khi không may đau ốm. Từ đó góp phần giải quyết tình trạng quá tải cho bệnh viện công, đồng thời tạo điều kiện để người bệnh thăm khám nhanh chóng, hiệu quả, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm chéo dịch bệnh trong cộng đồng. Đặc biệt, góp phần quan trọng trong việc phòng chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân.

Bằng các ứng dụng công nghệ, giải pháp khám chữa bệnh từ xa đã xóa đi rào cản về địa lý, tạo ra được mạng lưới y tế không còn giới hạn giữa các tuyến, hỗ trợ chuyên môn, đồng thời đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc chuyển đổi số hóa ngành Y.

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top