Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã khai trương hoạt động tư vấn khám chữa bệnh từ xa, thuộc đề án Khám chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020 - 2035 của Bộ Y tế. 2 điểm cầu tham gia tư vấn hội chẩn, khám chữa bệnh từ xa là Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp và Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh (Đăk Lăk) cũng như các nhân viên y tế ở 186 bệnh viện tuyến dưới tại 22 tỉnh thành theo dõi trực tiếp qua cầu truyền hình.
Ngày 14/9/2020, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã khai trương hoạt động tư vấn khám chữa bệnh từ xa, thuộc đề án Khám chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020 - 2035 của Bộ Y tế. |
Tham dự buổi khai trương, PGS.TS.BS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) phát biểu: “Trong khi thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến khắp toàn cầu, chúng ta đã đổi mới suy nghĩ và triển khai đề án khám chữa bệnh từ xa. Qua đó, chất lượng khám chữa bệnh được tiếp tục nâng cao hơn, bay xa hơn và nhanh hơn tới các cơ sở tuyến dưới. Đặc biệt, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM với truyền thống kết hợp viện - trường, nhiều kinh nghiệm và thương hiệu sẽ là địa chỉ giúp các đồng nghiệp tuyến dưới, chia sẻ kiến thức giúp cho người bệnh có thể được điều trị ngay tại chỗ hiệu quả”.
Với hệ thống công nghệ truyền dẫn hình ảnh hiện đại Viettel Telehealth, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã triển khai tư vấn, khám, chữa bệnh, chẩn đoán hình ảnh, phẫu thuật và chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện đa khoa khu vực và đa khoa tỉnh. Dựa vào hệ thống này, các bác sĩ có thể hội chẩn và thực hiện đánh giá bệnh án ngay trên hệ thống, toàn bộ dữ liệu, hình ảnh khám, chữa bệnh đều được lưu trữ và bảo mật. Bệnh viện chú trọng các chuyên khoa mũi nhọn gồm: Phẫu thuật Nội soi, Tim mạch, Thần kinh, Ngoại Gan - Mật - Tụy, Chẩn đoán Hình ảnh…
PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM chia sẻ: “Việc triển khai, đẩy mạnh hoạt động tư vấn khám chữa bệnh từ xa qua nền tảng công nghệ hiện đại không chỉ nâng cao chất lượng điều trị, tiết kiệm chi phí cho xã hội và ngành y tế mà còn giúp đội ngũ y bác sĩ có thể dễ dàng trao đổi, đào tạo, tăng cường năng lực chuyên môn cho tuyến dưới, giảm quá tải bệnh viện”.
Hoạt động tư vấn khám chữa bệnh từ xa qua nền tảng công nghệ hiện đại không chỉ nâng cao chất lượng điều trị, tiết kiệm chi phí cho xã hội và ngành y tế mà còn giúp đội ngũ y bác sĩ có thể dễ dàng trao đổi, đào tạo, tăng cường năng lực chuyên môn cho tuyến dưới. |
PGS.TS.BS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh, với quan điểm “1 bác sĩ ở tuyến trung ương giúp cho 4 bác sĩ ở tuyến tỉnh, 4 bác sĩ ở tuyến huyện và 2 bác sĩ ở tuyến xã”, các cán bộ y tế ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, tuyến dưới sẽ được chia sẻ, tiếp cận nhanh chóng các kiến thức lâm sàng, kỹ thuật điều trị từ những bác sĩ tuyến trên giàu kinh nghiệm.
Theo dự kiến, khoảng 1.000 điểm cầu được thiết lập trên khắp đất nước cho đến các đảo như Cô Tô, Hoàng Sa, Trường Sa…
Trong giai đoạn tới, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh sẽ có văn bản quy định trách nhiệm của bệnh viện tuyến dưới, trách nhiệm của người bệnh cũng như nhà cung cấp quản lý đường truyền mạng để làm sao người bệnh an tâm điều trị và tham gia khám chữa bệnh từ xa.