Trong phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đã áp dụng giải pháp công nghệ thông tin (CNTT) triển khai hoạt động tư vấn điều trị từ xa rất hiệu quả. Ban chỉ đạo Quốc gia đã thành lập “Trung tâm quản lý, điều hành hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị người bệnh Covid-19”. Trung tâm thường xuyên tổ chức hội chẩn trực tuyến, mời các giáo sư đầu ngành cả nước cùng hội chẩn các ca bệnh nặng, bàn các phương pháp điều trị tối ưu cho người bệnh, cùng chia sẻ kinh nghiệm điều trị, chăm sóc người bệnh.
Việc hội chẩn trực tuyến trên nền tảng CNTT đã đóng góp quan trọng vào kết quả điều trị. Trung tâm quản lý, điều hành được thành lập đã đánh dấu sự phát triển của hệ thống khám, chữa bệnh trong xu hướng hội nhập, áp dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trong điều trị... Chính vì vậy, việc xây dựng và ban hành Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia số năm 2030, hướng tới tầm nhìn trở thành quốc gia số ổn định và thịnh vượng là việc làm rất cần thiết và cấp bách.
Đề án được xây dựng với quan điểm chủ đạo là “Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”. Thông điệp này có ý nghĩa giúp tăng cường năng lực chuyên môn của các bệnh viện tuyến dưới, được nâng tầm vươn lên chất lượng cao hơn; đồng thời các kiến thức chuyên môn của tuyến trên được lan tỏa xa hơn.
Theo đề án 24 bệnh viện đã được phê duyệt, trong đó có 18 bệnh viện tuyến trung ương do Bộ chỉ định gồm (Bạch Mai, Việt Đức, T.Ư Huế, Chợ Rẫy, Phụ sản T.Ư, Nhi T.Ư, K, E, Huyết học và truyền máu T.Ư, Nội Tiết T.Ư, Tai Mũi Họng T.Ư, Đa khoa T.Ư Thái Nguyên, Đa khoa T.Ư Cần Thơ, Răng Hàm Mặt T.Ư Hà Nội và Răng hàm mặt T.Ư TPHCM, Đại học Y Hà Nội và Y dược TPHCM) và 6 bệnh viện tuyến trên của Hà Nội và TPHCM gồm: Xanh Pôn Hà Nộị, Ung bướu Hà Nội, Ung bướu TPHCM; Từ Dũ TPHCM, Nhi đồng I TPHCM, Bệnh Nhiệt đới TPHCM...