Kế hoạch mở cửa lại du lịch cần chi tiết hơn

Chính phủ có thông báo mở lại hoạt động du lịch, trong điều kiện bình thường mới, từ ngày 15/3/2022. Nhưng theo các doanh nghiệp, đơn vị liên quan tới ngành du lịch, còn nhiều vấn đề cần được chuẩn bị và tính toán tốt hơn nữa.

Doanh nghiệp vẫn đang chờ Chính phủ… chi tiết hơn

Chính phủ đã đưa ra mốc thời gian để mở cửa trở lại ngành du lịch Việt Nam từ 15/3. Như vậy, chỉ hơn nửa tháng nữa, Việt Nam sẽ mở cửa lại đường bay du lịch quốc tế, sau 2 năm “ngủ đông”.

Quyết định này đã được các doanh nghiệp, lữ hành, khách sạn, nhà hàng,… đón nhận vui mừng. Và được xem là bước đà khôi phục lại mảng du lịch, nhất là du lịch quốc tế, ngay từ tháng 3 tới.

Chưa kể, theo dữ liệu phân tích du lịch của Google cho thấy, từ đầu tháng 1/2022 số người nước ngoài tìm thông tin về chuyến bay tới Việt Nam đã tăng 425% so với cùng kỳ năm ngoái.

Người Mỹ, Nga, Pháp, Đức, Nhật Bản, Ấn Độ… có lượng tìm kiếm nhiều nhất. Khảo sát lượng khách ở sân bay Singapore cho thấy, 95% lượng khách có nhu cầu mong muốn đi du lịch Việt Nam, nghỉ dưỡng từ 7 ngày trở lên.

du-lich.jpg
Người Mỹ, Nga, Pháp, Đức, Nhật Bản, Ấn Độ… có lượng tìm kiếm nhiều nhất.

Theo đại diện của khách sạn Mộc Châu (Mộc Châu, Sơn La), khách sạn chỉ mong ngóng ngày Việt Nam mở cửa, nhất là đón khách nước ngoài.

“Mặc dù chúng tôi vẫn luôn đón khách trong suốt thời gian qua, nhưng theo kiểu lúc có lúc không, nhưng giờ có thông báo từ Chính phủ mọi thứ mới trở nên chính thức hơn. Người dân có động lực đi du lịch hơn so với việc không có thông báo” - đại diện khách sạn Mộc Châu chia sẻ.

Còn theo chị Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc Công ty VipTravel Quy Nhơn, công ty chờ mong Chính phủ mở cửa, vì luôn có lượng khách cũ muốn đi du lịch.

Nhưng theo chị Hằng, hiện tại, khách nội địa hay đi theo nhóm nhỏ, nhờ công ty du lịch book giúp vé, phòng, khách sạn, xe… rồi họ tự đi là chính, chứ không đi theo tour nhiều như ngày trước.

“Nên dù từ đây đến tháng 7/2022 đã có hàng nghìn khách hàng book tour của chúng tôi, nhưng tính tổng thu lại không đáng kể, phí dịch vụ rất thấp. Do đó, doanh nghiệp chỉ mong Chính phủ, ngành du lịch có các chương trình kích cầu mạnh mẽ hơn nữa để tạo đà phát triển lại ngành du lịch, không doanh nghiệp rất thiệt hại” - chị Hằng nói.

Khác với chị Hằng, anh Hoàng Phú, Tổng Giám đốc Công ty du lịch Việt Nam Travel, đơn vị chuyên dịch vụ khách nước ngoài đến Việt Nam cho biết: “Mặc dù có thông báo mở cửa nhưng chúng tôi chưa thấy có thông báo về visa, nên chúng tôi cũng chưa rõ đón khách như thế nào”.

Còn bản thân công ty vẫn luôn trong trạng thái sẵn sàng đón khách, liên tục duy trì hệ thống cung cấp dịch vụ để khảo sát lại giá cả, tour… đồng thời luôn giữ liên lạc với khách hàng. Khách nước ngoài thì chỉ chờ Việt Nam mở cửa, có thông báo về visa, chuyến bay là họ sẽ vào Việt Nam ngay.

“Nhưng có một vấn đề khó khăn nhất, hiện khách hàng vẫn theo hướng tham khảo, nước nào có kịch bản hay, hấp dẫn, phòng dịch an toàn thì họ sẽ đi, mà điều này Thái Lan và các nước lại đang làm tốt hơn Việt Nam. Việt Nam vẫn chưa thực sự có một kế hoạch du lịch đủ hấp dẫn và an toàn như khách quốc tế đang mong chờ” - anh Phú nói.

Chính vì vậy, các công ty du lịch đón khách nước ngoài như Việt Nam Travel vẫn có phần bị động so với thực tế mọi người đang nghĩ là mở cửa.

Ngoài ra, Việt Nam mở cửa nhưng nhiều thị trường chính của du lịch Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và Hồng Kông (Trung Quốc) vẫn chưa mở cửa nên vẫn còn nhiều hạn chế đối với doanh nghiệp.

“Do đó, mở cửa thì tốt, nhưng sẽ không ồ ạt. Thị trường khách quốc tế gần có thể khởi động lại ngay, nhưng khách Âu, Mỹ… thì phải dần dần mới có khách”, ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc Công ty AZA Travel cho biết.

An toàn là số 1

Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ VH-TT&DL, việc mở cửa lại đã có một số thay đổi quy định so với lúc “tập dượt” mở cửa. Ví dụ như thời hạn xét nghiệm Covid-19 cho khách quốc tế, 72 giờ trước khi lên máy bay, thay vì 72 giờ vì nhập cảnh.

ong-ha-van-sieu-pho-tong-cuc-truong-tong-cuc-su-lich.jpg
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ VH-TT&DL.

“Sau 2 năm du lịch ngưng trệ, thời điểm mở lại lúc này do Chính phủ phê duyệt là quyết định đúng đắn. Nó bắt nhịp được với xu hướng phục hồi kinh tế - xã hội mà Nghị quyết số 11 Chính phủ đặt ra và xu hướng của thế giới.

Chính phủ phê duyệt quyết định này trước một tháng để cho cả doanh nghiệp, người đi du lịch, các cơ quan chức năng có liên quan... có sự chuẩn bị, kế hoạch. Đồng thời, thời gian này để những thông tin, truyền thông, quảng bá đến được với thị trường” - ông Siêu nhận định.

Lần này mở cửa là mở cửa hoàn toàn, chứ không phải thí điểm, nên vấn đề làm thế nào để bảo vệ sự an toàn cho khách du lịch đang được mọi người rất quan tâm.

Do đó, ngành du lịch luôn có hướng dẫn chi tiết cho các cơ sở dịch vụ, công ty lữ hành, khách sạn, nhà hàng... và điểm đến phải thống nhất đối với khách, người dân, người lao động. Để làm sao luôn đảm bảo kiểm soát được du lịch an toàn.

Tuy nhiên, nhiều vấn đề băn khoăn đặt ra rằng, với khách đi tour thì sẽ được kiểm soát kỹ. Vậy với khách đi tự do, nhỏ lẻ hay đi nhiều điểm trong một ngày và với thời gian ngắn sẽ kiểm soát như thế nào?

Ông Siêu cho biết, ngành du lịch hướng tới sử dụng công cụ công nghệ để hỗ trợ cho khách du lịch tìm kiếm thông tin, tìm kiếm hỗ trợ, cũng như kết nối được với các cơ sở dịch vụ. Đặc biệt là dịch vụ y tế, gắn liền với dịch vụ du lịch để có sự hỗ trợ tốt nhất.

Hiện nay, có một số ứng dụng để theo dõi khách có thể cài đặt, những ứng dụng này liên thông với ngành y tế cũng như với ngành du lịch, như ứng dụng Việt Nam du lịch an toàn. Trước đây chúng ta có chính sách xuất nhập cảnh, sau đó thì ngưng, bây giờ mở lại trong bối cảnh bình thường mới thì chúng ta cũng phải bàn lại câu chuyện xuất nhập cảnh làm sao cho thuận lợi, thuận tiện.

Chưa kể, khi xảy ra vấn đề về F0 ngay trong chuyến đi, thì doanh nghiệp cũng như các cơ quan liên quan tới ngành du lịch sẽ hỗ trợ tối đa cho khách du lịch để họ được cảm thấy thoái mái và tận tình nhất.

Việc mở cửa du lịch góp phần thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam. Nhưng thích ứng an toàn vẫn là chìa khóa đón khách dài lâu nhất cho ngành du lịch. Với tỷ lệ tiêm phủ 2 mũi văcxin Covid-19, vào danh sách nước tiêm văcxin cao nhất thế giới, Việt Nam đang thành điểm đến hấp dẫn, an toàn, bên cạnh lợi thế về thiên nhiên, văn hóa.

Kết thúc năm 2021, toàn ngành đã phục vụ 40 triệu khách du lịch nội địa, nhưng chỉ đón 3.800 khách du lịch quốc tế. Đáng chú ý, Việt Nam đã đón gần 9.000 khách quốc tế theo hình thức “hộ chiếu văcxin”, kể từ khi Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế được triển khai từ tháng 11/2021 đến nay.

Chỉ trong 9 ngày nghỉ Tết Nhâm Dần vừa qua, ngành Du lịch đã đón và phục vụ khoảng 6,1 triệu lượt khách du lịch nội địa, trong đó có 3,2 triệu lượt khách nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú du lịch, tổng thu đạt khoảng 25.000 tỷ đồng.

Theo Đời sống
Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng có thể gây nguy hại sức khỏe. Đặc biệt, mì chính lại là loại gia vị mà chúng ta ăn hàng ngày. Vì vậy, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu tâm khi mua sản phẩm.
Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ đưa sản phẩm DAP 64 Vàng/Tự nhiên về Việt Nam với chất lượng vượt trội, chi phí cạnh tranh.Bà con nông dân sẽ không còn phải lo lắng vì thiếu nguồn cung chất lượng.
back to top