Cơ hội vàng phục hồi du lịch
Ngày 17/2, Vietnam Airlines ghi nhận chuyến bay quốc tế thường lệ đầu tiên được nối lại sau khi Việt Nam dỡ bỏ hạn chế tần suất bay quốc tế. Tham gia hành trình này, bên cạnh các giấy tờ để bay thường lệ, hành khách chỉ cần xuất trình thông tin tiêm chủng Covid-19, xét nghiệm PCR âm tính và khai báo sức khỏe theo quy định của quốc gia điểm đến trước khi khởi hành.
Phó Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất Nguyễn Nam Tiến cho biết, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3. Thời điểm này, các cảng hàng không quốc tế đã sẵn sàng điều kiện để khai thác toàn mạng bay quốc tế. Các đường bay bảo đảm nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Theo thống kê từ Cục Hàng không, kể từ thời điểm 1/1 thí điểm nối lại các đường bay quốc tế cho đến ngày 14/2, Việt Nam đã có 153.000 lượt khách bay quốc tế thường lệ đi/đến. Ngành hàng không đã chuẩn bị phương án phù hợp về nhân lực và trang thiết bị để phối hợp với các hãng hàng không triển khai đón khách quốc tế. Việt Nam đã dỡ bỏ hạn chế khai thác chuyến bay quốc tế từ ngày 15/2 và ngay lập tức nhiều công ty đã nhận được đơn hàng.
Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, công dân Việt Nam, chuyên gia... không phải đăng ký theo tour, tuyến du lịch như trong thời gian thí điểm, mà chỉ cần đáp ứng các quy định của Bộ Y tế là có thể bay đi, bay đến.
Phó Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái cho hay, Công ty Lữ hành Hanoitourist đã xây dựng một quy trình điều hành tour an toàn, với các tình huống cụ thể. Để đảm bảo an toàn, công ty sẽ test nhanh cho toàn bộ khách vào cuối mỗi ngày. Các nhà hàng, quán ăn ở phố cổ Hà Nội cũng đã sẵn sàng chuẩn bị đón khách quốc tế quay trở lại với cách thức đón tiếp mới, đảm bảo phòng dịch. Đây là cơ hội vàng để phục hồi ngành du lịch và nền kinh tế Việt Nam.
Phó Giám đốc Lữ hành Saigontourist Hà Nội Nguyễn Hoài Thu cũng cho biết, bên cạnh lợi thế về thiên nhiên, văn hóa, với tỷ lệ tiêm phủ 2 mũi văcxin Covid-19 vào danh sách 6 nước cao nhất trên thế giới, Việt Nam đang là điểm đến an toàn, hấp dẫn. Hiện nay, nhiều quốc gia đã công bố kế hoạch mở cửa trở lại hoặc nới lỏng các biện pháp hạn chế biên giới. Các doanh nghiệp lữ hành tại TPHCM đã đồng loạt khởi động xây dựng, chào bán các tour du lịch quốc tế. Nhiều người Việt cũng đã rục rịch tìm tour đi nước ngoài. Tuy nhiên, bên cạnh việc quảng bá các tour, ngành du lịch cần kiến nghị, thúc đẩy các nước chính thức công nhận hộ chiếu văcxin của Việt Nam, có như vậy, việc đi lại giữa Việt Nam với thế giới và ngược lại mới thuận tiện.
Theo Tổng cục Du lịch, từ khi thực hiện chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế (tháng 11/2021), tính đến ngày 8/2/2022, Việt Nam đã đón được hơn 8.900 khách du lịch quốc tế. Khách du lịch chủ yếu đến từ Liên bang Nga, Uzbekistan, Kazakhstan, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Mỹ, Canada… Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách những điểm đến được du khách nước ngoài tìm kiếm và mong muốn trải nghiệm, khám phá. Dữ liệu phân tích từ công cụ Google Destination Insights cho thấy lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam từ đầu năm 2022 đang tăng mạnh. Lượt tìm kiếm vào thời điểm ngày 1/1/2022 tăng 222% so với tháng trước và tăng 248% so với cùng kỳ 2021.
Hoàn thiện bộ máy và chính sách
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, du lịch Việt Nam có nhiều điểm mạnh để mở cửa thị trường, tuy nhiên cũng còn một số khó khăn cần khắc phục. Hiện nay, công tác khảo sát thị trường gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh; việc phòng chống dịch chưa nhất quán giữa các địa phương; nhiều doanh nghiệp du lịch đuối sức sau thời gian dài giãn cách, thiếu nhân lực…
Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cũng cho rằng, cần thống nhất quy định từ trung ương tới địa phương trong việc di chuyển, thủ tục nếu phát sinh F0 (xét nghiệm, tiêm văcxin, thời gian, quy trình cách ly...). Doanh nghiệp không thể xử lý được nếu mỗi địa phương có những quy định, cách làm riêng, khiến cho việc di chuyển trong Việt Nam khó khăn, trải nghiệm của du khách bị tổn hại, phiền phức.
Theo các hãng lữ hành, khách Âu - Mỹ thường lên kế hoạch dài hạn nên thường phải cuối năm mới có khách. Trước mắt, tập trung thu hút, hồi phục các dòng khách trong khu vực hoặc thị trường Đông Bắc Á trong 1 - 2 tháng tới. Đến nay, khoảng 70% nhân sự du lịch đã bắt đầu khởi động và vận hành lại hệ thống, thực hiện kết nối lại với toàn bộ thị trường khách quen. 30% nhân sự nghỉ do dịch bệnh sẽ nhanh chóng phục hồi khi lượng khách quay trở lại.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, du lịch Đà Nẵng đang dần phục hồi. Lượng khách đến Đà Nẵng tăng đều trong thời gian qua đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán. Từ ngày 12/2, thành phố đã tổ chức lại việc cầu Rồng phun lửa, nước vào lúc 21h hai ngày cuối tuần. Hệ thống nhà hàng, khách sạn, quán cà phê ăn uống bên bờ sông Hàn đều đã mở lại, hoạt động trên 90% công suất. Nhiều doanh nghiệp cho biết đã sẵn sàng đón khách quốc tế.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định, việc thí điểm đón gần 8.500 khách du lịch 2 tháng qua cho thấy việc mở cửa du lịch quốc tế không ảnh hưởng đến tình hình dịch trong nước. Kinh tế du lịch đóng góp trên 9,2% vào GDP cả nước, tạo ra 2,9 triệu việc làm, trong đó có 927 nghìn việc làm trực tiếp. Ngoài việc tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người, du lịch còn tham gia tích cực vào quá trình tạo nên thu nhập quốc dân, trong đó có hoạt động sản xuất ra đồ lưu niệm, chế biến thực phẩm, xây dựng các cơ sở vật chất kỹ thuật… góp phần làm tăng tổng sản phẩm quốc nội.
Du lịch cũng tham gia tích cực vào việc làm tăng thu nhập quốc dân thông qua nguồn thu ngoại tệ, góp phần cân bằng cán cân thanh toán quốc tế. Du lịch cũng là một ngành "xuất khẩu tại chỗ" những hàng hóa công nghiệp, hàng tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ, đồ cổ phục chế, nông lâm sản… theo giá bán lẻ cao hơn do người bán sẽ không tốn kém nhiều chi phí giao hàng, vận chuyển, bảo hiểm, thuế xuất khẩu... Chính vì vậy, mở cửa du lịch càng sớm càng nhanh chóng thúc đẩy tăng tốc phát triển kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho nhiều ngành sản xuất.
Ngày 17/2, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt đã ký văn bản số 464/BVHTTDL-TCDL gửi Văn phòng Chính phủ nhằm báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép khôi phục chính sách thị thực đã áp dụng cho khách nhập cảnh Việt Nam trước khi có dịch Covid-19. Theo đó, từ ngày 15/3, sẽ mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, bao gồm cả đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (inbound) và đưa khách du lịch ra nước ngoài (outbound) qua các cửa khẩu quốc tế đường không, đường bộ, đường biển, tuân thủ các quy định an toàn phòng, chống dịch. Các địa phương phải thống nhất trong ban hành, áp dụng các điều kiện về phòng chống Covid-19, phù hợp các quy định chung của Chính phủ.
Văn bản số 465/BVHTTDL-TCDL ngày 17/2 quy định, người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, công dân Việt Nam tham gia vào chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế cần có chứng nhận tiêm đủ liều văcxin Covid-19. Khách du lịch dưới 18 tuổi, người từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ có thai, người có bệnh lý nền (nhưng không phải theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế) chưa tiêm văcxin hoặc tiêm chưa đủ liều văcxin phòng Covid-19 phải đi cùng bố mẹ, người giám hộ hợp pháp. Du khách vào Việt Nam cần có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh (trừ trường hợp trẻ em dưới 2 tuổi); có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị Covid-19 với mức trách nhiệm tối thiểu 20.000USD (đóng mức phí bảo hiểm trung bình khoảng 30USD).
Trong điều kiện bình thường mới, đến thời điểm 15/3 sẽ dừng áp dụng các biện pháp giới hạn về cấp visa và thực hiện như trước khi có dịch, bao gồm cấp visa điện tử, miễn visa đơn phương cho 13 nước và song phương cho 88 quốc gia/vùng lãnh thổ.