Hướng dẫn xử lý chất thải y tế của F0 tại nhà

Để xử lý rác thải y tế của F0 tại nhà, trong phòng của người F0 cần đặt một thùng rác có nắp đậy kín và mở bằng chân; có lót túi nilon bên trong thùng rác.

ThS.BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM cho hay, Sở Y tế TPHCM đã ban hành văn bản số 9029  về tăng cường quản lý chất thải của F0 tại nhà.

rac-thai(1).jpg
Cách xử lý an toàn nhất là cột bao rác thật chặt bỏ vào thùng đậy nắp hạn chế phát tán rác và ít mùi nhất, khô ráo nhất. Ảnh tư liệu

Theo đó, các đơn vị y tế cơ sở và UBND quận - huyện, phường - xã - thị trấn phải nắm chắc số lượng F0 trên địa bàn; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường để có phương án xử lý chất thải y tế.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM và các trạm y tế địa phương hướng dẫn F0 tại nhà phân loại, xử lý chất thải y tế đảm bảo an toàn, đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Rác thải sẽ được xử lý, thu gom hằng ngày hoặc khi đầy. Người xử lý rác cần mang khẩu trang, dùng bao tay để gom rác thải, cột kín bao nilon; sau đó bỏ luôn khẩu trang và đôi găng tay. Rửa tay sạch sau khi xử lý rác thải.

Theo TS.BSCKII Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn TPHCM, gia đình có F0 cần trang bị thùng màu vàng, trong có lót bao màu vàng có viết chữ, chất thải lây nhiễm có nguy cơ chứa SARS-CoV-2. Còn nhà không có F0, trang bị thùng màu xanh và bao màu xanh đựng chất thải sinh hoạt.

Người dân cần được trang bị kiến thức phân loại, thu gom chất thải đúng quy định như khẩu trang, bộ phương tiện phòng hộ cá nhân, chất thải từ đường hô hấp của người nhiễm…

Nước rỉ thải chảy tràn lan từ các bao rác, gây ẩm ướt còn là điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn khác phát triển và ô nhiễm mùi của hóa chất, mùi của rác... Vì vậy, cách xử lý an toàn nhất là cột bao rác thật chặt bỏ vào thùng đậy nắp hạn chế phát tán rác và ít mùi nhất, khô ráo nhất.

f0-tai-nha-anh-tu-lieu.jpg
Người dân cần được trang bị kiến thức phân loại, thu gom chất thải đúng quy định như khẩu trang, bộ phương tiện phòng hộ cá nhân, chất thải từ đường hô hấp của người nhiễm…

Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm cho cộng đồng, BSCKII Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM, yêu cầu người dân tự xét nghiệm  kết quả dương tính phải ở yên tại nhà và gọi điện cho trạm y tế phường.

Trong 24 giờ, trạm y tế có nhiệm vụ tiếp cận với bệnh nhân để kiểm tra lại tình trạng. Nếu người dân là F0, trạm y tế sẽ đánh giá điều kiện khu vực để cách ly tại nhà, phát ngay gói thuốc theo quy định.

Theo Đời sống
back to top