Hội thảo thu hút hơn 150 nhà khoa học trong nước và quốc tế đến từ Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Pháp, Úc... chia sẻ các kết quả nghiên cứu và ứng dụng mới nhất trong lĩnh vực vật liệu nano tiên tiến như vật liệu xúc tác quang, aerogel, zeolit, khung cơ kim hữu cơ, polymer sinh học, vật liệu composit sinh học và các vật liệu nano có hiệu suất xử lý cao, giá thành rẻ, có độ ổn định cao và thân thiện với môi trường.
GS Afit Kumar Shama (Ấn Độ) trình bày báo cáo tại hội thảo. Ảnh: BN. |
GS Nguyễn Văn Nội, Hiệu trưởng Đại học khoa học tự nhiên kỳ vọng hội thảo đem đến cơ hội tương tác cho các nhà khoa học và những người nghiên cứu trẻ và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực vật liệu tiên tiến. Những ý tưởng mới chia sẻ tại diễn đàn này cũng sẽ được các nhà khoa học cùng thảo luận để tìm ra hướng giải quyết ưu việt.
Đại học Khoa học Tự nhiên đang triển khai nhiều đề tài thuộc lĩnh vực này, trong đó có nghiên cứu chế tạo vật liệu cacbon xốp và vật liệu cacbon aerogel từ than đá để ứng dụng làm vật liệu anode cho pin lithium-ion và xử lý môi trường; Nghiên cứu tổng hợp vật liệu cấu trúc nano dị thể đa chức năng ứng dụng làm vật liệu hấp phụ/quang xúc tác xử lý ô nhiễm các hợp chất hữu cơ và khử khuẩn trong môi trường nước...
Kết quả bước đầu cho thấy, nhiều vật liệu nano tiên tiến, thế hệ mới đã được nghiên cứu chế tạo thành công, giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, sản xuất năng lượng tái tạo và phát triển bền vững.
Vật liệu nano tiên tiến có thể ứng dụng cho nhiều lĩnh vực như xử lý môi trường, lưu giữ và chuyển hóa năng lượng, hay nông nghiệp thông minh có thể tạo ra các sản phẩm sạch hơn, có giá trị hơn, giải quyết được các vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường.