Hơn 1 vạn tổ Covid-19 cộng đồng chống dịch hiệu quả tại Bắc Giang

(khoahocdoisong.vn) - Tổ Covid-19 cộng đồng là vũ khí chống dịch độc đáo của Việt Nam đã được phát huy hiệu quả tại Bắc Giang.

Khi dịch bệnh đã có sự lây nhiễm trong cộng đồng thì tình hình sẽ trở nên phức tạp, vì mầm bệnh đã xâm nhập và có thể xuất hiện ở bất cứ nơi đâu, bất cứ đối tượng nào. Vì vậy, khi xuất hiện ca bệnh Covid-19 trong cộng đồng, các lực lượng chức năng cần chủ động, khẩn trương triển khai ngay công tác tổ chức giám sát, phát hiện, lấy mẫu và cách ly tất cả những trường hợp có nghi ngờ. Thực hiện được điều này một cách có hệ thống, toàn diện và triệt để đóng vai trò đặc biệt quan trọng giúp chúng ta sớm khoanh vùng, cách ly những khu vực có nguy cơ cao từ đó làm suy giảm tốc độ lây lan của dịch bệnh.

PGS.TS Trần Như Dương nói về nhóm Covid-19 cộng đồng.

PGS.TS Trần Như Dương nói về nhóm Covid-19 cộng đồng.

Để làm được điều này, dựa vào một mình lực lượng y tế là không đủ, mà cần phải huy động, vận dụng sức mạnh của toàn dân. Mô hình tổ Covid-19 cộng đồng bắt đầu được áp dụng tại ổ dịch Sơn Lôi, sau đó đã được Bộ Y tế tham mưu cho các địa phương xây dựng và triển khai đồng bộ. Tổ Covid-19 cộng đồng là một trong những chìa khóa hữu hiệu, phát huy sâu rộng sức mạnh toàn dân, là cánh tay nối dài của các lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống dịch.

Các tổ Covid-19 cộng đồng do UBND cấp xã/phường ra quyết định thành lập. Tổ hoạt động trên tinh thần tình nguyện với nòng cốt là các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể tại cộng đồng, người tình nguyện tại khu dân cư dưới sự tổ chức, quản lý của chính quyền địa phương và sự hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật của ngành y tế. Tùy theo điều kiện thực tế, mỗi tổ phụ trách từ 40-50 hộ gia đình và có phân công danh sách hộ gia đình cụ thể cho từng tổ.

Nhiệm vụ của tổ là hằng ngày đi từng ngõ, gõ từng nhà để: Thực hiện truyền thông, vận động, nhắc nhở nhân dân các biện pháp phòng chống dịch; yêu cầu và hướng dẫn người dân tự theo dõi sức khỏe, chủ động khai báo y tế khi bản thân hoặc người trong gia đình có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh.

Tổ còn có nhiệm vụ hỏi, giám sát, phát hiện và báo cáo ngay bằng điện thoại cho chính quyền địa phương và y tế tuyến xã/phường những trường hợp nghi mắc Covid-19 phát hiện được tại các hộ gia đình; phát hiện, báo cáo các cấp có thẩm quyền những trường hợp không tự giác khai báo y tế, không chấp hành thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định và thực hiện các nhiệm vụ khác phù hợp với khả năng do Ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp xã/phường phân công.

Tổ Covid-19 thực hiện đi từng ngõ, gõ từng nhà.

Tổ Covid-19 thực hiện đi từng ngõ, gõ từng nhà.

Trong đợt dịch lần thứ 4, Bắc Giang là tỉnh thành có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất nước với tốc độ lây nhiễm nhanh, trong khoảng thời gian ngắn, toàn tỉnh Bắc Giang đã thành lập 10.643 tổ Covid-19 cộng đồng với tổng số nhân lực là 37.420 người. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao tới từ các cấp, ban ngành, mạng lưới tổ Covid-19 cộng đồng tại Bắc Giang hoạt động khá trơn tru và hiệu quả. Theo số liệu mới nhất từ Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang, tới thời điểm hiện tại, mạng lưới tổ Covid-19 cộng đồng đã phát hiện được trên 1.200 trường hợp có biểu hiện ho, sốt, qua đó thực hiện các biện pháp cần thiết một cách kịp thời nhằm ngăn chặn việc lây lan dịch bệnh.

Trong số nhiều địa phương tại Bắc Giang, huyện Lục Nam được đánh giá cao về công tác phòng, chống dịch theo phương châm “toàn dân, toàn diện”. Chỉ tính riêng ở khía cạnh triển khai mô hình tổ Covid-19 cộng đồng, toàn huyện Lục Nam có tới 1.400 tổ, với tổng số nhận lực gần 4.000 người...

PGS.TS Trần Như Dương (Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư)

Theo Đời sống
Nhìn mờ - nguy cơ tiềm ẩn của đột quỵ

Nhìn mờ - nguy cơ tiềm ẩn của đột quỵ

Việc nhầm lẫn giữa nhìn mờ do đột quỵ và các bệnh về mắt là một vấn đề phổ biến, sự chủ quan có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng khiến người bệnh mất đi cơ hội điều trị sớm hoặc để lại những di chứng nặng nề.
back to top